Ngân hàng trung ương Nhật ra quyết định sau khi FED giảm lãi suất
Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) quyết định duy trì mục tiêu lãi suất qua đêm ở mức 0,25% sau quyết định giảm lãi suất của FED.
BoJ vừa tuyên bố giữ nguyên lãi suất chính sách ngắn hạn sau khi họ quan sát phản ứng của nền kinh tế và thị trường với việc tăng lãi suất gần đây nhất của BoJ.
BoJ sẽ duy trì mục tiêu lãi suất qua đêm ở mức 0,25% sau khi tăng lên mức này vào tháng 7 vừa qua. Trước đó vào tháng 3, BoJ đã chấm dứt chính sách lãi suất âm và đặt mục tiêu lãi suất ở mức từ 0% đến 0,1%.
Dù không thay đổi gì về mức lãi suất trong ngày 20/9 vừa qua, các nhà phân tích và nhà đầu tư kỳ vọng BoJ sẽ tiếp tục tăng lãi suất trong những tháng tới khi thị trường ổn định hơn.
Dự báo này được hỗ trợ bởi tuyên bố của các lãnh đạo cấp cao. Sau quyết định tăng lãi suất tháng 7, Thống đốc BoJ Kazuo Ueda cho biết ngân hàng sẽ tiếp tục tăng lãi suất nếu diễn biến nền kinh tế và giá cả phù hợp với các dự báo của họ.
Trong tháng qua, cam kết của BoJ về việc tiếp tục tăng lãi suất, cùng với những lo ngại về triển vọng của nền kinh tế Mỹ đã gây ra những biến động lớn trên thị trường. Chỉ số Nikkei đã trải qua ngày tồi tệ nhất kể từ năm 1987 vào đầu tháng 8.
Đồng yên cũng biến động so với đồng USD do suy đoán về việc FED cắt giảm lãi suất. Đúng như dự đoán, Fed đã cắt giảm 0,5 lãi suất, đánh dấu lần giảm đầu tiên kể từ năm 2020.
"Thống đốc Ueda đã thể hiện mức độ thận trọng nhất định về việc tăng lãi suất tiếp theo sau đợt bán tháo trên thị trường chứng khoán vào tháng 8 và sự biến động sau đó," theo Katsutoshi Inadome, chiến lược gia tại SuMi TRUST.
Ông Inadome vẫn kỳ vọng BoJ sẽ tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản vào cuối năm nay nếu tiêu dùng trong nước và tăng trưởng kinh tế tiếp tục cải thiện.
Vào thứ Sáu, BOJ đã giữ nguyên đánh giá về nền kinh tế Nhật Bản, cho rằng nền kinh tế đã hồi phục một cách vừa phải dù vẫn còn một số điểm yếu.
Dữ liệu của chính phủ Nhật Bản cho thấy lạm phát tiêu dùng đã tăng lên trong tháng 8. Chỉ số giá tiêu dùng tổng thể đã tăng 3% trong tháng 8 so với cùng kỳ năm trước, nhanh hơn mức tăng 2,8% của tháng 7. Các nhà hoạch định chính sách cũng cho biết sẽ lưu ý tới tác động của tỷ giá hối đoái và các biến động thị trường khác lên nền kinh tế.
Quyết định của FED cắt giảm lãi suất được cho sẽ có tác động lớn đến nền kinh tế Nhật Bản. Nếu đồng USD suy yếu sẽ khiến đồng yên Nhật mạnh hơn và gây khó khăn cho nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu.
Thị trường chứng khoán Nhật Bản đã phản ứng trái chiều với quyết định cắt giảm lãi suất của Fed. Chỉ số Nikkei 225 tăng nhẹ, đạt mức tăng khoảng 0,5%, nhờ sự thúc đẩy của các cổ phiếu công nghệ và xuất khẩu. Tuy nhiên, chỉ số TOPIX giảm khoảng 1% do những lo ngại về biến động tiền tệ và triển vọng kinh tế trong nước.
Ngược lại với các lo ngại, chuyên gia của JP Morgan cho rằng các đợt cắt giảm lãi suất của FED cũng có thể thúc đẩy thanh khoản toàn cầu, tạo điều kiện thuận lợi cho các quốc gia như Nhật Bản - nơi nắm giữ rất nhiều tài sản ở nước ngoài. Lãi suất thấp hơn của Mỹ có thể làm giảm chi phí vay vốn toàn cầu, giúp các doanh nghiệp Nhật Bản dễ dàng tài trợ cho hoạt động hoặc đầu tư ra nước ngoài.