Kinh tế

Cần giải pháp khơi thông nguồn lực đầu tư tư nhân

Bài: Yến Nhung - Ảnh: Quốc Tuấn 21/09/2024 11:00

Các chuyên gia cho rằng, nguồn lực đầu tư tư nhân cần được khơi thông một cách mạnh mẽ để góp phần đảm bảo giữ nhịp tăng trưởng bền vững của nền kinh tế.

Trải qua nhiều thăng trầm, khu vực kinh tế tư nhân đã được công nhận là “động lực quan trọng để phát triển kinh tế”. Đến nay, khu vực này đã chiếm tới gần 45% GDP và phấn đấu tăng tỷ trọng lên khoảng 55% GDP năm 2025, khoảng 60 - 65% GDP đến năm 2030. Ngoài ra, khu vực kinh tế tư nhân trong nước đóng góp 30% ngân sách nhà nước.

B. BHP Steel High Tech Operations (1)
Khu vực kinh tế tư nhân đã được công nhận là “động lực quan trọng để phát triển kinh tế” - Ảnh minh họa: ITN

Với 800 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động và 5,4 triệu hộ kinh doanh, khu vực tư nhân đã trở thành một lực lượng hùng hậu đóng góp lớn nhất vào đầu tư và tăng trưởng GDP của đất nước, gấp đôi khu vực FDI, gấp rưỡi khu vực kinh tế nhà nước.

Tuy nhiên, hiện nay đầu tư của khu vực tư nhân vẫn còn khá hạn chế. Cụ thể, theo số liệu của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong 6 tháng đầu năm 2024, vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội đạt 1.451.300 tỷ đồng, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, vốn khu vực nhà nước đạt 392.100 tỷ đồng, chiếm 27% tổng vốn và tăng 4,8% so với cùng kỳ năm trước; khu vực ngoài nhà nước đạt 799.600 tỷ đồng, chiếm 55,1% và tăng 6,7%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 259.600 tỷ đồng, chiếm 17,9% và tăng 10,3%.

Như vậy, mức tăng trưởng vốn đầu tư của khu vực tư nhân vượt khu vực nhà nước, tuy nhiên vẫn còn một khoảng cách khá xa so với khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Trước đó, quý I/2024, mức tăng trưởng vốn đầu tư của khu vực tư nhân thấp nhất trong 3 khu vực, chỉ tăng 4,2%; bước sang quý II, dòng vốn này mới dần có sự cải thiện, với mức tăng 7,9% so với cùng kỳ năm trước.

Mức tăng trưởng chậm lại của dòng vốn này trong nửa đầu năm 2024 cho thấy, các doanh nghiệp tư nhân còn rất e dè, thận trọng trong việc mở rộng sản xuất kinh doanh hoặc đầu tư mới các dự án. Thậm chí, có những thời điểm số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường cao gấp 2 lần số doanh nghiệp gia nhập thị trường.

Một trong những nguyên nhân khiến doanh nghiệp không muốn lớn là vì nhiều rủi ro về mặt thể chế, đặc biệt doanh nghiệp phải đối mặt rủi ro pháp lý do hệ thống pháp luật không cụ thể, không rõ ràng, minh bạch, hiệu lực và hiệu quả. Cùng với đó, thủ tục hành chính vẫn còn rườm rà, doanh nghiệp còn gặp nhiều “gian nan” khi giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính... Đây là những điểm cần sớm khắc phục để khơi dậy khí thế, niềm tin doanh nghiệp doanh nhân.

Đáng nói, năm 2024, Chính phủ phấn đấu tăng trưởng GDP ở mức 6,5-7%, theo các chuyên gia, đây là một mục tiêu đầy thách thức, đòi hỏi cần phát huy đồng bộ các động lực tăng trưởng đến từ các khu vực trong nền kinh tế; trong đó khu vực kinh tế tư nhân cần phải được thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa. Sự phát triển ổn định của dòng vốn đầu tư tư nhân cũng là nền tảng quan trọng để góp phần đảm bảo nền kinh tế đạt được sự tăng trưởng bền vững trong dài hạn.

94 (1)
Nguồn lực đầu tư tư nhân cần được khơi thông một cách mạnh mẽ để góp phần đảm bảo giữ nhịp tăng trưởng bền vững của nền kinh tế - Ảnh minh họa: ITN

Trước thực trạng nêu trên, TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhận định, kinh tế tư nhân đã được coi trọng hơn nhưng vẫn cần có những thay đổi mạnh mẽ hơn nữa để đánh giá đúng khả năng và vai trò của thành phần kinh tế này. Có thể khẳng định rõ ràng khu vực kinh tế tư nhân là một động lực chủ yếu của tăng trưởng kinh tế.

“Chúng ta đã xây dựng được thể chế kinh tế theo hướng tạo thuận lợi tự do kinh doanh, nhưng làm sao phải tạo ra sự bình đẳng trong việc tiếp cận các nguồn lực của Nhà nước để phát triển”, chuyên gia này chia sẻ.

Nhấn mạnh đầu tư công có vai trò là “đòn bẩy” kích thích, dẫn dắt đầu tư tư nhân, TS Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Việt Nam đề xuất, cần tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả đầu tư công, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Cùng với đó, cần thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa hoạt động đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP), thông qua việc sớm tháo gỡ những vướng mắc, bất cập đang tồn tại trên thực tế trong việc thực hiện cơ chế này, từ đó tạo thuận lợi để khu vực công - tư có thể “bắt tay” nhau hợp tác đầu tư một cách hiệu quả, đóng góp cho tăng trưởng kinh tế đất nước.

“Trong giai đoạn sắp tới, vốn đầu tư công sẽ ngày càng giảm dần khi so sánh với quy mô ngày một tăng của nền kinh tế và sẽ có rất nhiều lĩnh vực cần đầu tư mà đầu tư công không thể đáp ứng được hay đầu tư công không nên làm mà phải dành cho đầu tư tư nhân. Do đó, nếu đầu tư công phát huy tốt vai trò vốn mồi kích thích, dẫn dắt đầu tư tư nhân, một mặt sẽ giúp ngân sách nhà nước giảm bớt gánh nặng về đầu tư hạ tầng, dành nguồn lực đó cho các lĩnh vực quan trọng khác của nền kinh tế, mặt khác khu vực tư nhân lại có thêm không gian để phát triển”, TS Lê Duy Bình nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, GS-TS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội rất trông chờ vào sửa đổi liên quan đến phương thức đầu tư công, hình thức đầu tư PPP… Đầu tư công không thể giải quyết hết các vấn đề của xã hội, nhưng để đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, bên cạnh dành nguồn lực đầu tư công để gỡ các nút thắt phát triển, như hạ tầng… cần phải thúc đẩy hình thức đầu tư PPP.

“Nhưng thẳng thắn mà nói, thời gian qua, các nhà đầu tư tư nhân chưa nhìn thấy rõ nguyên tắc lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ của hình thức này, nên chưa mặn mà. Hình thức đầu tư BT cũng bị phân biệt đối xử vì áp dụng chưa đúng trong giai đoạn trước, khi bản chất của hình thức này là tạo ra sự sáng tạo mới để huy động nguồn lực cho phát triển”, GS-TS Hoàng Văn Cường phân tích.

Bài: Yến Nhung - Ảnh: Quốc Tuấn