Nghiên cứu - Trao đổi

Cần có chính sách hỗ trợ thích hợp để phát triển hydrogen xanh

Phương Thanh thực hiện 21/09/2024 04:30

Việt Nam đã ban hành chiến lược hydrogen quốc gia, tuy nhiên đây là lĩnh vực mới chưa khả thi về thương mại, nên cần khuyến khích, hỗ trợ để phát triển.

Đó là chia sẻ của ông Lê Ngọc Ánh Minh - Chủ tịch Câu lạc bộ Hydrogen Việt Nam ASEAN với Diễn đàn Doanh nghiệp. Theo ông Minh, phát triển hydrogen được định hướng tại Nghị quyết số 55 – NQ/TW của Bộ Chính trị và được đưa vào mục tiêu chiến lược của Quy hoạch điện VIII, nhưng để triển khai phát triển lĩnh vực này, doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn.

Ông Ánh Minh
Ông Lê Ngọc Ánh Minh - Chủ tịch Câu lạc bộ hydrogen Việt Nam Asean

Thưa ông, nguồn năng lượng từ hydrogen đã có mục tiêu và lộ trình phát triển, nhưng chưa khả thi về thương mại, vậy ông có thể chia sẻ rõ hơn về vướng mắc này?

Thứ nhất, đây là ngành mới. Việt Nam là 1 trong 50 nước công bố chiến lược hydrogen quốc gia. Qua các hội thảo quốc tế gần đây do Câu lạc bộ Hydrogen Việt Nam ASEAN tổ chức cùng đối tác Đức, đối tác Nhật Bản, chúng tôi nhận biết tại các nước phát triển này, hydrogen là lĩnh vực mới và doanh nghiệp cũng gặp khó từ việc thiết lập hạ tầng, chuỗi cung ứng cho đến việc sản xuất.

Ở các nước phát triển như EU, Úc, Nhật, Canada, Chính phủ hỗ trợ cả nhà đầu tư sản xuất hydrogen lẫn người tiêu dùng tiêu thụ hydrogen. Tại Việt Nam, rất khó để kỳ vọng được hỗ trợ hai đầu như các nước phát triển vì Việt Nam chúng ta là nước đang phát triển, còn nhiều vấn đề khó khăn mà Chính phủ cần phải giải quyết.

Thứ hai, theo quan điểm của tôi, khi chúng ta nhìn vào quá trình phát triển năng lượng tái tạo, từ 2017 đến nay, dễ thấy rằng rất nhiều doanh nghiệp tham gia đầu tư sản xuất điện tái tạo, và sau đó, có nhiều dự án không bán được điện do nhiều nguyên nhân khác nhau.

Nếu nhìn thẳng vào vấn đề thì có thể thấy là có những doanh nghiệp không có chuyên môn ngành điện hoặc năng lượng nhưng vẫn tham gia đầu tư. Cách đầu tư theo xu hướng, nghĩ là dễ làm, dễ kiếm tiền nhưng thực sự không dễ vì ngành điện, ngành hạ tầng đòi hỏi tính dài hạn, mà dài hạn thì luôn đi cùng rủi ro khó đoán.

Theo tôi thì các doanh nghiệp có chuyên môn về hydrogen hoặc có hạ tầng cơ bản liên quan đến hydrogen (như doanh nghiệp ngành khí đốt, ngành điện, ngành cung ứng năng lượng v.v.) khi tham gia đầu tư sản xuất hydrogen sẽ hạn chế rất nhiều về khó khăn, vướng mắc. Vì họ có chuyên môn ngành, họ sẽ biết khi nào làm gì và cần làm gì chứ không đầu tư ồ ạt để gặp rủi ro.

Nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, hiện công nghệ sản xuất, cũng như ứng dụng hydrogen xanh chưa hoàn thiện, đồng thời giá thành còn quá cao, khiến nguồn năng lượng này chưa được áp dụng rộng rãi ở các lĩnh vực công nghiệp. Ông đánh giá như thế nào về nhận định này?

Đúng là các dự án sản xuất hydrogen xanh nói riêng và nhiên liệu tổng hợp (synthetic fuel) hầu hết chưa khả thi về mặt thương mại ở thời điểm hiện tại. Cái khó chính là chi phí thiết bị cao dẫn đến chi phí sản xuất cao.

