Bất động sản nghỉ dưỡng chưa hết "ngủ đông"
Thanh khoản kém bắt nguồn từ niềm tin của nhà đầu tư và vướng mắc pháp lý chưa được khơi thông khiến thị trường bất động sản nghỉ dưỡng chưa thể khởi sắc.
Báo cáo từ DKRA Group cho thấy, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng vẫn chưa có nhiều tín hiệu hồi phục.
Thị trường ảm đạm
Trong tháng 8 vừa qua, toàn thị trường có 2.180 căn biệt thự nghỉ dưỡng mở bán. Nguồn cung tăng nhẹ so với tháng trước nhưng thấp hơn 5% so với cùng kỳ 2023.
Thanh khoản tiếp tục giảm 22% so với tháng 7 với 25 căn được tiêu thụ, tương đương 1% nguồn cung. Dù các chủ đầu tư tiếp tục đưa ra những chính sách cam kết thuê, mua lại, hỗ trợ lãi suất... nhưng không mang lại hiệu quả. Giá bán biệt thự sơ cấp không có sự thay đổi, trong khi thị trường thứ cấp chứng kiến tình trạng cắt lỗ từ 10 - 20%.
Đối với loại hình nhà phố, shophouse biển còn ảm đạm hơn khi không có dự án mới. Nguồn cung trong tháng 8 đạt khoảng 2.907 căn nhưng toàn bộ là hàng tồn kho thuộc dự án cũ mở bán từ nhiều năm trước. Thậm chí trong tháng không có một giao dịch thành công nào được ghi nhận, dù mức giá bán thứ cấp giảm tới 30-40%.
Loại hình condotel cũng không cải thiện hơn so với tháng trước. Chỉ có 192 sản phẩm bất động sản loại này được giao dịch trong tháng 8, trên tổng số 4.826 căn mở bán. Tỷ lệ tiêu thụ đạt 4%, tức giảm 53% so với tháng trước.
Vẫn vướng mắc từ pháp lý
Ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Khánh Hòa cho rằng, bất động sản nghỉ dưỡng chưa thể thoát khỏi tình trạng "ngủ đông" xuất phát từ nhiều yếu tố.
Trước hết là khó khăn trong việc thu hút dòng đầu tư mới. Các chủ đầu tư hiện vẫn thận trọng với phân khúc này sau những biến động trong giai đoạn đại dịch. Bất động sản nghỉ dưỡng có vốn đầu tư lớn và thời gian thu hồi vốn kéo dài càng khiến phân khúc này giảm sức hấp dẫn đối với nhà đầu tư.
Một nguyên nhân khác theo ông Tuấn là sự thiếu rõ ràng về khung pháp lý cho các loại hình bất động sản nghỉ dưỡng như condotel, biệt thự nghỉ dưỡng, shophouse. Trong giai đoạn pháp lý được coi trọng như hiện nay, điều này là một rủi ro lớn ngăn cản nhiều nhà đầu tư xuống tiền.
Tình trạng khó khăn này đã được Bộ Xây dựng chỉ ra trong báo cáo quý 2/2024. Trong đó, Bộ nhấn mạnh thị trường bất động sản nghỉ dưỡng để bán vẫn tiếp tục duy trì trạng thái trầm lắng và chưa có dấu hiệu phục hồi.
Ông Võ Hồng Thắng - Phó tổng giám đốc DKRA Group nhận định, thanh khoản bất động sản nghỉ dưỡng đang ở mức thấp nhất trong một thập kỷ qua. Lượng tiêu thụ giảm từ 60 - 69% so với cùng kỳ, phần lớn tập trung ở những dự án có mức giá bán dưới 10 tỷ đồng/căn. Có thể thấy, thị trường này sẽ khó có khả năng tăng giá ngắn hạn.
Trong đó, phân khúc condotel và shophouse được cho là chịu nhiều áp lực nhất. Qua khảo sát từ các trang mua bán bất động sản cho thấy, các dự án đang được rao bán cắt lỗ từ hàng trăm triệu đến cả tỷ đồng chủ yếu đến từ phân khúc condotel, nằm ở một số khu vực như Phú Quốc, Đà Nẵng, Nha Trang…
Bên cạnh sự suy thoái chung của thị trường bất động sản, việc ồ ạt xây dựng và phát triển các loại hình nghỉ dưỡng mới như condotel hay shophouse cũng được cho là nguyên nhân dẫn tới việc nhiều nhà đầu tư phải cắt lỗ.
Ông Nguyễn Văn Đính – Chủ tịch VARS chia sẻ, thời gian qua nhiều chủ đầu tư đã buộc phải chuyển đổi condotel sang căn hộ chung cư để ở như Đà Nẵng là ví dụ. Đây được xem như giải pháp tình thế trước sự phát triển ồ ạt của loại hình này. Thậm chí, sản phẩm shophouse còn khó khăn hơn để có thể chuyển đổi.
“Trong phát triển cấu trúc hạ tầng của ngành kinh tế du lịch, condotel hay shophouse là cần thiết, tuy nhiên, tại nhiều địa phương, chủ đầu tư ồ ạt làm những dự án mà không chú trọng đến hệ thống hạ tầng du lịch, trong khi rầm rộ quảng cáo là đầu tư bất động sản sinh lời. Đây là một hệ lụy rất lớn với gây mất niềm tin của nhà đầu tư”, ông Đính nói.
Bởi vậy, theo đề xuất của các chuyên gia, giải pháp trước mắt của Việt Nam là tìm cách thu hút khách du lịch, giảm giá bán... để hạn chế nguy cơ đổ vỡ. Về lâu dài cần nhanh chóng tháo gỡ rào cản pháp lý cho condotel, shophouse hay officetel.