Doanh nghiệp

Gỡ khó cho "nhân lực ngoại"

Thy Hằng thực hiện 21/09/2024 02:41

Chính phủ nên làm rõ các quy định về chức danh lao động, điều chỉnh, hướng dẫn cụ thể hóa quy định đối với "nhân lực ngoại" công tác ngắn ngày.

Như DĐDN đã thông tin trước đó, trong bối cảnh đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam không ngừng tăng trưởng, lao động nước ngoài cũng đang thâm nhập ngày càng sâu vào thị trường, đặc biệt là lực lượng lao động chất lượng cao. Song hành với lực lượng lao động mang quốc tịch Việt Nam, sự đóng góp của nguồn lao động “ngoại” đã giúp giải quyết nhu cầu về nhân lực chuyên môn, đồng thời nâng cao năng suất và hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp đa quốc gia.

lao-dong-nuoc-ngoai.jpg
Hết năm 2023, tổng số lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam khoảng gần 136.800 người.

Theo thống kê của Bộ Lao động – Thương binh và xã hội, tính đến hết năm 2023, tổng số lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam khoảng gần 136.800 người. Ngoài hơn 10.000 lao động không thuộc diện cấp giấy phép lao động (“GPLĐ”), cả nước ghi nhận gần 126.000 lao động thuộc diện cấp GPLĐ bao gồm 18.761 người tại TP. Hồ Chí Minh và 12.730 người tại Hà Nội.

Mặc dù đóng góp quan trọng trong việc cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho thị trường Việt Nam, nhưng nhân sự, người lao động nước ngoài hiện vẫn gặp một số khó khăn trong việc tham gia vào thị trường lao động, cụ thể với các vấn đề liên quan đến cơ chế chính sách, thủ tục hành chính tại Việt Nam, điều này “làm khó” các doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng “lao động ngoại” này, đặc biệt là với các doanh nghiệp đa quốc gia.

105a4d65-12a0-442e-848e-8fd418b0d8e9.jpeg
Bà Sabrina Sia, Phó Tổng Giám đốc, Dịch vụ Tư vấn Thuế, phụ trách khu vực Đông Nam Á, Deloitte Singapore.

Chia sẻ với DĐDN, bà Vũ Thu Hà, Phó Tổng Giám đốc, Dịch vụ Tư vấn Thuế, Deloitte Việt Nam và bà Sabrina Sia, Phó Tổng Giám đốc, Dịch vụ Tư vấn Thuế, phụ trách khu vực Đông Nam Á, Deloitte Singapore đều đồng tình nhấn mạnh, một trong những thách thức lớn với các doanh nghiệp, đặc biệt với doanh nghiệp đa quốc gia, là thủ tục hành chính liên quan đến lao động nước ngoài. Không chỉ về thủ tục hành chính, thủ tục thuế cũng là vấn đề với các doanh nghiệp đa quốc gia, đặc biệt trong việc kê khai và nộp thuế Thu nhập cá nhân (TNCN) cho lao động nước ngoài.

-Trước những thách thức đó, cơ quan nhà nước đã có những định hướng và giải pháp gì để hỗ trợ doanh nghiệp, thưa hai bà?

Về vấn đề GPLĐ, mặc dù Nghị định 70/2023/NĐ-CP đã có nhiều sửa đổi tích cực, Chính phủ nên tiếp tục xem xét và làm rõ các quy định về chức danh lao động cũng như điều chỉnh, đưa ra hướng dẫn cụ thể hóa quy định đối với người nước ngoài có nhu cầu đi công tác ngắn ngày tại Việt Nam theo hướng linh hoạt hơn dựa trên kinh nghiệm quốc tế để thích nghi với xu hướng lao động toàn cầu và giảm thiểu những trở ngại cho các doanh nghiệp đa quốc gia khi hoạt động tại Việt Nam.

Về thuế, ngày 29/01/2024, Tổng cục Thuế đã ban hành Quyết định số 101/QĐ-TCT về kế hoạch cải cách hành chính năm 2024 với mục tiêu xây dựng Chính phủ điện tử trong lĩnh vực thuế. Các quy trình kê khai và nộp thuế TNCN dự kiến sẽ tiếp tục được cải thiện, giúp giảm bớt gánh nặng cho doanh nghiệp và cá nhân. Đồng thời, Bộ Tài chính cũng đang tiến hành rà soát, đánh giá Luật thuế TNCN với khả năng điều chỉnh vào năm 2026, tạo cơ hội sửa đổi các quy định chưa phù hợp.

unnamed (4)
Chính phủ nên tiếp tục xem xét và làm rõ các quy định về chức danh lao động cũng như điều chỉnh, hướng dẫn cụ thể hóa quy định đối với "nhân lực ngoại" công tác ngắn ngày.

-Bên cạnh những điểm còn hạn chế về chính sách, cơ chế, doanh nghiệp có thể làm gì để tối ưu hóa quy trình và giảm bớt khó khăn trong việc quản lý lao động nước ngoài?

Để đảm bảo quy trình xin cấp GPLĐ diễn ra thuận lợi và hiệu quả, doanh nghiệp cần chủ động đánh giá kỹ các chức danh công việc và kinh nghiệm của ứng viên ngay từ giai đoạn đăng tuyển, nhằm đảm bảo tính nhất quán và phù hợp với yêu cầu khi xin cấp GPLĐ. Điều này không chỉ nâng cao khả năng được chấp thuận mà còn giúp doanh nghiệp tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật.