Tiến trình của hydrogen có lẽ sẽ tương tự điện mặt trời và điện gió: khi Trung Quốc, Ấn Độ tham gia sâu vào chuỗi R&D và sản xuất cấu kiện điện gió, điện mặt trời đã kéo giá thành xuống thấp, có lợi cho nhà đầu tư, người tiêu dùng.

Người ta cũng đang trông đợi điều tương tự sẽ xảy ra đối với máy điện phân, là thiết bị sản xuất hydrogen xanh trọng yếu hiện nay: các quốc gia có thế mạnh về sản xuất lớn, giá rẻ như Ấn Độ, Trung Quốc và cả Việt Nam sẽ giúp kéo giá thành thiết bị xuống và làm cho việc sản xuất hydrogen xanh trở nên khả thi hơn.

Ngoài ra, có 1 xu hướng nữa là thăm dò và khai thác hydrogen tự nhiên, gọi là hydrogen trắng. Mặc dù có nhà khoa học hoài nghi về việc tồn tại của hydrogen trắng trong tự nhiên, tuy nhiên các nhà thăm dò đang có động lực hơn khi tỉ phú Bill Gates đầu tư lớn vào công ty khởi nghiệp thăm dò khai thác hydrogen trắng.

Một số chuyên gia ngành hóa chất ở Việt Nam đánh giá rằng, khi việc thăm dò khai thác hydrogen trắng được thực hiện thì chi phí hydrogen xanh sẽ kéo giảm thật sự vì khi đó nguồn cung hydrogen không phụ thuộc vào máy điện phân nữa.

Để tạo đà thúc đẩy phát triển nguồn năng lượng hydrogen như mục tiêu đề ra, theo ông, Việt Nam cần có các chính sách như thế nào?

11111.jpg
Nên tạo cơ chế thông thoáng để tư nhân tham gia thật sâu vào R&D, thu hút đầu tư lĩnh vực hydrogen

Theo tôi thì hydrogen là ngành khá mới không chỉ ở Việt Nam mà trên thế giới cũng vậy. Chúng ta cần chính sách tích cực về hợp tác quốc tế để chia sẻ kiến thức, nghiên cứu phát triển và công nghệ tối ưu và câp nhật thường xuyên. Hợp tác quốc tế về tài chính nữa, cần hợp tác đa phương và linh hoạt chứ không gói gọn trong một vài chương trình như chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP).

Vì đây là ngành mới và chưa khả thi về thương mại, cho nên Chính phủ cần tích cực khuyến khích nhiều hơn đổi mới sáng tạo về hydrogen. Tôi cho rằng phải thật sự sáng tạo, chúng ta mới có được các dự án không khả thi trở thành khả thi.

Việt Nam đã ban hành chiến lược hydrogen quốc gia. Tiếp theo là cần thiết lập các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật chi tiết, về cháy nổ, về an toàn, cần thiết lập định nghĩa về hydrogen xanh theo chuẩn mực quốc tế,... cho cả chuỗi cung ứng từ đầu vào sản xuất, sản xuất, lưu trữ, vận chuyển và đầu ra cuối (người tiêu dùng). Đầu tiên, hãy chuẩn bị một bộ tiêu chuẩn kỹ thuật bài bản để nhà sản xuất và các bên tham gia chuỗi cung ứng có cơ sở tham chiếu.

Nên tạo cơ chế thông thoáng để tư nhân tham gia thật sâu vào R&D. Chính phủ nên tiếp nhận công nghệ nước ngoài và có thể "đặt hàng" cho các trường, viện hợp tác chủ động quốc tế theo cách vừa tự nghiên cứu vừa chia sẻ nghiên cứu ứng dụng từ đối tác quốc tế rồi phối hợp, chuyển giao cho doanh nghiệp tổ chức sản xuất chủ động.

Song song đó, cần tuyên truyền và sàng lọc, chỉ cấp phép cho đối tượng có chuyên môn và có nền tảng ngành này tham gia vào chuỗi cung ứng hydrogen. Tránh trường hợp để cho công chúng hiểu chưa đúng về hydrogen là chỉ đơn thuần lấy nước lã phân tách thành hydrogen và oxygen. Bởi khi chưa hiểu đầy đủ về tính phức tạp của việc sản xuất và hình thành chuỗi cung ứng hydrogen, các nhà đầu tư không chuyên sẽ lao vào đầu tư vì nghĩ là dễ ăn, như vậy khả năng cao rủi ro lại xảy ra như ngành điện gió, điện mặt trời…

Trân trọng cảm ơn ông!

Phương Thanh thực hiện