Kinh tế

Đông Nam Bộ tiến ra Biển Đông: Kỳ I - Cần phát huy 3 trụ cột

HƯƠNG GIANG 22/09/2024 11:00

Để giải quyết tốt bài toán phát triển kinh tế tiến ra Biển Đông, vùng Đông Nam Bộ cần phải tập trung trên cả 3 phương diện.

Thứ nhất, cảng biển – Đô thị cảng biển; Thứ hai, du lịch sinh thái rừng; và thứ ba, phát triển đô thị du lịch sinh thái biển để tạo thế mạnh cho toàn vùng.

cang-bien-brvt.jpg
Cảng biển Bà Rịa - Vũng Tàu là một trong hai cảng biển thuộc loại đặc biệt của cả nước, như Cụm cảng Cái Mép - Thị Vải có chức năng là cảng cửa ngõ, trung chuyển quốc tế. Ảnh: N.Long

Đó là “hiến kế” của nhiều chuyên gia, doanh nghiệp nhằm phát triển kinh tế vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030 và tầm nhìn 2050.

Tập trung vào 3 phương diện

Theo ông Phạm Quốc Long – Chủ tịch Hiệp Hội Đại lý, Môi giới và Dịch vụ hàng hải Việt Nam, Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đã xác định vùng Đông Nam Bộ có vai trò động lực, làm nền tảng cho sự phát triển kinh tế toàn vùng, đặc biệt là hệ thống cảng biển.

Trong đó, cảng biển Bà Rịa - Vũng Tàu là một trong hai cảng biển thuộc loại đặc biệt của cả nước, như Cụm cảng Cái Mép - Thị Vải có chức năng là cảng cửa ngõ, trung chuyển quốc tế, tiếp nhận cỡ tàu container trọng tải từ 80.000 - 250.000 DWT, hoặc lớn hơn khi đủ điều kiện; tàu tổng hợp, hàng chất lỏng, khí… với trọng tải lên đến 150.000 DWT. Tuy nhiên, cần cần có chính sách ưu đãi để thu hút nhà đầu tư.

“Để vùng Đông Nam Bộ phát triển đúng định hướng, cần tập trung trên cả 3 phương diện, gồm: cảng biển – Đô thị cảng biển; du lịch sinh thái rừng; và phát triển đô thị du lịch sinh thái biển để tạo thế mạnh cho toàn vùng. Bởi vì, đô thị biển không chỉ là những thành phố trên bờ biển, mà còn là trung tâm hành chính, kinh tế và văn hóa của một vùng, trong đó nhân tố biển với tư cách là động lực phát triển, quyết định tính chất để hình thành đô thị.

Chưa kể, đô thị biển còn có nhiệm vụ kích thích, thúc đẩy sự chuyển động của các cộng đồng xã hội, vốn dĩ đã thiên về tĩnh tại do bị kìm hãm bởi “tư duy lục địa”. Do đó, nếu đô thị biển được quan tâm đúng nghĩa, sẽ tạo ra không gian kinh tế biển và tạo lực tác động chủ đạo cho phát triển kinh tế - xã hội một cách bền vững.

"Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải cần thường xuyên duy tu, nạo vét luồng lạch để có độ sâu nhất định nhằm đáp ứng việc tiếp nhận tàu lớn ra, vào theo xu thế hiện nay. Đồng thời, đẩy nhanh đầu tư hạ tầng kết nối giao thông để thay thế cho QL51 nhằm kết nối giữa các cảng với nhau trước những áp quá tải như hiện nay", ông Long đề xuất.

Đồng quan điểm, ông Phạm Anh Tuấn - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tư vấn Thiết kế cảng kỹ thuật biển Port Coast, cho rằng trong định hướng phát triển kinh tế tiến ra Biển Đông, TPHCM đã ban hành quy định về quản lý quy hoạch chung đô thị theo “Đề án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TPHCM đến năm 2025”.

