Thủ tướng Chính phủ: Đề nghị ngân hàng chia sẻ, đặc biệt trong hỗ trợ lãi suất
Chiều 21/9, Thủ tướng Chính phủ chủ trì Hội nghị Thường trực Chính phủ làm việc với các NHTMCP về các giải pháp góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Cùng dự có các Phó Thủ tướng Chính phủ: Trần Hồng Hà, Lê Thành Long, Hồ Đức Phớc; các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo 13 ngân hàng thương mại cổ phần lớn trong cả nước.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết hội nghị nhằm tiếp tục đánh giá chính sách tiền tệ, nhất là trong ưu tiên cho tăng trưởng, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, ổn định kinh tế vĩ mô. Thủ tướng cũng đề nghị các đại biểu đóng góp ý kiến đánh giá chính xác, công bằng về chính sách chính sách tiền tệ, điều hành vĩ mô của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, trong đó có các vấn đề liên quan thanh khoản, lãi suất, tỷ giá, room tín dụng, tăng trưởng tín dụng và lãi suất cho vay trong bối cảnh hiện nay và đề xuất nhiệm vụ, giải pháp về chính sách tiền tệ thời gian tới.
Mong các ngân hàng đề xuất các chính sách mới thích ứng tình hình
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng cho biết, đến nay, chúng ta vẫn giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn. Tuy nhiên, vừa qua, cơn bão số 3 đã gây thiệt hại nặng nề do cường độ cao, tốc độ nhanh, gió giật mạnh, hoành hành lâu trên đất liền, hoàn lưu bão gây mưa lũ trên diện rộng, gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản, hơn nữa bão lũ cũng làm đình trệ sản xuất, kinh doanh tại một số địa bàn, doanh nghiệp, ảnh hưởng lớn kinh tế vĩ mô.
Do đó, Thủ tướng mong các ngân hàng đề xuất các chính sách mới thích ứng tình hình, trong đó có chính sách đối với những doanh nghiệp, người dân bị thiệt hại trong cơn bão lũ; đồng thời hiến kế giải pháp liên quan tăng trưởng tín dụng, lãi suất hợp lý với tinh thần lợi ích hài hoà, rủi ro chia sẻ, hài hòa lợi ích của Nhà nước, người dân, doanh nghiệp, với tinh thần "tương thân, tương ái", "tình dân tộc, nghĩa đồng bào" để có chính sách phù hợp, cùng lắng nghe và thấu hiểu, cùng chia sẻ tầm nhìn, nhận thức và hành động, cùng làm, cùng hưởng, cùng thắng và phát triển doanh nghiệp và phát triển đất nước, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Thủ tướng cũng đề nghị các ngân hàng chia sẻ trong lúc đất nước khó khăn, nhất là về vấn đề lãi suất, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, thể hiện tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững.
Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) trong hơn 8 tháng năm 2024, bám sát chủ trương của Quốc hội, Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, NHNN đã chủ động theo sát diễn biến kinh tế trong và ngoài nước để triển khai đồng bộ các giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, tháo gỡ khó khăn và phục hồi sản xuất kinh doanh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế gắn với ốn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, an toàn hoạt động hệ thống tổ chức tín dụng.
Trong đó, NHNN điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, cân đối hài hòa lãi suất và tỷ giá, chỉ đạo tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ thanh khoản hệ thống tổ chức tín dụng; đẩy mạnh triển khai các giải pháp đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng, tăng khả năng tiếp cận tín dụng, các chương trình tín dụng ngành, lĩnh vực; hoàn thiện hành lang pháp lý trong hoạt động cấp tín dụng, góp phần nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng ngân hàng, hỗ trợ khách hàng gặp khó khan trong hoạt động tín dụng; đấy mạnh triển khai các giải pháp chuyển đổi số hoạt động ngân hàng, đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt nhằm phát triển các sản phẩm, dịch vụ ứng dụng công nghệ, đảm bảo hoạt động liên tục, thông suốt, an toàn.
Đến ngày 17/9/2024, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đạt 7,38% so với cuối năm 2023, trong đó, khối ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân tăng 8,6%, chiếm 45% thị phần, tăng cao nhất toàn hệ thống; cơ cấu tín dụng phù hợp với định hướng chuyên dịch cơ cầu kinh tế, tiếp tục hướng vào các hoạt động sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên.
