TP HCM điều chỉnh kế hoạch tái định cư cho người có nhà ven kênh rạch
Mới đây, Sở Xây dựng TP HCM đã kiến nghị việc dừng xây dựng đề án cho người có nhà trên và ven kênh rạch được mua nhà ở xã hội.
Sở Xây dựng TP HCM có kiến nghị UBND TP HCM không tiếp tục xây dựng Đề án “Giải pháp thí điểm giải quyết cho hộ dân có nhà trên và ven kênh rạch không đủ điều kiện bố trí tái định cư được thuê hoặc thuê mua nhà ở xã hội khi Nhà nước thu hồi đất để chỉnh trang đô thị”.
Sở Xây dựng cho biết, hiện nay mục tiêu của đề án đã không còn phù hợp với tinh thần của Kết luận số 14 của Bộ Chính trị về yêu cầu các ý tưởng, giải pháp, sáng kiến đột phá.
Luật Đất đai năm 2024 mới có hiệu lực đã quy định các trường hợp bị thu hồi đất mà có nhà ở trên đất hoặc không có nhà ở trên đất (nếu địa phương có điều kiện về quỹ đất ở, nhà ở) thì đều được bố trí tái định cư bằng đất ở hoặc nhà ở theo nhiều hình thức (bán, cho thuê, cho thuê mua) để đảm bảo có chỗ ở cho người có đất bị thu hồi.
Ngoài ra, cơ quan này cũng đang tổng hợp các báo cáo của quận, huyện và chính sách của Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM tham mưu xây dựng “Đề án đầu tư xây các dự án nhà ở xã hội và chính sách bồi thường phục vụ cho công tác di dời đối với nhà đất trên và ven sông, kênh, rạch trên toàn địa bàn Thành phố”, do đó sẽ trùng lắp với nội dung đã được xây dựng trong đề án theo Kết luận số 14.
Kết luận 14 của Bộ Chính trị và Nghị định 73 Chính phủ đặt mục tiêu giải quyết cho hộ dân có nhà trên và ven kênh rạch không đủ điều kiện để để bố trí tái định cư được thuê hoặc thuê mua nhà ở xã hội khi Nhà nước thu hồi đất để chỉnh trang đô thị.
UBND TP đã có công văn về khảo sát nhu cầu đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở tái định cư phục vụ công tác di dời, tái định cư cho các hộ gia đình, cá nhân sống trên và ven sông, kênh rạch trên địa bàn Thành phố.
Trước đó, tại TP HCM, việc di dời hàng ngàn căn nhà trên và ven kênh rạch được kỳ vọng sẽ tạo ra sự thay đổi lớn về bộ mặt đô thị và chất lượng sống của người dân. Tuy nhiên, tiến trình này đã gặp phải nhiều khó khăn, chủ yếu do mức hỗ trợ thấp và những vấn đề pháp lý phức tạp.
Theo thống kê từ cơ quan chức năng, gần 90% hộ dân thuộc dự án bờ bắc kênh Đôi không có giấy chứng nhận quyền sử dụng nhà, đất. Tại Rạch Xuyên Tâm, khoảng 24% số hộ dân trong tổng số hơn 2.200 trường hợp cũng gặp tình trạng tương tự. Sở Xây dựng TP HCM cho biết, việc bồi thường bị chậm trễ do pháp lý phức tạp, dẫn đến nhiều khiếu nại và sự chậm trễ trong việc bàn giao mặt bằng.
TP cũng đặt mục tiêu di dời và giải tỏa khoảng 6.500 căn nhà trên và ven kênh rạch đến năm 2025. Tuy nhiên, đến hết năm 2023, chỉ mới có gần 700 căn được di dời, tương đương khoảng 11% mục tiêu.
Để giải quyết những vướng mắc trong công tác đền bù hỗ trợ và thúc đẩy tiến độ di dời, Sở Tài nguyên Môi trường TP đã đề xuất Ủy ban nhân dân TP một chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư mới với mức hỗ trợ và phương án tốt hơn so với trước đây.
Các chuyên gia cũng từng cho rằng, Luật Nhà ở 2023 đã có quy định cho phép chính quyền, tổ chức mua nhà ở thương mại để bán, cho thuê đối với người tái định cư hay bố trí cho người được tái định cư mua, thuê mua, thuê nhà ở xã hội. Do đó, TP có thể cân nhắc sử dụng quỹ nhà tái định cư lớn vẫn đang bỏ không để bố trí nhà ở cho các hộ dân trên kênh, rạch khi di dời hoặc sử dụng trong giai đoạn tạm cư.
Như chia sẻ của ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch HoREA, dựa trên số liệu thống kê của Sở Xây dựng TP HCM cho thấy, hiện TP có gần 9.000 căn hộ tái định cư bỏ trống. Trong đó, riêng khu tái định cư Bình Khánh (TP Thủ Đức) có hơn 5.300 căn không có người ở, dự án Vĩnh Lộc B (Bình Chánh) có gần 2.000 căn bỏ hoang. Đặc biệt, khu dự án ở TP Thủ Đức tương đối phù hợp dùng để tái định cư cho các hộ dân đang ở trên kênh, rạch cần di dời hoặc sử dụng trong giai đoạn tạm cư.
Bởi vậy, ông Châu cho rằng, việc đưa các dự án nhà ở xã hội vào cho thuê cũng là giải pháp khắc phục tình trạng bỏ hoang, đồng thời thực hiện được kế hoạch di dời nhà ở trên kênh, rạch và chỉnh trang đô thị, vẹn cả đôi đường.