Đồng thời, việc đánh giá toàn diện và thường xuyên về kế hoạch công tác ngắn ngày cũng như tính chất công việc của người nước ngoài sẽ giúp doanh nghiệp duy trì sự chủ động và linh hoạt, đảm bảo quy trình xin cấp GPLĐ được thực hiện kịp thời, tránh các rủi ro không mong muốn.

Theo quan sát của chúng tôi, phần lớn các doanh nghiệp đa quốc gia hoạt động tại Việt Nam đang tuân thủ tốt các quy định của Việt Nam liên quan tới việc kê khai, nộp thuế TNCN tại Việt Nam. Tuy vậy, với xu hướng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, các doanh nghiệp cần tiếp tục đầu tư vào các hệ thống tự động hóa để quản lý hiệu quả việc kê khai thuế đối với lao động nước ngoài. Điều này không chỉ giúp giảm tải cho bộ phận quản lý mà còn đảm bảo tính chính xác và minh bạch trong quá trình kê khai thuế cho người lao động, đặc biệt đối với các cá nhân người nước ngoài có các gói thu nhập đa dạng và phức tạp.

Để quản lý hiệu quả việc miễn giảm thuế theo Hiệp định Tránh đánh thuế hai lần (DTA) đối với các cá nhân công tác ngắn hạn tại Việt Nam cũng như khấu trừ thuế đã nộp ở nước ngoài cho cá nhân cư trú, các doanh nghiệp nên triển khai hệ thống theo dõi toàn diện về thời gian lưu trú và tình trạng kê khai thuế của nhân sự tại nhiều quốc gia. Việc lập kế hoạch thuế trước khi đến, bao gồm việc xem xét cẩn trọng các quy định DTA liên quan, đóng vai trò quan trọng trong việc tránh phát sinh các nghĩa vụ thuế không cần thiết. Đơn giản hóa các quy trình thủ tục, chẳng hạn như đảm bảo chứng nhận cư trú thuế và chủ động nộp hồ sơ xin miễn giảm thuế theo DTA, có thể giúp giảm đáng kể thời gian xử lý. Bên cạnh đó, đào tạo đội ngũ nhân sự và bộ phận thuế về quy trình DTA và duy trì mối liên hệ thường xuyên với cơ quan thuế Việt Nam sẽ giúp đảm bảo hiểu rõ các bước cần thực hiện để xin miễn giảm thuế, từ đó đẩy nhanh tiến độ và nâng cao hiệu quả tuân thủ cũng như hoạt động của doanh nghiệp.

-Chuyên gia có thể chia sẻ một số thực tiễn đáng chú ý về chiến lược thu hút nhân tài mà các quốc gia, doanh nghiệp trong khu vực đang áp dụng?

Các quốc gia Đông Nam Á đang triển khai nhiều chính sách khác nhau nhằm thu hút nhân tài, đặc biệt trong lĩnh vực nhập cư, với trọng tâm chính là ngành công nghệ. Điển hình, Singapore áp dụng chiến lược toàn diện và đa chiều để thu hút nhân tài toàn cầu. Ngoài việc duy trì môi trường kinh doanh thân thiện với thuế doanh nghiệp và thuế cá nhân thấp, cùng sự hỗ trợ mạnh mẽ từ chính phủ và cơ sở hạ tầng hiện đại, Singapore còn là trung tâm kinh doanh hấp dẫn. Chính phủ đã đưa ra nhiều chương trình visa được thiết kế riêng nhằm thu hút nhân tài cao cấp, đặc biệt trong các lĩnh vực ưu tiên, tăng trưởng mạnh như công nghệ và tài chính.

b901c826-fcbc-44ae-9741-56455aae0f07.jpeg
Bà Vũ Thu Hà, Phó Tổng Giám đốc, Dịch vụ Tư vấn Thuế, Deloitte Việt Nam.

Một số chương trình đáng chú ý gồm: ONE Pass: nhắm đến nhân tài toàn cầu với thời hạn visa dài, tính ổn định và linh hoạt cao; Tech Pass: dành cho các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ; EntrePass: thu hút các doanh nhân nước ngoài muốn khởi nghiệp sáng tạo tại Singapore, đặc biệt trong các ngành công nghệ cao hoặc nghiên cứu; Chương trình Đầu tư Toàn cầu: lộ trình dành cho các cá nhân có tài sản lớn muốn đạt được quyền thường trú tại Singapore.

Tương tự, Malaysia đã khởi động Chương trình Doanh nhân Công nghệ Malaysia (MTEP) nhằm thu hút nhân tài công nghệ và đưa ra các ưu đãi thuế cho chuyên gia nước ngoài trong các ngành công nghệ cao và bán dẫn. Bên cạnh đó, Thái Lan cũng đã giới thiệu chương trình Smart Visa để thu hút nhân lực có kỹ năng trong các công nghệ tương lai.

Những chính sách này, cùng với các ưu đãi thuế TNCN mà một số quốc gia đã ban hành đang tạo nên môi trường hấp dẫn để các chuyên gia tài năng đến làm việc và sinh sống trong khu vực.

Trân trọng cảm ơn hai bà!

Thy Hằng thực hiện