Tổng tài sản của 28 ngân hàng thương mại cổ phần đến thời điểm 30/6/2024 đạt 9,3 triệu tỷ đồng, chiếm 45% thị phần, trong đó có 22 ngân hàng quy mô tài sản trên 100.000 tỷ đồng. Tổng nguồn vốn huy động của khối ngân hàng thương mại cổ phần đạt 8,7 triệu tỷ đồng, tăng 5,44% và chiếm 46,1% thị phần. Kết quả kinh doanh của các ngân hàng thương mại cổ phần đạt khá…
Bên cạnh đó, hoạt động của các ngân hàng thương mại cũng gặp những khó khăn, hạn chế liên quan nợ xấu, hấp thụ vốn, diễn biến của thị trường và tác động bão lũ.
Đề xuất của các NHTM
Tại hội nghị, ông Lưu Trung Thái - Chủ tịch HĐQT MB cho biết, thực hiện chủ trương, định hướng của Chính phủ, NHNN, tới hết 8 tháng năm 2024, MB tiếp tục duy trì đà tăng trưởng bền vững, trong đó, dư nợ tín dụng đạt ~ 685 nghìn tỷ đồng (tăng trưởng 11,15% so với năm 2024; so với bình quân toàn ngành ~ 7,15%). Dư nợ cho nhóm ngành ưu tiên theo định hướng của Chính phủ chiếm ~ 65%, giải ngân mới ~ 74 nghìn tỷ đồng cho SME. Dư nợ tăng mới tập trung tại: + 19% (13 nghìn tỷ đồng) cho các doanh nghiệp (1) Các ngành sản xuất & kinh doanh thiết bị điện tử, điện lạnh và phương tiện vận tải và (2) Công nghiệp chế biến, chế tạo, các lĩnh vực phụ trợ; + 6% (4 nghìn tỷ đồng) cho Lĩnh vực sản xuất và phân phối điện năng lượng, khí đốt và Vận tải kho bãi công nghệ cao - theo định hướng ưu tiên chuyển dịch tín dụng xanh, tín dụng bền vững theo Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030; + 47% (32,7 nghìn tỷ đồng) cho phân khúc bán lẻ, cho vay SXKD (tăng trưởng ~20% so với năm trước). MB đã bước đầu thực hiện triển khai cấp tín dụng ưu đãi cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung (tổng hạn mức tín dụng ~ 1 nghìn tỷ đồng).
Điều hành lãi suất theo chủ trương, chỉ đạo của Chính phủ, NHNN; hỗ trợ khách hàng tiếp cận vốn vay, đồng hành tháo gỡ khó khăn và phục hồi SXKD, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ông Thái cũng cho biết MB thực hiện nhiều đợt giảm lãi suất cho vay từ 0,5% - 1,45% so với năm 2024 (MB cho vay SXKD lãi suất ~ 6,94% - so với 2023 là 7,88%). Trong quý IV/2024, MB sẽ tiếp tục triển khai các chương trình tín dụng lãi suất ưu đãi với các kế hoạch SXKD có xếp hạng tín dụng tốt, phương án kinh doanh khả thi để hỗ trợ khách hàng, thúc đẩy phát triển kinh tế. Chú trọng kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng và tuân thủ các giới hạn, tỷ lệ đảm bảo an toàn, quản trị thanh khoản
Trong phần tham luận, Chủ tịch Lưu Trung Thái cũng chỉ ra các khó khăn, vướng mắc, tồn tại, hạn chế phát sinh, đặc biệt là đối với việc tăng trưởng tín dụng an toàn, lành mạnh. Đồng thời, Chủ tịch MB đưa ra kiến nghị, đề xuất của MB đối với Chính phủ, NHNN, bao gồm:
Thứ nhất, kiên định với các mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ổn định lãi suất cho vay, thực thi chính sách tiền tệ chủ động; Điều hành linh hoạt, thường xuyên quan tâm và tạo điều kiện, tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, ngân hàng để tạo ra môi trường kinh doanh lành mạnh, phát triển kinh tế bền vững. Trong đó: Cần có thêm các giải pháp ổn định, khơi thông dòng vốn trên thị trường TPDN để giảm áp lực vốn tín dụng trung, dài hạn vào hệ thống ngân hàng; Tăng cường thông tin truyền thông kịp thời để giữ vững tâm lý thị trường, nhà đầu tư trái phiếu; Các cơ quan/Bộ ngành địa phương đẩy nhanh tiến độ phê duyệt điều chỉnh/quy hoạch nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp bất động sản.
