Sửa Luật PPP: Cân nhắc cơ chế thực hiện “hợp đồng BT”
Góp ý việc sửa đổi, bổ sung Dự thảo Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (Luật PPP), nhiều ý kiến đề xuất, cân nhắc cơ chế thực hiện “hợp đồng BT”…
Theo Luật PPP, kể từ năm 2021, hợp đồng xây dựng – chuyển giao (hợp đồng BT) không áp dụng đối với dự án đầu tư mới. Lý do được đưa ra khi đó là một số dự án không có mục tiêu đầu tư phù hợp, không cần thiết; giá trị công trình BT được xác định không chính xác, đa số dự án có suất đầu tư cao hơn so với dự án sử dụng vốn đầu tư công; việc lựa chọn nhà đầu tư chủ yếu được thực hiện thông qua hình thức chỉ định thầu không cạnh tranh; công tác giám sát bị xem nhẹ dẫn đến chất lượng công trình không bảo đảm…
Tuy nhiên, trong bối cảnh việc huy động nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước ngày càng khó khăn và nhu cầu đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng tăng mạnh, không ít ý kiến cho rằng, cần xem xét tiếp tục áp dụng loại hợp đồng BT trong thời gian tới, đồng thời cần có quy định sửa đổi để tháo gỡ khó khăn cho các dự án BT đã triển khai thực hiện trước khi Luật PPP được ban hành.
Và trong Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật PPP, Luật Đấu thầu đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra lấy ý kiến rộng rãi vừa qua. Nội dung sửa đổi Luật PPP sẽ bổ sung quy định để xử lý dứt điểm những khó khăn, vướng mắc đối với các dự án BOT, BT chuyển tiếp.
Cụ thể, cơ quan soạn thảo đề xuất xem xét sửa đổi, bổ sung quy định hiện hành theo hướng: đối với hợp đồng BT thanh toán bằng tiền được ký kết theo quy định của pháp luật trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành, trường hợp hợp đồng dự án đã xác định chi phí lãi vay sau thời gian xây dựng và lợi nhuận hợp lý trong phương án tài chính thì được tính vào tổng mức đầu tư của dự án,…
Góp ý về nội dung đã nêu, không ít ý kiến cho rằng, cần nghiên cứu các quy định để tháo gỡ khó khăn cho các dự án BT đã triển khai trước khi ban hành Luật PPP. Những vấn đề sửa đổi cần tập trung vào các nội dung đã “chín” và đã “rõ”, đã được các cơ quan, bộ, ngành chỉ ra và cấp thiết phải tháo gỡ khó khăn. Việc sửa đổi cần xử lý dứt điểm những khó khăn, vướng mắc đối với các dự án BT chuyển tiếp…
Trong đó, Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA) đề nghị bổ sung khoản 16a (mới) sau khoản 16 Điều 3 Luật PPP 2020 để giải thích về “dự án áp dụng loại hợp đồng BT” tại khoản 1 Điều 3 “Dự thảo Luật” theo hướng, dự án áp dụng loại hợp đồng BT là hợp đồng được ký kết giữa cơ quan có thẩm quyền và nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án (nếu có) để xây dựng công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng và chuyển giao công trình BT cho cơ quan có thẩm quyền sau khi hoàn thành.
Theo HoREA, “dự án áp dụng loại hợp đồng BT” có thể không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật PPP 2020 do về bản chất thì “dự án BT” khác với “dự án PPP”, nên không thể quy định “hợp đồng BT” thuộc loại “hợp đồng PPP”, nhưng vẫn nên quy định “dự án BT”, “hợp đồng BT” trong Luật PPP.
“Hiệp hội nhận thấy, “dự án PPP” phải có yếu tố “hợp tác có thời hạn giữa Nhà nước và nhà đầu tư tư nhân”, trong lúc “dự án BT” không có yếu tố “hợp tác có thời hạn giữa Nhà nước và nhà đầu tư tư nhân”, bởi lẽ tại khoản 10 Điều 3 Luật PPP 2020 quy định: “Đầu tư theo phương thức đối tác công tư là phương thức đầu tư được thực hiện trên cơ sở hợp tác có thời hạn giữa Nhà nước và nhà đầu tư tư nhân thông qua việc ký kết và thực hiện hợp đồng dự án PPP nhằm thu hút nhà đầu tư tư nhân tham gia dự án PPP”, HoREA bày tỏ.
Do vậy, HoREA cho rằng, việc quy định “hợp đồng BT” tại điểm a khoản 1 Điều 3 “Dự thảo Luật” bổ sung điểm e1 thuộc khoản 16 Điều 3 Luật PPP 2020 là chưa hợp lý, mà nên quy định tại khoản 16a (mới) sau khoản 16 Điều 3 Luật PPP 2020 như đề xuất của Hiệp hội.
Còn theo, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), điểm đ khoản 1 Điều 45a quy định: “dự án đối ứng có sử dụng đất chỉ được kinh doanh, khai khác sau khi công trình thực hiện theo hợp đồng BT đã hoàn thành và chuyển giao cho cơ quan có thẩm quyền để tổ chức khai thác”.
Đề nghị này cần xem xét lại bởi, dự án đối ứng có sử dụng đất là một dự án độc lập, thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng, bất động sản …, trong đó có quy định về tiến độ triển khai dự án. Khi hoàn thành dự án theo tiến độ thì nhà đầu tư có quyền khai thác dự án đầu tư này. Trong khi đó, công trình thực hiện theo hợp đồng BT thực hiện theo các thỏa thuận trong hợp đồng BT và chịu ràng buộc với các thỏa thuận này. Do đó, yêu cầu về mối ràng buộc này dường như chưa thực sự hợp lý.
“Đề nghị xem xét bỏ quy định này hoặc giải trình rõ hơn về căn cứ để xây dựng quy định này, nhất là trong mối liên hệ với các pháp luật liên quan điều chỉnh việc thực hiện dự án độc lập từ đất đối ứng”, VCCI góp ý.