24h

Đánh giá kỹ tác động áp thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường

Bài & Ảnh: Yến Nhung 20/09/2024 11:10

Chính sách mới được ban hành cần phải dựa trên đánh giá tác động kỹ lưỡng về hiệu quả và chi phí của từng giải pháp đối với kinh tế, xã hội...

Đây là nội dung nhận được sự quan tâm đặc biệt của các chuyên gia tại Hội thảo “Góp ý Dự án Luật Thuế Tiêu thụ đặc biệt sửa đổi” ngày 20/9/2024 do Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài phối hợp với Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức.

z5849008650327_4bb33516108be6f3845892e0e96701a7 (1)
Toàn cảnh Hội thảo “Góp ý Dự án Luật Thuế Tiêu thụ đặc biệt sửa đổi” ngày 20/9/2024

Theo đó, tại Dự thảo Luật Thuế Tiêu thụ đặc biệt sửa đổi (Dự thảo), Bộ Tài chính đề xuất áp mức thuế tiêu thụ đặc biệt là 10% với nước giải khát có đường theo Tiêu chuẩn Việt Nam, gồm nước giải khát có ga, chứa chè, cà phê, nước trái cây; nước uống tăng lực, điện giải, nước uống thể thao... Tại Tờ trình dự án Luật, Bộ Tài chính nêu rõ việc bổ sung nước giải khát theo Tiêu chuẩn Việt Nam có hàm lượng đường trên 5g/100ml vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt để thực hiện các chủ trương chỉ đạo của Đảng và Nhà nước về bảo vệ sức khỏe nhân dân, khuyến cáo của các tổ chức y tế về thực tế bệnh tật liên quan đến nước giải khát có đường tại Việt Nam.

Các chuyên gia cho rằng, việc điều chỉnh tăng thuế đối với hàng hóa, dịch vụ có tác động rất lớn tới các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đông đảo người tiêu dùng, do đó cần có đánh giá tác động rất kỹ lưỡng theo từng phương án, kịch bản về đầu tư tài chính, an sinh xã hội, chính sách phát triển kinh doanh của các doanh nghiệp và tính ổn định của môi trường kinh doanh, bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp.

Chia sẻ tại Hội thảo, ông Nguyễn Văn Phụng, Chuyên gia cao cấp về Thuế và Quản trị doanh nghiệp, nguyên Phó vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) nhận định, việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát có đường không chỉ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp trực tiếp sản xuất kinh doanh thuộc ngành nước giải khát mà còn ảnh hưởng đến các ngành công nghiệp phụ trợ có liên quan như ngành mía đường, bán lẻ, bao bì, và hậu cần… Tác động của việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt đã được làm rõ qua một số nghiên cứu.

z5849008565658_3a7e52137e3454d88d9f3c7269844729 (1)
Ông Nguyễn Văn Phụng, Chuyên gia cao cấp về Thuế và Quản trị doanh nghiệp, nguyên Phó vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) chia sẻ tại Hội thảo

Cụ thể, theo Báo cáo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đánh giá tác động kinh tế - xã hội của thuế tiêu thụ đặc biệt (thực hiện năm 2018, được cập nhật năm 2021), nếu bổ sung nước giải khát có đường vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt với mức thuế suất 10% thì dẫn tới thiệt hại đối với nền kinh tế là khoảng 880,4 tỷ đồng. Trường hợp áp dụng đồng thời cả thuế tiêu thụ đặc biệt ở mức 10% và tăng thuế giá trị gia tăng thêm 2% đối với mặt hàng nước giải khát thì tổng thiệt hại cho nền kinh tế sẽ tăng thêm 1069,1 tỷ đồng. Nếu tăng thuế giá trị gia tăng thêm 1% thì cũng đã khiến sản lượng của ngành mía đường ước tính giảm 28,8 nghìn tấn; tương đương với doanh thu sụt giảm 302,4 tỷ đồng trong khi giá trị thuế giá trị gia tăng thu được chỉ tăng thêm 217,4 tỷ đồng, nghĩa là thiệt hại gần 100 tỷ đồng cho nền kinh tế, ảnh hưởng đến kế sinh nhai của hơn 300.000 hộ gia đình trồng mía.

