Hộ gia đình Việt làm quần quật hơn 4 năm, chỉ đủ tiền mua ô tô giá rẻ
Để mua một chiếc ô tô 500 triệu đồng, một hộ gia đình Việt Nam phải mất hơn 4 năm làm việc quần quật và không chi tiêu gì, mới biến ước mơ thành hiện thực.
Tỷ lệ sở hữu ô tô thấp
Dẫn số liệu của Cục Đăng kiểm Việt Nam, Bộ Công Thương cho biết, tính đến cuối năm 2023 cả nước có 6,31 triệu ô tô đã đăng ký lưu hành. Mức sở hữu bình quân đầu người là 63 xe/1.000 dân. Nếu chỉ tính xe từ 9 chỗ ngồi trở xuống, cả nước có 3,05 triệu chiếc đăng ký lưu hành, tỷ lệ sở hữu ô tô là 30 xe/1.000 dân.
Một quốc gia có diện tích hơn 330.000 km2, với dân số 100 triệu người, kinh tế đang phát triển mà chỉ có 6,3 triệu ô tô các loại đăng ký lưu hành là quá thấp. Số lượng xe như này chỉ ngang với xe của 1 thành phố lớn ở Trung Quốc như Trùng Khánh, Bắc Kinh hay Thượng Hải.
Kết quả khảo sát của Tổng cục Thống kê cho thấy, năm 2023 thu nhập bình quân 1 người 1 tháng theo giá hiện hành đạt 4,96 triệu đồng. Nhóm có thu nhập cao nhất (chiếm 20% dân số) bình quân đạt 10,86 triệu đồng/người/tháng, còn nhóm có thu nhập thấp nhất (chiếm 20% dân số) bình quân chỉ đạt 1,45 triệu đồng/người/tháng. Năm 2023, nhân khẩu bình quân 1 hộ gia đình Việt Nam là 3,6 người, số người trong độ tuổi lao động bình quân là 2,1 người. Với gia đình có 2 lao động sẽ có thu nhập bình quân 10 triệu đồng/tháng, tương đương với 120 triệu đồng/năm, muốn mua 1 chiếc ô tô phổ thông có giá 500 triệu đồng để đi lại, sẽ mất hơn 4 năm làm việc và không chi tiêu gì mới đạt được.
Bộ Công thương cho biết, giá xe tại Việt Nam cao hơn gần 2 lần so với các nước trong khu vực (Thái Lan và Indonesia) và con số này còn lớn hơn nếu so với các nước có ngành công nghiệp ô tô đã phát triển ổn định như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc... Nguyên nhân lớn nhất khiến giá xe tại Việt Nam cao là do thuế và phí cao. Hiện tại, chỉ 3 khoản thuế (nhập khẩu, tiêu thụ đặc biệt và giá trị gia tăng) đã chiếm từ 40 -55% giá bán các mẫu xe sử dụng động cơ đốt trong, có dung tích xi lanh từ 3.0L trở xuống. Chưa kể, để được lưu thông, người mua xe còn phải chi thêm 10-12% lệ phí trước bạ và các loại phí khác. Thuế, phí cao trong khi thu nhập của phần lớn người dân còn thấp, nên số hộ gia đình sở hữu ô tô thấp. Chỉ khoảng 8% số hộ gia đình hiện nay có ô tô.
Làm bạn với xe cũ giá rẻ
Một nghiên cứu mới đây của Đại học RMIT (Úc) cho thấy, các dòng xe ô tô hiện đại không chỉ thân thiện hơn với môi trường mà còn chú trọng nhiều đến sự an toàn. Nhiều dòng xe được chào bán trên thị trường hiện nay tích hợp hàng loạt công nghệ thông minh, giúp giảm tai nạn, như phần mềm nhận dạng khuôn mặt để tránh ngủ gật, hệ thống giám sát áp suất lốp, cảnh báo va chạm phía trước hoặc cảnh báo đi chệch làn đường, phát hiện điểm mù, phát hiện tài xế buồn ngủ, kiểm soát đổ đèo, hệ thống nhìn ban đêm, hệ thống hỗ trợ đỗ xe... Nhưng những công nghệ này là vô nghĩa đối với những người không có đủ khả năng tài chính để trang bị chúng.
Tại Việt Nam những chiếc xe được trang bị công nghệ này, đều là xe hiện đại, có giá bán từ gần 1 tỷ đồng trở lên, nên chỉ có số ít người tiêu dùng có đủ khả năng tài chính để mua nó.
Theo tính toán, một gia đình có 2 lao động có thu nhập bình quân thuộc nhóm cao nhất, với số tiền gần 22 triệu đồng/tháng, để đảm bảo cuộc sống, họ chỉ có thể chọn mua ô tô cỡ nhỏ như: Kia Morning, Hyundai i10, Toyota Wigo, Honda Brio… giá từ 350-450 triệu đồng. Với những hộ gia đình có thu nhập thấp hơn, nếu vẫn khát khao sở hữu ô tô thì chỉ có cách tìm mua những chiếc xe cũ, công nghệ lạc hậu với giá rẻ.
Nghiên cứu của Đại học RMIT cho thấy, khi người dân không thể mua những chiếc xe hiện đại do mức thuế cao, họ sẽ sử dụng những dòng xe cũ, với các tính năng an toàn lỗi thời. Đây là mối hiểm nguy cho mọi người tham gia giao thông, cùng với đó là gây ô nhiễm môi trường nặng nề.
Đại học RMIT cũng chỉ ra, số lượng ca tử vong do tai nạn ô tô có thể giảm 7,5% nếu thuế ô tô giảm 10%. Khi thuế giảm thì nhà sản xuất có điều kiện tích hợp những công nghệ mới và giữ giá bán hợp lý.