Xung đột thương mại Mỹ - Trung đe dọa ngành ô tô toàn cầu
Nếu Mỹ ban lệnh cấm thiết bị điều khiển xe hơi được sản xuất bởi Trung Quốc, có thể tạo ra bước ngoặt lịch sử với ngành ô tô toàn cầu.
Một vài nguồn tin thân cận Nhà trắng tiết lộ, Bộ Thương mại Mỹ dự kiến sẽ đề xuất cấm phần mềm và phần cứng của Trung Quốc trong các phương tiện kết nối và tự hành trên đường bộ tại Mỹ do lo ngại về an ninh quốc gia.
Các nhà lập pháp Mỹ lo ngại về việc các công ty Trung Quốc thu thập dữ liệu về người lái xe và cơ sở hạ tầng của Mỹ cũng như khả năng nước ngoài thao túng các phương tiện được kết nối với internet và hệ thống định vị.
Động thái này là sự leo thang đáng kể khiến quan hệ kinh tế, thương mại giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới trở nên tồi tệ. Trước đó, Tổng thống Biden đã ấn định mức tăng thuế quan đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, bao gồm thuế 100% đối với xe điện cũng như mức tăng mới đối với pin EV và các khoáng sản quan trọng.
Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo bày tỏ lo ngại: “Bạn có thể tưởng tượng ra hậu quả thảm khốc nhất về mặt lý thuyết nếu bạn có một vài triệu ô tô trên đường và phần mềm điều khiển chúng bị kiểm soát bởi nước ngoài”.
Lệnh cấm phần mềm nói trên sẽ được thực hiện thí điểm vào năm 2027, cấm phần cứng có hiệu lực sớm nhất vào năm 2029. Điều này lập tức ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất của rất nhiều công ty trong ngành.
Một nhóm các tập đoàn hàng đầu bao gồm General Motors, Toyota Motor, Volkswagen và Hyundai quan ngại, hệ thống của họ trải qua các quy trình kỹ thuật, thử nghiệm và xác thực trước khi sản xuất rộng rãi, không thể dễ dàng hoán đổi với các hệ thống hoặc thành phần từ một nhà cung cấp khác.
Những công ty này thực sự phải lo lắng, bởi Trung Quốc là nhà cung cấp thiết bị module điều khiển xe hơi lớn nhất thế giới. Nói cách khác, hầu hết bộ điều khiển hiện nay đều được đặt hàng sản xuất tại Trung Quốc. Đột ngột thay đổi nhà cung cấp khác là không thể.
Tuy nhiên, nghịch cảnh này cũng là động lực thúc đẩy các công ty cung ứng rời khỏi Trung Quốc, chuyển đến các quốc gia có quan hệ chính trị, ngoại giao thân thiện với Mỹ.
Như vậy, không gian xung đột công nghệ, thương mại, kinh tế Mỹ - Trung mở rộng nhanh chóng trong vài năm gần đây, đến mức không thể hòa hoãn, cho dù vẫn tồn tại một số nỗ lực gần như cuối cùng của hai bên nhằm kiểm soát mâu thuẫn.
Ấn Độ, với tiềm lực kinh tế, công nghệ đang lớn lên nhanh chóng sẽ là ứng cử viên sáng giá nhất thay thế Trung Quốc - sản xuất nhiều chủng loại hàng hóa đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe theo luật pháp thương mại Mỹ.
Điều này đồng thời mang đến cơ hội cho chính các công ty Mỹ và đồng minh trong cùng lĩnh vực sản xuất. Hiện tương phân cực tiêu chuẩn công nghệ đang là xu hướng không thể cưỡng lại.