Thứ hai, tiếp tục thúc đẩy phát triển tài chính xanh, kinh tế xanh để đảm bảo phát triển kinh tế bền vững, cải thiện hiệu quả hoạt động cho ngành Ngân hàng và các doanh nghiệp, thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế. Trong đó: Chính phủ chỉ đạo đẩy nhanh thống nhất cơ chế giá điện – đặc biệt là các dự án chuyển tiếp – các dự án mới, chỉ đạo EVN ưu tiên và đảm bảo tiến độ thanh toán cho các doanh nghiệp sản xuất điện xanh, năng lượng tái tạo.
Thứ ba, thúc đẩy và tạo điều kiện hơn nữa cho ngành Ngân hàng tăng cường kết nối, tiếp cận cơ sở dữ liệu quốc gia để phát triển công nghệ, thanh toán đảm bảo an toàn, bảo mật cho khách hàng.
Báo cáo tại hội nghị, Chủ tịch VIB ông Đặng Khắc Vỹ cũng cho biết, ngân hàng luôn quán triệt sâu sắc và tổ chức triển khai hoạt động kinh doanh trên cơ sở các định hướng, chỉ đạo quan trọng nói trên của Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo NHNN. Hết 6 tháng đầu năm, VIB có tổng tài sản đạt 431 nghìn tỷ, tăng 5% so với đầu năm. Huy động vốn tăng trưởng 5%. Tín dụng đạt gần 280 nghìn tỷ, tăng 5% so với đầu năm. Trong đó, tỷ trọng tín dụng bán lẻ là 82%.
Trên cơ sở lãi suất huy động giảm và nỗ lực tiết giảm chi phí hoạt động, với tinh thần hỗ trợ tốt nhất cho khách hàng doanh nghiệp và nhân dân, VIB đã tiến hành giảm lãi suất cho vay mạnh mẽ cho tất cả các phân khúc khách hàng để tăng cường kích thích cả cung và cầu xã hội, hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Đối với các khách hàng doanh nghiệp, VIB cũng duy trì mức giá giảm sâu, tập trung vào tài trợ vốn lưu động và tài trợ trung dài hạn cho các doanh nghiệp với mức lãi suất từ 2,9% trở lên.
Chủ tịch VIB Đặng Khắc Vỹ cho biết mặc dù việc giảm giá sâu sẽ dẫn đến làm giảm lợi nhuận ngắn hạn nhưng đây là bước tạo điều kiện phát triển bền vững cho cá nhân, doanh nghiệp và ngân hàng khi sản xuất kinh doanh được phục hồi trong thời gian tới.
Trình bày với lãnh đạo Chính phủ về các khó khăn, vướng mắc, theo ông Đặng Khắc Vỹ, hiện nay việc xử lý tài sản bảo đảm để xử lý nợ xấu là rất khó khăn.
Bên cạnh đó, Chủ tịch VIB cũng đưa ra một số đề xuất, kiến nghị như cần thúc đẩy quyết liệt các giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.
Theo ông Đặng Khắc Vỹ, những chuyển biến thời gian vừa qua của thị trường bất động sản là khá tích cực, nhờ sự nỗ lực, quyết tâm cao của Chính phủ, của các bộ, ngành trong việc gỡ vướng, thúc đẩy thị trường bất động sản.
Do ngành ngân hàng ngày càng gia tăng tỷ trọng tín dụng bán lẻ trong danh mục tín dụng của mình, tài sản bảo đảm là nhà đất, căn hộ chiếm tỷ lệ trọng yếu trong tổng số tài sản bảo đảm, nên sự phục hồi của thị trường bất động sản không những tác động tích cực tới nền kinh tế mà giúp các ngân hàng tăng cường cho vay và xử lý được nợ xấu.
"Chúng tôi mong muốn Chính phủ và các bộ, ngành tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp để thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững, từ đó giúp ngân hàng gia tăng tín dụng an toàn, mạnh mẽ. Đồng thời, tiếp tục thực thi chính sách không nới lỏng các điều kiện cấp tín dụng để tăng trưởng tín dụng bằng mọi giá nhằm tránh những hệ lụy về sau ảnh hưởng đến an toàn hoạt động của các ngân hàng và sự ổn định của ngành ngân hàng khi nợ xấu gia tăng, lợi nhuận suy giảm", Chủ tịch VIB Đặng Khắc Vỹ bày tỏ.
