Ô tô - Xe máy

Kỷ nguyên xe điện: Thử thách ngành công nghiệp ô tô Nhật Bản và Việt Nam

Bài và ảnh: Thanh Trà 21/09/2024 12:10

Ngành công nghiệp ô tô Nhật Bản và Việt Nam đều đang thích ứng với kỷ nguyên xe điện, nỗ lực tăng cường hợp tác và phát triển công nghệ mới.

Xe điện “thử thách” ngành ô tô Nhật Bản

Ngành công nghiệp phụ tùng ô tô Nhật Bản đang gặp nhiều thách thức lớn khi xe điện (EV) dần thay thế các phương tiện sử dụng động cơ đốt trong. Nhật Bản đặt mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050 và ngừng sản xuất xe động cơ thông thường vào năm 2035, khiến các nhà sản xuất phụ tùng phải đối mặt với áp lực nặng nề.

Việc chuyển đổi sang xe điện không hề dễ dàng vì cấu trúc của EV đơn giản hơn nhiều so với xe truyền thống, làm giảm nhu cầu về các linh kiện ô tô. Điều này đe dọa đến sự tồn tại của hàng loạt doanh nghiệp nhỏ và vừa, những doanh nghiệp vốn chỉ sản xuất các bộ phận cho động cơ đốt trong. Hiện có hơn 20.000 nhà sản xuất phụ tùng ô tô ở Nhật Bản đang phải tái cơ cấu để phù hợp với xe điện.

Để tồn tại trong thị trường EV, các công ty Nhật Bản cần đầu tư mạnh vào nghiên cứu và phát triển các công nghệ mới như pin, động cơ điện và hệ thống truyền động. Cuộc cạnh tranh càng khốc liệt khi các đối thủ như Trung Quốc và Hàn Quốc có lợi thế về chi phí sản xuất và các chính sách hỗ trợ mạnh mẽ, tạo thêm sức ép cho doanh nghiệp Nhật.

qt1_1063.jpg
Cuộc cạnh tranh trong ngành ô tô ngày càng khốc liệt với sự tham gia của nhiều quốc gia.

Dẫu vậy, kỷ nguyên xe điện cũng mang lại cơ hội đổi mới và phát triển cho các doanh nghiệp. Nhật Bản có thể tận dụng lợi thế về công nghệ và chất lượng để tạo ra những sản phẩm xe điện độc đáo, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng. Một số doanh nghiệp lớn như Sumitomo Rubber Industries và Bridgestone đã tiên phong phát triển vật liệu và công nghệ cải tiến lốp xe cho EV. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng có đủ khả năng và tầm nhìn để thích ứng.

Hợp tác quốc tế là cũng một hướng đi đầy tiềm năng cho các công ty Nhật Bản. Ví dụ, Nissin Manufacturing đã liên kết với công ty khởi nghiệp Inmotive của Canada để phát triển công nghệ truyền động nhẹ cho xe điện. Trong khi đó, Tatebayashi Moulding Co. (TMC) đã trở thành công ty con của BYD, nhà sản xuất xe điện hàng đầu Trung Quốc, để đối phó với sự thay đổi lớn trên thị trường toàn cầu.

Chính phủ Nhật Bản đang hỗ trợ mạnh mẽ cho quá trình chuyển đổi này bằng cách cấp vốn cho nghiên cứu và phát triển, xây dựng hạ tầng sạc xe điện và cung cấp hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Để tồn tại và phát triển trong kỷ nguyên xe điện, các doanh nghiệp Nhật cần nhanh chóng thích ứng, đầu tư vào công nghệ mới và hợp tác với đối tác quốc tế. Như ông Tomohiko Baba, Tổng giám đốc KYB, đã nhận định: “Chúng tôi đã nghiêm túc bắt đầu nghĩ về sự thay đổi EV cách đây bốn hoặc năm năm. Chúng tôi đang phát triển các bộ phận của mình ngay bây giờ trong khi cân nhắc cách chúng tôi có thể xử lý điện khí hóa”.

Cuộc cách mạng xe điện đang thay đổi sâu sắc ngành công nghiệp ô tô Nhật Bản và sự thành công sẽ phụ thuộc vào khả năng đổi mới và thích ứng của các doanh nghiệp.

Tương lai ngành ô tô Việt Nam

Trong bối cảnh ngành công nghiệp phụ tùng ô tô toàn cầu đang chuyển mình mạnh mẽ, Việt Nam cũng đang nỗ lực để bắt kịp xu thế với mục tiêu trở thành một trung tâm sản xuất linh kiện ô tô quan trọng trong khu vực. Dự thảo "Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" của Bộ Công Thương đã đặt ra những mục tiêu quan trọng, bao gồm sản xuất các linh kiện quan trọng như hộp số, động cơ và thân vỏ xe. Đây là những yếu tố quyết định không chỉ đối với xe truyền thống mà còn với các loại xe hiện đại, trong đó có xe điện.

Những thách thức mà ngành công nghiệp ô tô Nhật Bản đang đối mặt trong kỷ nguyên xe điện là bài học quan trọng cho Việt Nam. Việc chuyển đổi từ xe truyền thống sang xe điện đã cho thấy, dù cơ hội mở ra cho các nhà sản xuất nhưng đồng thời cũng làm giảm nhu cầu về các linh kiện phức tạp như động cơ đốt trong. Do đó, để không rơi vào tình trạng tương tự như Nhật Bản, Việt Nam cần có chiến lược phát triển công nghệ phù hợp, hướng tới sản xuất linh kiện không chỉ phục vụ cho xe truyền thống mà còn đáp ứng được nhu cầu của xe điện, hybrid và các dòng xe tiết kiệm nhiên liệu.

Một trong những giải pháp quan trọng mà Việt Nam có thể học hỏi từ Nhật Bản là việc thúc đẩy hợp tác quốc tế. Dự thảo chiến lược của Bộ Công Thương cũng đã nêu rõ việc tăng cường hợp tác với các hãng ô tô lớn trên thế giới để lựa chọn các loại phụ tùng, linh kiện có thể sản xuất trong nước và tích cực tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Đây là bước đi quan trọng giúp các doanh nghiệp Việt Nam nhanh chóng nâng cao năng lực sản xuất, tiếp cận công nghệ mới và tạo đà cho việc xuất khẩu linh kiện ra các thị trường quốc tế.

qt1_1011.jpg
Ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam cần có chiếc lược phát triển phù hợp.

Ngoài ra, việc khuyến khích sản xuất dòng xe thân thiện với môi trường, đáp ứng tiêu chuẩn khí thải và đầu tư vào công nghệ tiên tiến sẽ là yếu tố quyết định trong chiến lược phát triển dài hạn của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam. Giống như Nhật Bản đang tập trung vào việc phát triển các loại pin và hệ thống truyền động nhẹ, Việt Nam cũng cần định hướng đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ có tiềm năng phát triển trong kỷ nguyên xe điện.

Chính phủ Việt Nam cũng đã có những chính sách hỗ trợ cụ thể, như ưu đãi thuế nhập khẩu cho linh kiện và phụ tùng phục vụ sản xuất trong nước, góp phần tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp trong nước phát triển. Nếu các mục tiêu của chiến lược này được thực hiện thành công, Việt Nam hoàn toàn có khả năng trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng linh kiện ô tô toàn cầu, đặc biệt là trong kỷ nguyên mới của xe điện và các phương tiện thân thiện với môi trường.

Bài và ảnh: Thanh Trà