Phân tích - Bình luận

Lộ diện nhà cung ứng toàn cầu khổng lồ mới

Trương Khắc Trà 21/09/2024 04:00

Ấn Độ đang vượt Trung Quốc trở thành nhà cung ứng khổng lồ mới, cơ hội nào cho Việt Nam và các nước nhỏ?

make-in-india.jpeg
Con sư tử là biểu tượng của “make in India” (Ảnh: Economic Time)

Công ty nghiên cứu thị trường OnePoll cho biết trong một khảo sát mới đây rằng 61% trong số 500 nhà quản lý cấp điều hành của Mỹ chọn Ấn Độ thay vì Trung Quốc nếu cả hai nước đều có thể sản xuất cùng một loại hàng hóa; 56% mong muốn Ấn Độ phục vụ nhu cầu chuỗi cung ứng của họ trong vòng 5 năm tới.

Tỷ lệ rời bỏ “công xưởng thế giới” tăng rất nhanh kể từ sau đại dịch COVID-19. Tức là chuỗi cung ứng đã và đang bước vài giai đoạn tái định hình mạnh mẽ. Điều này có ý nghĩa rất quan trọng đối với chiến lược của từng quốc gia, doanh nghiệp tham gia sân chơi toàn cầu.

Với 14% iPhone được sản xuất tại Ấn Độ, quốc gia này hiện là nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn nhất sau Trung Quốc. Apple có kế hoạch tăng con số này lên 24 - 25% trong giai đoạn 2027-2028.

Foxconn đã xây dựng đến 30 nhà máy tại quốc gia Nam Á, sử dụng khoảng 40.000 công nhân. Ngoài thiết bị điện tử, Ấn Độ cũng có chỗ đứng trong lĩnh vực sản xuất dược phẩm và ô tô một phần nhờ vào chiến lược “Trung Quốc + 1” thúc đẩy các công ty đa dạng hóa chuỗi cung ứng.

Những thay đổi về cơ sở hạ tầng này ở Ấn Độ đã cải thiện khả năng kết nối trong và ngoài nước, đưa nước này lên vị trí rất khác so với 10 năm trước khi chiến lược “Make in India” bắt đầu.

Thời điểm đó, New Delhi đã chi 1,3 nghìn tỷ USD cho hạ tầng, 24 tỷ USD cho chương trình khuyến khích liên kết sản xuất, hỗ trợ các doanh nghiệp trong và ngoài nước. 14 lĩnh vực đang được hưởng lợi dựa trên các yếu tố như phạm vi của chúng để giảm nhập khẩu, thúc đẩy xuất khẩu và tạo việc làm.

Kapadia, CEO B2B Marketplace India Index nói rằng: “Những gì Ấn Độ sẽ làm còn hoành tráng hơn nhiều. Tôi thấy toàn bộ lực lượng lao động của họ sẽ nhảy vọt vào các ngành công nghiệp như chất bán dẫn, sản xuất tiên tiến, hàng không vũ trụ và thiết bị y tế”.

modi-scaled.jpg
Thủ tướng Modi là linh hồn cho tăng trưởng kinh tế Ấn Độ (Ảnh: forbes)

Amala Balakrishner, nhà phân tích kỳ cựucủa CNBC nhận định: Trong khi Ấn Độ tìm cách chiếm lĩnh thị phần sản xuất của Trung Quốc, các quốc gia khác như Indonesia, Việt Nam, Bangladesh và Mexico cũng là những đối thủ cạnh tranh đáng gờm.

Năng lực sản xuất của Indonesia bao gồm vật liệu niken và pin, trong khi lợi thế so sánh của Việt Nam nằm ở thiết bị phát sóng và máy móc. Bangladesh có thị phần lớn trong sản xuất hàng dệt may trong khi Mexico, quốc gia sản xuất ô tô, thiết bị hàng không và hàng không vũ trụ, có lợi thế hơn Ấn Độ do gần Mỹ.

Tuy vậy, điểm khiến Ấn Độ trở nên khác biệt là chi phí lao động thấp hơn so với các thị trường khác và năng lực sản xuất được xây dựng ở đó không chỉ có thể phục vụ cho xuất khẩu mà còn cả thị trường nội địa rộng có tiềm năng tiêu dùng rất lớn.

Suốt 2 thập kỷ, Ấn Độ giành giật với Trung Quốc từng chút một để trở nên đồ sộ như ngày nay, bây giờ các nước nhỏ hơn, có tiềm năng trở thành cứ địa sản xuất - đang cạnh tranh rất khốc liệt với gã khổng lồ mới trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Trương Khắc Trà