Nghiên cứu - Trao đổi

Doanh nghiệp xe “xanh” cần “bệ đỡ” từ chính sách

Khôi Nguyên 22/09/2024 11:00

Chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần có chính sách đồng bộ trong việc thúc đẩy chuyển đổi giao thông xanh, giảm phát thải ngành ô tô, tăng dung lượng xe "xanh"…

doanh-nghiep-xe-xanh-can-be-do-tu-chinh-sach-1.png
Xưởng sản xuất xe ô tô của một doanh nghiệp trong nước. Ảnh: H.Hạnh

Theo Quyết định số 876/QĐ-TTg ngày 22/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí metan của ngành giao thông - vận tải, mục tiêu tổng quát là phát triển giao thông - vận tải xanh, hướng tới mục tiêu phát thải ròng khí nhà kính về 0 vào năm 2050. Lộ trình chuyển đổi năng lượng xanh đã được đề ra, áp dụng trong nhiều lĩnh vực, bao gồm đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải, hàng không, giao thông đô thị.

Theo đó, Bộ Giao thông vận tải đã đề xuất nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển xe điện nhằm đạt mục tiêu giảm phát thải môi trường. Cụ thể, bộ này kiến nghị 3 loại xe điện được hưởng hỗ trợ, ưu đãi phát triển gồm xe điện chạy pin, xe điện sử dụng pin nhiên liệu và ô tô năng lượng mặt trời; có cơ chế ưu đãi về thuế cho các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp, bảo dưỡng ô tô điện; miễn, giảm lệ phí trước bạ, lệ phí đăng ký biển số đối với người sử dụng xe ôtô điện; thúc đẩy tiếp cận tín dụng, trợ giá trực tiếp cho người mua xe; ưu tiên phát triển xe ô tô điện tham gia kinh doanh vận tải và ưu đãi vốn vay đối với các doanh nghiệp vận tải chuyển đổi sử dụng ô tô điện và trợ giá cao hơn đối với xe buýt điện.

Mới đây, Bộ Công Thương cũng tiếp tục kiến nghị chính sách hỗ trợ về tài chính và ưu đãi thuế cho xe xanh. Theo đó, Bộ Công Thương đề xuất một số giải pháp theo nhóm sản phẩm.

Cụ thể, với nhóm giải pháp phát triển xe thân thiện với môi trường - xe điện, xe hybrid, xe hydrogen, giải pháp Bộ Công Thương đề xuất hỗ trợ tài chính và ưu đãi thuế, áp dụng các chính sách giảm thuế nhập khẩu cho linh kiện sản xuất.

Nhóm giải pháp phát triển xe thương mại (xe tải, xe buýt): Khuyến khích nghiên cứu và phát triển động cơ tiết kiệm nhiên liệu và giảm phát thải cho xe tải và xe buýt; khuyến khích sử dụng nhiên liệu sạch, sử dụng xe điện.

Nhóm giải pháp phát triển xe cá nhân, khuyến khích sản xuất trong nước. Áp dụng các chính sách ưu đãi thuế cho các doanh nghiệp sản xuất và lắp ráp xe hơi trong nước.

Còn với nhóm giải pháp về cung cấp linh kiện và phụ tùng cho ngành ô tô, cần chú trọng phát triển công nghiệp phụ trợ. Khuyến khích đầu tư vào các nhà máy sản xuất linh kiện và phụ tùng ô tô bằng các chính sách ưu đãi thuế và hỗtrợ tài chính như: Tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp phụ trợ tiếp cận với các doanh nghiệp sản xuất ô tô lớn thông qua các chương trình kết nối doanh nghiệp; Hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong việc chuyển giao công nghệ và nâng cao năng lực sản xuất thông qua các chương trình hợp tác quốc tế...

doanh-nghiep-xe-xanh-can-be-do-tu-chinh-sach-2.png
Sử dụng phương tiện giao thông công cộng ít phát thải là xu hướng tất yếu trong ngành Giao thông vận tải. Ảnh: Bắc An

Chia sẻ từ góc nhìn doanh nghiệp, ông Võ Minh Lực, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Ô-tô BYD Việt Nam cho biết, thực tế hiện nay các doanh nghiệp gặp rất nhiều thách thức trong đầu tư trạm sạc, đặc biệt là liên quan đến quỹ đất và các vấn đề pháp lý khác. Ngoài ra, thủ tục và quy trình liên quan đến loại hình đầu tư này vẫn chưa rõ ràng và còn phức tạp…

Theo ông Võ Minh Lực, Việt Nam nên tham khảo kinh nghiệm từ các quốc gia đã phát triển thành công xe ô-tô “xanh”, hướng đến mục tiêu chuyển đổi giao thông xanh, góp phần cắt giảm phát thải... Đặc biệt, chú trọng đến cơ chế chính sách thúc đẩy xe năng lượng mới. Đơn cử, Thái Lan có chính sách ưu đãi lớn cho các nhà sản xuất xe, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp đến 5 năm, hỗ trợ cho vay ưu đãi cho các đơn vị đầu tư trạm sạc...

Thẳng thắn chỉ ra những thách thức trong phát triển thị trường xe năng lượng xanh tại Việt Nam, một số ý kiến chuyên gia cũng cho rằng, quy định, quy chuẩn chính sách thu hút đầu tư phát triển giao thông “xanh”, xe điện còn chưa hấp dẫn như chưa có chính sách thu hút, hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng trạm sạc; quy định về thuế, phí liên quan đến nhập khẩu xe năng lượng mới còn cao. Muốn mở cửa đón nhận những dòng xe xanh thân thiện môi trường, chính sách cần mạnh hơn, hỗ trợ sâu hơn nữa để thúc đẩy ngành công nghiệp ô-tô phát triển.

Từ góc nhìn cơ quan quản lý, bà Trần Thị Bích Ngọc, Trưởng phòng Thuế xuất nhập khẩu Cục Quản lý giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí Bộ Tài chính cho biết, chính sách của Nhà nước cũng như Bộ Tài chính hiện khuyến khích phát triển sản xuất, lắp ráp trong nước. Minh chứng là Bộ Tài chính đã xây dựng trình Chính phủ và Quốc hội ban hành nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ mạnh mẽ. Cụ thể, từ năm 2023, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 26/2023/NĐ-CP thay thế nhiều nghị định trước, song vẫn tiếp tục duy trì các chính sách ưu đãi đối với ngành sản xuất, lắp ráp ô-tô, trong đó có ô-tô điện, ô-tô thân thiện môi trường.

“Chính sách hỗ trợ, ưu đãi đối với xe điện ở Việt Nam không thấp hơn mức ưu đãi đang áp dụng tại các quốc gia trong khu vực. Bởi thực tế, Chính phủ Việt Nam luôn nhất quán tinh thần hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là trong nước, hỗ trợ thương hiệu Việt Nam phát triển bền vững cũng như giữ chân những nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào Việt Nam”, bà Ngọc chia sẻ.

Khôi Nguyên