Chủ tịch VIB cũng cho rằng cần gia tăng việc áp dụng các chuẩn mực quốc tế một cách sâu rộng, quản trị các ngân hàng một cách bản chất, thực chất khi ngành ngân hàng Việt Nam đang ngày càng hòa nhập vào xu thế toàn cầu. Đồng thời, đề xuất NHNN đánh giá, xếp hạng các ngân hàng dựa theo các dữ liệu có độ minh bạch cao, từ đó có các giải pháp giám sát, hỗ trợ, quản lý room tín dụng phù hợp để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng lành mạnh và đảm bảo chất lượng tín dụng của hệ thống ngân hàng. Đặc biệt cần đảm bảo ghi nhận các khoản nợ có vấn đề, nợ cơ cấu một cách đúng bản chất, ghi nhận doanh thu và các khoản dự thu một cách thận trọng theo các chuẩn mực kế toán, từ đó các dữ liệu chính xác về lợi nhuận, vốn, nợ xấu, hệ số CAR, hệ số ROE… Lãnh đạo VIB đề xuất Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành ban hành các quy định để gỡ vướng cho các TCTD trong xử lý nợ xấu.
Theo Chủ tịch Techcombank Hồng Hùng Anh, ngân hàng đã không ngừng cải tiến, nâng cấp và ban hành mới các sản phẩm tín dụng phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp theo từng lĩnh vực ngành nghề nhằm đưa ra những giải pháp phù hợp nhất cho khách hàng cũng như có thể giải quyết được triệt để những khó khăn do đặc thù riêng trong lĩnh vực hoạt động kinh doanh của khách hàng.
Ông Hồ Hùng Anh cho biết thực hiện theo đúng chủ trương của Chính phủ và NHNN về việc triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất, lãi suất cho vay của Techcombank có xu hướng giảm dần kể từ cuối năm 2022.
Tính đến thời điểm tháng 8/2024, lãi suất cho vay bình quân của Techcombank ở mức 7.73%, tiếp tục giảm so với tháng 3/2024 và đã giảm 2.24% so với thời điểm Tháng 12.2023. Trong đó, so với thời điểm 31/12/2023, tại 31/8/2024, lãi suất cho vay bình quân khách hàng cá nhân đối với các khoản vay thuộc lĩnh vực sản xuất kinh doanh là một trong những lĩnh vực ghi nhận mức giảm nhiều nhất (giảm 2.48% từ mức 10,11% xuống còn 7,63%).
Lãnh đạo Techcombank cũng đưa ra 3 đề xuất, kiến nghị cho 4 tháng cuối năm 2024.
Thứ nhất, cần có các giải pháp ổn định, khơi thông dòng vốn trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Theo đó, dự thảo Luật chứng khoán có những điều khoản thay đổi quan trọng và sẽ ảnh lớn đến thị trường chứng khoán, thị trường vốn, cũng như tác động bất lợi đến việc huy động vốn của doanh nghiệp.
"Bộ Tài chính cần đánh giá mức độ ảnh hưởng đến thị trường, doanh nghiệp, người dân và lắng nghe tiếng nói của doanh nghiệp, các hiệp hội để có điều chỉnh phù hợp, vừa đảm bảo tăng cường sự ổn định của thị trường cũng như tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp huy động vốn một cách bền vững", theo Chủ tịch Techcombank Hồ Hùng Anh kiến nghị.
Thứ hai, với nhóm giải pháp nâng cao năng lực, khả năng bán hàng của doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, theo ông Hồ Hùng Anh, tình hình khó khăn chung của nền kinh tế do ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh, bất ổn kinh tế, chính trị toàn cầu khiến Techcombank nói riêng và các Ngân hàng tại Việt Nam nói chung gặp một số khó khăn bất lợi trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh.
Do vậy, cần có những giải pháp như: Bổ sung, gia hạn các gói vay vốn với lãi suất thấp, đặc biệt là cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các doanh nghiệp gặp khó khăn trong xuất khẩu, bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh trong thời gian qua, giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn dễ dàng hơn. Ổn định thị trường ngoại hối, bổ sung, gia hạn các chính sách giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng (VAT), thời gian nộp thuế, kiểm soát các loại chi phí liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh như chi phí vận tải, xuất nhập khẩu… nhằm giúp doanh nghiệp giảm bớt gánh nặng tài chính.
Thứ ba, cần xây dựng và ban hành các hướng dẫn chi tiết và cụ thể về Tín dụng xanh để đảm bảo đồng nhất trong áp dụng và sự công bằng, minh bạch giữa các tổ chức tín dụng trong việc cấp tín dụng. Đồng thời, đưa ra các cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp trong chuyển đổi xanh, tạo điều kiện cho các tổ chức doanh nghiệp tham gia thị trường vốn, phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp làm dự án xanh, các cơ chế khuyến khích về thuế và bảo hiểm tín dụng xanh...