VCCI

Thu hút vốn đầu tư cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long

An Định 21/09/2024 15:05

Thiếu đầu tư và kém hiệu quả là nguyên nhân then chốt dẫn đến vòng xoáy đi xuống, làm cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long chậm phát triển so các vùng khác.

Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam vùng Đồng bằng sông Cửu Long (VCCI ĐBSCL) phối hợp Viện Kinh tế xã hội TP Cần Thơ tổ chức tọa đàm "Thực trạng đầu tư và giải pháp thu hút vốn phát triển cho Đồng bằng sông Cửu Long" ngày 20/9.

Tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Phương Lam - Giám đốc VCCI ĐBSCL cho biết, vùng đang có cơ hội lớn về đầu tư bởi Chính phủ đang ưu tiên, nỗ lực và tạo điều kiện cho vùng phát triển, từ ban hành Nghị quyết 120 năm 2017 về thích ứng biến đổi khí hậu tới phê duyệt quy hoạch tích hợp vùng.

Thu hut
Ông Nguyễn Phương Lam - Giám đốc VCCI khu vực Đồng bằng sông Cửu Long phát biểu tại tọa đàm.

Với sự quan tâm và các chính sách của Đảng và Nhà nước, hiện tổng số vốn Chính phủ đầu tư cho vùng ĐBSCL đang tăng lên đáng kể. Tuy nhiên tổng vốn đầu tư toàn xã hội có sự chênh lệch giữa các tỉnh trong vùng. Theo ông Lam, bức tranh này làm ĐBSCL bắt đầu có sự phát triển không đồng đều giữa các địa phương, làm cho sự phát triển cả vùng chậm đi.

Trong khi đó, về vốn đầu tư từ tư nhân, các doanh nghiệp thành lập mới ở vùng không cao so với các vùng miền khác. Số liệu năm 2023 cho thấy khi có 15.043 doanh nghiệp thành lập mới thì cũng có tới 14.800 doanh nghiệp rời thị trường, tức cả năm chỉ có 190 doanh nghiệp tham gia thị trường. Các con số trong vòng 5 năm cho thấy việc bổ sung thêm nguồn vốn, nguồn lực vào xã hội, so với các địa phương khác là cực kỳ thấp.

Tại tọa đàm, ông Nguyễn Khánh Tùng, Viện trưởng Viện Kinh tế, xã hội TP. Cần Thơ cho biết, theo Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Chính phủ đề ra mục tiêu phát triển hệ thống kết cấu giao thông vận tải đa phương thức kết nối liên vùng và quốc tế; trong đó, chú trọng phát huy thế mạnh của vùng về giao thông thủy nội địa. Đến năm 2030, đầu tư xây dựng mới và nâng cấp khoảng 830 km đường bộ cao tốc, khoảng 4.000 km đường quốc lộ, 4 cảng hàng không, 13 cảng biển, 11 cụm cảng hành khách và 13 cụm cảng hàng hóa đường thủy nội địa.

Tuy nhiên, theo Báo cáo Kinh tế thường niên Đồng bằng sông Cửu Long qua các năm đã chỉ ra rằng, việc thiếu đầu tư và kém hiệu quả là một nguyên nhân then chốt dẫn đến vòng xoáy đi xuống, làm cho ĐBSCL ngày chậm phát triển so các vùng khác. Mặc dù Chính phủ và các địa phương đã tăng cường đầu tư về cơ sở hạ tầng cho ĐBSCL, nhưng tỷ lệ giải ngân còn thấp chưa đạt kế hoạch đề ra. Trong khi đó, việc thu hút nguồn vốn ngoài ngân sách và FDI còn nhiều hạn chế.

Ông Nguyễn Khánh Tùng dẫn số liệu thống kê vùng giai đoạn 2014-2023, cho thấy chỉ có tỉnh Long An là địa phương có cơ hội tốt nhất để thu hút các nguồn vốn này, đặc biệt là nguồn vốn ngoài ngân sách (11,42%), nguồn vốn FDI (30,94%), kế đến là tỉnh Tiền Giang, Kiên Giang; còn các địa phương còn lại gặp nhiều hạn chế, tỷ lệ bình quân thu hút các nguồn vốn dưới 10%.

“Riêng TP Cần Thơ còn phụ thuộc lớn vào nguồn bố trí từ ngân sách Trung ương, bình quân giai đoạn 10 năm là 13,86%, còn lại nguồn vốn từ ngoài ngân sách và FDI tại TP Cần Thơ rất khiêm tốn. Từ phân tích trên cho thấy, Đồng bằng sông Cửu Long đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nếu tiếp tục thiếu hụt nguồn vốn đầu tư và năng lực khai thác”, Viện trưởng Viện Kinh tế, xã hội TP Cần Thơ nêu.

Tại buổi tọa đàm, các giải pháp để tăng thu hút vốn đầu tư cho cũng đã được đưa ra.

Ông Trần Văn Tươi, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Long An - địa phương được nhắc đến là nơi thu hút đầu tư tốt nhất vùng hiện nay, chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn. Ông Tươi cho rằng ngoài việc đa dạng các hoạt động xúc tiến đầu tư, cần chú trọng việc xúc tiến qua "chăm sóc khách hàng" là nhà đầu tư tại chỗ.

Theo Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Long An, bên cạnh địa phương đầu tư hạ tầng kết nối với hạ tầng quốc gia là điều kiện cần, thì ngoài việc xúc tiến đầu tư hiệu quả, còn phải luôn duy trì đối thoại, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tạo niềm tin cho doanh nghiệp.

Theo Báo cáo Kinh tế thường niên ĐBSCL năm 2023, có 6 nhóm nguyên nhân trực tiếp dẫn đến các thách thức hiện nay ở ĐBSCL, bao gồm: (i) điều kiện tự nhiên; (ii) công nghệ; (iii) vốn nhân lực; (iv) kết cấu hạ tầng; (v) môi trường đầu tư – kinh doanh; và (vi) cơ chế quản trị – hợp tác – liên kết vùng. Các nguyên nhân trực tiếp này lại là kết quả của nhiều thể chế, chính sách, và các quá trình kinh tế đan xen được tạo thành từ những nguyên nhân thể chế có tính nền tảng. Các nút thắt thể chế đang làm cản trở phát triển kinh tế vùng trong hiện tại và nếu không được điều chỉnh, cả trong dài hạn thì Vùng sẽ khó phát triển nhanh và bền vững.

An Định