Lực đẩy thị trường chứng khoán
Thông tư 68/2024/TT-BTC vừa được Bộ Tài chính ban hành, sẽ gỡ nút thắt liên quan đến việc nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài.
Theo đó, các tổ chức nước ngoài có thể giao dịch mua cổ phiếu mà không yêu cầu có đủ tiền.
Thông tư này sẽ tạo lực đẩy mới cho thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam, nhưng thị trường cũng khó tăng mạnh.
Tác động từ bão Yagi
Trước đó, chỉ số chứng khoán toàn cầu phục hồi mạnh mẽ trên 3% nhờ lực đẩy từ TTCK Mỹ và Châu Âu. Điều này được thúc đẩy bởi các NĐT kỳ vọng FED sẽ theo chân Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cắt giảm lãi suất, bởi trước đó ECB đã tiếp tục giảm lãi suất cơ bản đồng euro lần thứ 2 trong năm nay.
Trong khi đó, TTCK trong nước khá ảm đạm, giao dịch chậm, cùng với đó thanh khoản cạn kiệt xuống mức thấp nhất kể từ đầu năm nay. Thống kê từ sàn HSX cho thấy, trong phiên giao dịch ngày 12/9, giá trị giao dịch khớp lệnh chỉ đạt 9.200 tỷ đồng, giảm 50% so với bình quân trước đó. Chỉ số VN-Index có thời điểm chạm xuống mốc 1.238 điểm trước khi hồi phục. Các nhóm cổ phiếu từ VN30, Midcap và Smallcap cũng đều suy giảm liên tiếp trong thời gian dài. Điều đó khiến các NĐT cảm thấy khó có thể kiếm lời từ thị trường, đồng thời họ cũng bắt đầu cảm nhận sự khó khăn của các doanh nghiệp nên lựa chọn đứng ngoài.
Tuy nhiên, khi mọi thứ đang ngổn ngang thì xuất hiện cơn bão Yagi cũng như hậu quả mà cơn bão này để lại. Bão Yagi ảnh hưởng khá rộng khi có tới 26 tỉnh, thành phố phía Bắc chịu tác động của cơn bão này. Theo một số tính toán, tác động của cơn bão này có thể khiến tăng trưởng GDP quý III/2024 của Việt Nam có thể giảm 0,35% và GDP quý IV/2024 có thể giảm 0,22% so với kịch bản không có bão.
Cơn bão này đã khiến nhiều doanh nghiệp, người dân chịu tổn thất lớn về tài sản. Ngành bảo hiểm đã lên con số ước tính sẽ phải chi trả lên đến 7.000 tỷ đồng và đang tiếp tục cùng phía mua bảo hiểm lên con số chính xác. Do đó, số tiền bảo hiểm có lẽ còn cao hơn thế. Do chủ yếu thiệt hại về tài sản, nên việc bồi thường này sẽ phần lớn đến từ các công ty bảo hiểm phi nhân thọ và phía nhà tái bảo hiểm. Số tiền này chắc chắn sẽ khiến các doanh nghiệp bảo hiểm có thể lỗ nặng trong năm tài chính 2024, thậm chí kéo sang cả năm 2025.
Thế nhưng, điều lạ là giá các cổ phiếu ngành bảo hiểm hầu như không mấy suy giảm trong những ngày qua. Theo góc độ đầu tư, vùng giá này là không hợp lý, và NĐT cần xem xét lại, không chỉ với những doanh nghiệp bảo hiểm mà còn cả những doanh nghiệp bị tác động trực tiếp và gián tiếp.
“Cú hích” mới
TTCK Việt Nam bất ngờ hồi phục mạnh trong 2 phiên giao dịch ngày 17 và 18/9, kéo chỉ số VN-Index tăng mạnh trở lại vùng 1.280 điểm do các NĐT kỳ vọng Thông tư sửa đổi 4 thông tư liên quan đến nhà đầu tư tổ chức nước ngoài có thể giao dịch mua cổ phiếu mà không yêu cầu có đủ tiền (Non Pre-funding) và lộ trình công bố thông tin bằng tiếng Anh.
Đúng như kỳ vọng của các NĐT, Bộ Tài chính vừa chính thức ban hành Thông tư 68/2024/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều của các thông tư quy định về giao dịch chứng khoán trên hệ thống giao dịch chứng khoán; bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán; hoạt động của công ty chứng khoán và công bố thông tin trên thị trường chứng khoán. Đây là thông tư được trông đợi nhiều tháng nay do trực tiếp gỡ vướng nút thắt liên quan đến việc nhà đầu tư tổ chức nước ngoài có thể giao dịch mua cổ phiếu mà không yêu cầu có đủ tiền.
Đây sẽ là một “cú hích” mới giúp TTCK Việt Nam đáp ứng các yêu cầu nâng hạng lên thị trường mới nổi của FTSE Russell. SSI duy trì kịch bản Việt Nam sẽ được nâng hạng trong kỳ đánh giá tháng 9/2025. Với việc nâng hạng lên thị trường mới nổi, theo ước tính sơ bộ từ SSI, dòng vốn từ các quỹ ETFs có thể lên đến 1,7 tỷ USD, chưa tính đến dòng vốn từ các quỹ chủ động (FTSE Russell ước tính tổng tài sản từ các quỹ chủ động gấp 5 lần so với các quỹ ETF). Các cổ phiếu hưởng lợi gồm: VNM, VHM, VIC, HPG, VCB, SSI, MSN, VND, DGC, VRE, VCI.
Hai kịch bản thị trường
Chốt phiên giao dịch 18/9, chỉ số VN-Index đóng cửa tại mốc 1.264,9 điểm, tăng 0,47%, nhưng thấp hơn khá nhiều so với mức cao nhất 1.271,7 điểm. Áp lực bán gia tăng đẩy đà tăng của thị trường xuống nhưng lực cầu cũng không gia tăng mạnh. Thị trường giữ được sắc xanh không thể không nhắc đến nhóm ngân hàng với các cổ phiếu VCB, BID, CTG… với đóng góp lớn lên tới 5,86 điểm. Số mã tăng không áp đảo so với mã giảm, trong khi thanh khoản được cải thiện mạnh nhưng không đáng kể. Điều này chắc chắn sẽ tạo ra áp lực tăng giá trong những phiên sắp tới.
Nếu như không có dòng vốn đầu tư từ các NĐT ngoại, các cổ phiếu sẽ khó duy trì được đà tăng giá như 2 phiên vừa qua. Trong bối cảnh Thông tư 68/2024/TT-BTC vừa được Bộ Tài chính ban hành, cộng thêm việc FED giảm tới 0,5% lãi suất thì trong ngắn hạn VN-Index chỉ có thể chạm hoặc vượt 1.280 điểm, nhưng sau đó thị trường sẽ điều chỉnh. Ở kịch bản không tích cực hơn thì VN-Index sẽ quay lại mốc 1.250 điểm, thậm chí thủng cả mốc này.