Làm gì để tiếp cận vốn ESG hiệu quả?
Nhiều doanh nghiệp có mục tiêu chuyển đổi xanh và thực hành ESG nhưng không biết làm sao để tiếp cận vốn ESG, nên đang loay hoay.
Do không biết bắt đầu từ đâu, trong khi chuyển đổi xanh đòi hỏi nguồn vốn đầu tư lớn hơn, họ cũng không biết làm sao để tiếp cận nguồn lực hỗ trợ và kế hoạch nguồn vốn để thực hiện ESG nhằm đáp ứng yêu cầu của các tổ chức đánh giá và cấp chứng chỉ ESG một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất.
Trên cơ sở tư vấn quản trị, chiến lược, đồng hành cùng các doanh nghiệp chuyển đổi số và xanh, tôi nhận thấy các vấn đề trả lời câu hỏi “bắt đầu từ đâu” của các doanh nghiệp như sau:
Thứ nhất, doanh nghiệp muốn chuyển đổi xanh và thực hành ESG thì phải có kiến thức về ESG. Không ít quan điểm cho rằng đầu tiên phải có tầm nhìn và chiến lược ESG, triển khai từ trên xuống dưới toàn diện doanh nghiệp mới hiệu quả. Tôi cho rằng có kiến thức mới có cơ sở để xây dựng tầm nhìn và hoạch định chiến lược đúng, đồng bộ với mọi mục tiêu, chiến lược chung và phù hợp với thực tiễn, nội tại của doanh nghiệp. Có doanh nghiệp chia sẻ rằng họ đã từng làm ESG vài năm, thuê chuyên gia tư vấn rất tốn kém, nhưng sau cùng thất bại.
Chúng ta thấy rằng ESG là khái niệm gần gũi với đời sống và doanh nghiệp. Sử dụng bao bì một lần giảm rác thải nhựa là một khía cạnh thể hiện trong ESG. Vận hành doanh nghiệp giảm tiêu hao năng lượng cũng là đóng góp ESG. Nhìn chung, những gì tác động môi trường, trách nhiệm xã hội và quản trị doanh nghiệp đều là ESG. Thực hành một trong số các khía cạnh này chính là đang thực hành chuyển đổi. Vì gần gũi và đơn giản như thế nên các doanh nghiệp thường tin chắc mình có kiến thức về ESG và việc vận hành nó vào hệ thống là đơn giản.
Thực tế, “ESG” là viết tắt của “Môi trường, Xã hội và Quản trị”, trong mỗi danh mục chi tiết bao gồm một bộ tiêu chuẩn và mục tiêu mà một tổ chức phải đáp ứng và tuân thủ.
ESG không phải là một xu hướng hay phong trào, vai trò của ESG là then chốt trong tương lai của các doanh nghiệp. Đó chính xác là những gì nền kinh tế của chúng ta cần để giúp giảm thiểu các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu và bảo vệ các quyền cơ bản của con người.
Trên cơ sở các tiêu chí của ESG khi đã nắm bắt và hiểu đúng, đầy đủ, doanh nghiệp sẽ sở hữu một bộ nguyên tắc hướng dẫn giúp đưa ra các quyết định có ý thức về môi trường và xã hội. Ba hạng mục ESG sẽ bổ sung vào mô hình kinh doanh bền vững bằng cách chỉ định các tiêu chuẩn cần đáp ứng theo từng danh mục. Nói cách khác, ESG như một mô hình định hướng hành động cho sự bền vững của công ty.
Thứ hai, khi hiểu được tiêu chí và định hướng, các lãnh đạo của doanh nghiệp không chỉ hiểu chính xác thành công của chiến lược ESG sẽ như thế nào và có tác động tích cực gì, họ sẽ cam kết với tầm nhìn này. Đó cũng là “kim chỉ nam” để ESG được triển khai ở mọi cấp.
Thứ ba, tích hợp ESG cùng các tiêu chuẩn khác để xây dựng một hệ thống quản trị thống nhất. Đối với một doanh nghiệp, tôi cho rằng đó là một tổ chức vận hành theo hệ thống, không có sự vận hành tự phát trong nội bộ doanh nghiệp mà thành công cũng như doanh nghiệp cũng phải đặt mình vào thị trường và hệ thống quy chuẩn chung. Thế giới đã có các định nghĩa, tiêu chuẩn quốc tế về ESG cũng như các tiêu chuẩn quản lý hệ thống (Management System Standard). Việc xây dựng một phương thức kết hợp có hiệu quả các tiêu chuẩn này trong một hệ thống quản lý thống nhất của tổ chức và các mô hình quản trị tiên tiến như ESG, mang đến nền tảng vững chắc cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp vượt qua các rào cản kỹ thuật và các tiêu chuẩn riêng lẻ của các hiệp hội để tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Thứ tư, thay đổi quy trình bằng phương pháp khảo sát quy trình từ môi trường, quy trình quản lý vận hành và ảnh hưởng đến xã hội khi thực hiện quá trình sản xuất.
Thứ năm, quá trình hoàn chỉnh các quy trình theo yêu cầu của ESG đòi hỏi có sự tham gia đánh giá của bên thứ ba. Đây cũng là quá trình có thể xây dựng các phương án, dự án chuyển đổi xanh và thực hành ESG cụ thể nhằm tiếp cận vốn xanh và có nguồn lực để thực hiện áp dụng, vận hành theo các tiêu chuẩn và mô hình ESG.
Nhìn chung, việc lập báo cáo ESG và xây dựng hồ sơ ESG chỉ là một phần của quá trình chuyển đổi và thực hành ESG. Trong đó, tiếp cận vốn xanh, tài trợ thương mại xanh hay huy động qua thị trường trái phiếu xanh cũng chỉ là một phần của nguồn lực đầu tư ESG. Tổng nguồn lực đầu tư ESG thực tế đòi hỏi không chỉ hồ sơ, báo cáo ESG, hay con người, bộ phận triển khai ESG… mà đòi hỏi lớn nhất chính là bản thân dự án và doanh nghiệp mang đến điều gì cho nhà đầu tư, tài trợ vốn trong yêu cầu cân bằng với lợi nhuận cao đồng thời tạo ra những thay đổi tích cực trong các vấn đề quan trọng như biến đổi khí hậu và công bằng xã hội.
Lưu ý rằng ở góc độ của mọi nhà tài trợ và đầu tư vốn ESG, việc cân bằng lợi nhuận tài chính và mục tiêu tác động luôn hướng đến nhằm mục đích đạt được cả hai. Tuy nhiên, đây là một thách thức và doanh nghiệp cũng phải thuyết phục được nhà đầu tư điều hướng sự cân bằng này trong khi vẫn tuân thủ các cam kết bền vững của mình.