Doanh nghiệp

Đầu tư mạnh R&D công nghệ mới, doanh nghiệp ICT tăng trưởng bền vững

Hạnh Lê 22/09/2024 02:33

Nhiều doanh nghiệp ICT đã đầu tư mạnh R&D ứng dụng các công cụ AI để tối ưu nguồn lực, tăng trưởng bền vững doanh thu và lợi nhuận.

Bất chấp khó khăn chung của nền kinh tế, doanh thu công nghiệp công nghệ số của Việt Nam từ đầu năm đến nay đã đạt 118 tỉ USD, tăng 17,78% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, doanh thu từ hoạt động phần mềm và dịch vụ công nghiệp số là 6,64 tỉ USD, tăng 9,86%.

ict.jpg
Ông Nguyễn Khắc Lịch - Cục trưởng Cục ICT và ông Ngô Diên Hy - Phó Chủ tịch VINASA trao chứng nhận cho doanh nghiệp ICT xuất sắc.

Phát biểu tại lễ công bố và vinh danh “Top 10 doanh nghiệp công nghệ số xuất sắc Việt Nam 2024”, ông Nguyễn Khắc Lịch - Cục trưởng Cục Công nghiệp Công nghệ thông tin và Truyền thông (ICT), Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết thêm, hoạt động lập trình phần mềm là một trong những thế mạnh cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường. Những nỗ lực và cống hiến của các doanh nghiệp công nghệ số không chỉ giúp nâng cao giá trị thương hiệu của mình mà còn đóng góp vào sự phát triển chung của nền kinh tế số quốc gia.

Hiện, cộng đồng 47.000 doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đang tạo việc làm cho trên 1,2 triệu lao động. Trong đó, 1.500 doanh nghiệp công nghệ số có doanh thu từ thị trường nước ngoài, tăng gần 4% so với năm 2022.

Tại chương trình vinh danh “Top 10 doanh nghiệp công nghệ số xuất sắc Việt Nam 2024”, theo VINASA, doanh thu của các doanh nghiệp được vinh danh Top 10 năm nay đạt 115.469 tỉ đồng, tương đương hơn 4.7 tỷ USD với tổng số nhân sự đang làm việc là 76.767 người. Riêng 11 doanh nghiệp công nghệ số nghìn tỉ có doanh thu 82.251 tỉ đồng, tương đương 3.3 tỉ USD, giải quyết việc làm cho 52.244 lao động.

Ở lĩnh vực xuất khẩu phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin, doanh thu năm 2023 tăng trưởng từ 10 - 40% so với năm trước; một số doanh nghiệp đã tăng trưởng vượt bậc, từ 50 - 140%. Đặc biệt, Việt Nam đã có doanh nghiệp đạt doanh thu trên 1 tỷ USD từ thị trường quốc tế, bắt đầu cho làn sóng những đối tác lớn toàn cầu tìm đến Việt Nam để hoàn thiện và đa dạng chuỗi cung ứng.

Trong khi đó, ở thị trường trong nước, tiến trình chuyển đổi số mở rộng ở nhiều ngành nghề, lĩnh vực cũng góp phần duy trì tăng trưởng cho những doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, giải pháp chuyển đổi số trong nước với các dự án lớn từ khối chính phủ.

ict2.jpg
Nhiều doanh nghiệp đầu tư mạnh cho R&D ứng dụng các công cụ công nghệ mới, trong đó có AI để tiếp tục gia tăng thế mạnh cạnh tranh, tăng trưởng bền vững

Ông Ngô Diên Hy - Phó Chủ tịch VINASA nhấn mạnh: sự phát triển bền vững của các doanh nghiệp ICT được tạo nền tảng từ việc sở hữu, phát triển, ứng dụng những công cụ công nghệ tiên tiến, nhất là công nghệ AI. Nhiều doanh nghiệp đã có những sản phẩm AI được cấp bằng sáng chế, đạt nhiều giải thưởng quốc tế. Công thức tăng trưởng của nhiều doanh nghiệp trong thời gian vừa qua là đầu tư mạnh cho R&D ứng dụng các công cụ AI nhằm tăng năng suất lao động, tăng tốc độ đóng gói sản phẩm từ đó tối ưu được nguồn lực tạo ra tăng trưởng cả doanh thu và lợi nhuận.

AI đã và đang được đầu tư phát triển, tích hợp mạnh mẽ trong chuyển đổi số. Nhờ đó, ứng dụng hiện đại này đang được phổ cập tới từng người, từng tổ chức, doanh nghiệp. Hạ tầng tính toán cho AI cũng được đầu tư mạnh mẽ với các siêu trung tâm dữ liệu và chíp AI. Số lượng kỹ sư, chuyên gia AI trong các doanh nghiêp đang tăng lên nhanh chóng với con số ước tính khoảng 10.000 kỹ sư AI.

Trong thời gian tới, chuyển đổi số gắn liền với chuyển đổi xanh dự báo tiếp tục diễn ra mạnh mẽ tại thế giới và Việt Nam. Hành lang pháp lý cho sự phát triển của công nghiệp công nghệ thông tin được hoàn thiện với Luật Công nghiệp công nghệ số đang được soạn thảo và trình Quốc hội thông qua. Với việc Việt Nam trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới có một bộ luật riêng về công nghệ số sẽ mở ra không gian phát triển mới, thúc đẩy hệ sinh thái công nghệ số quốc gia, hỗ trợ ưu đãi cho hoạt động sản xuất, cơ chế thử nghiệm tạo động lực cho đổi mới sáng tạo của các doanh nghiệp ICT.

Những điều kiện thuận lợi trên hứa hẹn tạo sự phát triển mạnh mẽ hơn nữa cho các doanh nghiệp ICT. Đặc biệt, tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong phát triển các động lực tăng trưởng mới của nền kinh tế như chuyển đổi xanh - thông minh, công nghệ cao... Đây cũng là những lĩnh vực đang được doanh nghiệp đầu tư mạnh mẽ, không chỉ phát triển kinh tế trong nước mà còn mở rộng ra thị trường quốc tế.

Hạnh Lê