Kinh tế thế giới

"Cuộc đua" Net Zero tái định hình đầu tư toàn cầu

Cẩm Anh 21/09/2024 11:20

"Cuộc đua" hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng không (Net Zero) đang góp phần tái định hình đầu tư toàn cầu.

2022-10-17t184923z777188537rc2ozw9c135ortrmadp3ukraine-crisis-germany-nuclearpower4-17007083590311055437104.jpg
Châu Á - Thái Bình Dương đang đẩy nhanh việc thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng không.

Trong bối cảnh sản lượng dầu cao kỷ lục tại Hoa Kỳ, sự phản kháng đối với các chính sách phát thải ròng bằng 0 và một loạt các cuộc khủng hoảng toàn cầu, thì ngày càng có nhiều lo ngại rằng các nỗ lực chống biến đổi khí hậu đã bị đình trệ.

Một cuộc khảo sát gần đây do Đại học Stanford và Viện Phát triển Bền vững MSCI thực hiện cho thấy phần lớn các nhà đầu tư toàn cầu đã cân nhắc đến các yếu tố chống biến đổi khí hậu hoặc phát thải carbon trong các quyết định đầu tư của họ.

Tuy nhiên, chỉ 4% nhà đầu tư tin rằng các rủi ro khí hậu đã phần lớn được phản ánh trong giá tài sản hiện tại. Điều này đặt ra một thách thức quan trọng đối với các nhà cung cấp công cụ đầu tư như MSCI, khi họ phải cung cấp dữ liệu minh họa toàn bộ các rủi ro và cơ hội liên quan đến khí hậu đối với các loại tài sản.

Quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế toàn cầu phi carbon sẽ đòi hỏi sự tái phân bổ vốn và định giá lại tài sản lớn nhất trong lịch sử, được thúc đẩy bởi các lĩnh vực đầu tư và tài chính.

Các khoản đầu tư liên quan đến khí hậu giữa các khu vực sẽ có sự khác nhau khi thế giới tìm cách cân bằng giữa giảm thiểu và thích ứng, nhưng điều này đã trở thành trọng tâm chính ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Theo báo cáo của Nhóm nhà đầu tư châu Á về biến đổi khí hậu do MSCI tài trợ, 70% nhà đầu tư châu Á, bao gồm 84% các nhà quản lý tài sản đã thừa nhận khí hậu là một rủi ro nhưng cũng là cơ hội quan trọng.

Hơn nữa, 57% nhà đầu tư châu Á đưa yếu tố khí hậu vào các quyết định đầu tư của họ. Hồ sơ khí hậu của châu Á - Thái Bình Dương phản ánh sự đa dạng kinh tế của khu vực này.

Khu vực này chiếm phần lớn lượng khí thải nhà kính toàn cầu và thậm chí còn chiếm tỷ trọng lớn hơn trong sản xuất điện từ than. Tuy nhiên, châu Á - Thái Bình Dương cũng có những đóng góp đáng kể vào chuyển đổi xanh và công nghệ phát thải carbon thấp.

untitled.jpg
Khu vực châu Á - Thái Bình Dương chiếm phần lớn lượng khí thải nhà kính toàn cầu nhưng cũng đóng góp đáng kể vào chuyển đổi xanh. ẢNH: AFP

Một bài báo nghiên cứu của MSCI được công bố gần đây đã chỉ ra rằng các công ty trong khu vực đã nổi lên như những người chơi có tầm ảnh hưởng trong đổi mới công nghệ sạch.

Bài báo này cũng đã trích dẫn các ví dụ về các doanh nghiệp hàng đầu trong ngành sử dụng chuỗi cung ứng của họ để mở rộng quy mô triển khai công nghệ sạch, cũng như đẩy nhanh tốc độ nghiên cứu và phát triển các công nghệ tiên tiến.

Đáng chú ý, Trung Quốc đã trở thành quốc gia dẫn đầu toàn cầu về năng lượng tái tạo và cũng là thị trường xe điện hàng đầu thế giới. Ngoài ra, Nhật Bản đã trở thành quốc gia đi đầu về tài chính khí hậu và nghiên cứu năng lượng sạch, trong khi Hàn Quốc hiện nằm trong số 5 quốc gia sản xuất điện hạt nhân carbon thấp hàng đầu thế giới.

Nhìn về tương lai, châu Á - Thái Bình Dương có tiềm năng to lớn để thúc đẩy sự phát triển của công nghệ thu giữ, sử dụng và lưu trữ carbon (CCUS). McKinsey thậm chí còn ước tính rằng khu vực này có thể chiếm 55% lượng CCUS toàn cầu vào giữa thế kỷ này.

Trên thị trường carbon tự nguyện, các nhà nghiên cứu của MSCI đã chỉ ra rằng số lượng tín chỉ các bon được cấp trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã tăng đáng kể kể từ năm 2014 với Ấn Độ, Trung Quốc, Australia và Indonesia đang dẫn đầu.

Trong khi đó, trên thị trường vốn, Singapore và Hồng Kông đều đang tích cực hành động để trở thành trung tâm đầu tư khí hậu hàng đầu của châu Á - Thái Bình Dương.

Với quy mô của thách thức phát thải ròng bằng 0 và nhu cầu đẩy nhanh quá trình giảm phát thải carbon, ông Henry Fernandez, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành tại MSCI nhận định, các quốc gia châu Á sẽ cần đẩy nhanh các nỗ lực về khí hậu của mình để đáp ứng các mục tiêu phát thải ròng toàn cầu.

Báo cáo do Viện Chính sách Xã hội châu Á ủy quyền chỉ ra, việc đạt được mức phát thải ròng bằng 0 ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương vào năm 2050 sẽ cần hơn 70 nghìn tỷ USD đầu tư.

Tương tự, cuộc khảo sát do Boston Consulting Group và Rockefeller Foundation thực hiện vào năm ngoái với sự tham gia của hơn 100 nhà lãnh đạo tài chính khí hậu đã tiết lộ cả những thách thức và tiềm năng của đầu tư phát thải ròng bằng 0.

Cuộc khảo sát này nêu bật mối lo ngại của các nhà đầu tư khí hậu về những trở ngại của thị trường, chẳng hạn như lãi suất tăng và tình hình kinh tế chung không chắc chắn, đồng thời nhấn mạnh những trở ngại kéo dài đối với việc phát triển dự án, bao gồm rủi ro ngoại hối ở các nền kinh tế mới nổi và sự phức tạp của chính sách ở các quốc gia.

Mặc dù vậy, các nhà đầu tư từ khắp các khu vực công và tư tin rằng các cơ hội về tài chính khí hậu tồn tại ở tất cả các chủ đề và thị trường lớn. Họ tin rằng những cơ hội đó được phân bổ trên tất cả các khu vực. Bất chấp những biến động của thị trường, họ tin rằng dòng chảy đầu tư đang có sự phát triển.

Ông Fernandez nhận định, khoảng cách lớn nhất trong đầu tư vào khí hậu vẫn là dữ liệu và định giá. Khi dữ liệu chất lượng cao có thể được tiếp cận dễ dàng hơn, giá tài sản có thể phản ánh tốt hơn các rủi ro và cơ hội trong dài hạn, thúc đẩy việc tái phân bổ vốn cần thiết cho một nền kinh tế phát thải ròng bằng 0.

Cẩm Anh