Ngoài ra, chính sách thuế này nếu được áp dụng sẽ kéo theo hàng loạt tác động lan tỏa đối với tất cả các doanh nghiệp trong chuỗi giá trị theo chiều dọc (như ngành mía đường) và cả nền kinh tế nói chung. Xét tổng thể, giá trị tăng thêm của cả nền kinh tế (GVA) giảm 0,135%, GDP giảm 0,115%, thu nhập của người lao động từ sản xuất của cả nền kinh tế giảm 0,155%, thặng dư sản xuất giảm 0,083%, lao động giảm 0,092%; thu ngân sách qua thuế gián thu giảm khoảng từ 0,065% – 0,085%.

Theo ông Phụng, với thuế tiêu thụ đặc biệt, ngoài chức năng tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước, còn có thêm chức năng điều tiết, định hướng tiêu dùng, nhưng các chức năng đó chỉ có thể phát huy được trong điều kiện quản lý tốt cùng với sự phối hợp, tự giác tuân thủ của người dân. Tuy nhiên, như có ai đó đã từng nói, thuế không thể là chiếc chìa khóa vạn năng để mở mọi cánh cửa, để giải quyết mọi vấn đề theo mong muốn của chúng ta.

“Việc đề xuất áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước ngọt cần phải được nghiên cứu một cách nghiêm túc, cụ thể, kỹ lưỡng, có đánh giá tác động đối với kinh tế xã hội”, chuyên gia này nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, TS Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cho biết, theo nghiên cứu mới nhất của CIEM, việc bổ sung thuế tiêu thụ đặc biệt 10% đối với nước giải khát có đường trên 5g/100ml sẽ làm tác động tiêu cực đến 9 ngành giải khát và 24 ngành liên quan trong chuỗi giá trị, làm thiệt hại khoảng gần 28 nghìn tỷ đồng (tương đương 0,5% GDP năm 2022), làm giảm thuế gián thu 5,4 nghìn tỷ đồng/năm và giảm thuế trực thu 3,2 nghìn tỷ đồng/năm do tiêu thụ và sản xuất nước giải khát sẽ có xu hướng giảm. Đây là những con số rất đáng lưu ý. Do đó, Ban soạn thảo cân nhắc kỹ việc bổ sung thuế tiêu thụ đặc biệt đôi với nước giải khát có đường trên 5g/100ml.

z5849008609007_1173d10857372adc1e941d39c0b85d02 (1)
TS Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV chia sẻ ý kiến tại Hội thảo

Bên cạnh những ý kiến nêu trên, góp ý về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam cho rằng, đề xuất của Bộ Tài chính không phản ánh đầy đủ và chính xác các thông tin, khuyến nghị của WHO và Bộ Y tế liên quan đến thừa cân béo phì và các bệnh không lây nhiễm, trong khi lại tạo ra một chính sách mang tính phân biệt đối xử, không hiệu quả trong việc thực hiện mục tiêu bảo vệ sức khoẻ nhân dân.

“Chính sách này ảnh hưởng không nhỏ đến sự phục hồi của các doanh nghiệp trong ngành, đặc biệt trong bối cảnh giá thành các nguyên liệu gia tăng và người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, doanh nghiệp cũng đồng thời chịu nhiều sức ép từ các nghĩa vụ tài chính phát sinh và các tác động ngoại cảnh như cơn bão YAGI vừa qua. Đáng nói, đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường có thể sẽ khiến người tiêu dùng dịch chuyển sang sử dụng các loại đồ uống có đường khác được sản xuất thủ công hoặc nhập lậu vốn rất phổ biến trên thị trường”, ông Việt nhấn mạnh.

Do vậy, Hiệp hội đề nghị xem xét bỏ quy định bổ sung nước giải khát theo Tiêu chuẩn Việt Nam có hàm lượng đường trên 5g/100ml, vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Bài & Ảnh: Yến Nhung