Theo đó, định hướng phát triển thành phố hướng ra Biển Đông dựa trên nghiên cứu quy luật các thành phố lớn trên thế giới có ưu thế phát triển nhanh đều nằm ở ven biển và chiến lược phát triển vùng tam giác trọng điểm TPHCM – Đồng Nai – Bà Rịa - Vũng Tàu đã đặt ra yêu cầu cấp bách mở rộng quy mô đô thị và cơ sở hạ tầng để TPHCM hướng ra Biển Đông.

Cơ chế xây dựng doanh nghiệp cảng

Theo ông Phạm Anh Tuấn, Chiến lược biển của Việt Nam ra đời năm 2007, và chúng ta đã quen dần với cụm từ biển, đảo… nhưng cũng khó có thể nhận ra một chiến lược phát triển kinh tế biển một cách rõ ràng và cụ thể cho các đô thị biển trọng điểm. Do đó, rất cần những cơ chế đặc biệt, trong đó những tiêu chí, cơ chế để xây dựng các doanh nghiệp cảng theo phương châm “hiện đại, thông minh” là rất cần thiết.

“Từ khi có huyện Cần Giờ sáp nhập từ tỉnh Đồng Nai vào TPHCM (ngày 17/12/1976), TPHCM trở thành một siêu đô thị có biển, ven biển, một siêu đô thị có khu dự trữ sinh quyển của thế giới mà các đô thị khác không có được. Bên cạnh đó, ở Bà Rịa – Vũng Tàu, hiện nay cảng Cái Mép – Thị Vải đang thông qua tổng lượng hàng khoảng 15% của cả nước. Riêng về hàng container thì cảng này thông khoảng 1/3 tổng lượng hàng container cả nước. Do đó, nếu xét về quy mô thì cảng Cái Mép – Thi Vải xếp thứ 31 trên thế giới.

Về chỉ số chất lượng của cảng, năm 2023 Cái Mép – Thi Vải được xếp hạng 7, vượt qua rất nhiều những cảng lớn trên thế giới". Vì vậy, Đông Nam Bộ hoàn toàn có khả năng hội nhập vào chuỗi các thành phố ven biển khu vực châu Á – Thái Bình Dương, đưa Đông Nam bộ tăng trưởng mạnh và vượt bậc trong tương lai gần”, ông Phạm Anh Tuấn nhấn mạnh.

Đáng chú ý, nhấn mạnh về chiến lược phát triển vùng Đông Nam Bộ mới đây, ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TPHCM, cho biết: trong chiến lược phát triển, TPHCM sẽ cùng với khu vực Đông Nam Bộ kết nối với vùng Đồng bằng sông Cửu Long để khai thác trên tinh thần “bám sông, hướng biển”; phát huy hơn nữa, mở rộng cửa hơn nữa về hướng biển để kết nối với thế giới.

Song, để đạt được kết quả, ông Phan Văn Mãi đề nghị cần có cơ chế đối thoại về chiến lược chính sách giữa TPHCM và rộng hơn là vùng Đông Nam Bộ với Hiệp hội Cảng biển Việt Nam (VPA) và các hội viên, để việc hoạch định của TPHCM và Đông Nam Bộ sát với xu hướng phát triển và nhu cầu phát triển để các doanh nghiệp được đóng góp cụ thể; các địa phương cũng có sự hỗ trợ cụ thể.

“TPHCM đang rà soát lại, nâng cấp để thành phố trở thành trung tâm dịch vụ lớn, trong đó có trung tâm dịch vụ về logistics, tài chính… Vì đây là những định hướng rất quan trọng đối với kinh tế cảng biển. Do đó, rất mong các doanh nghiệp sẽ tiếp tục khai thác tiềm năng, lợi thế từ TPHCM, từ Đông Nam Bộ để phát triển hơn nữa, xứng với khu vực và thế giới”, ông Mãi nhấn mạnh.

Đón đọc Kỳ II: Lấy cảng Cái Mép - Thị Vải làm động lực

HƯƠNG GIANG