Thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số
Xác định phát triển doanh nghiệp công nghệ số là nhiệm vụ trọng tâm trong chính sách phát triển kinh tế số, xã hội số.
Thời gian qua, tỉnh Thái Bình đã đẩy mạnh thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư, nhiều địa phương đã đề ra các giải pháp, định hướng nhằm thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số trên địa bàn.
Nhiệm vụ trọng tâm
Thái Bình xác định phát triển doanh nghiệp công nghệ số là nhiệm vụ trọng tâm trong chính sách phát triển kinh tế số, xã hội số. Đẩy mạnh thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư, ưu tiên những nhà đầu tư chiến lược, trọng điểm, tập trung đầu tư phát triển, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông phù hợp với xu hướng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 gắn với xây dựng chính quyền số, thành phố thông minh.
Phát triển doanh nghiệp công nghệ số trên địa bàn tỉnh trở thành một trong những ngành kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh và bền vững, góp phần thúc đẩy phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số tại tỉnh Thái Bình. Doanh nghiệp công nghệ số cần đi đầu, tạo đột phá, phấn đấu từng bước làm chủ công nghệ, chủ động thiết kế, chế tạo các sản phẩm chủ động trong sáng tạo các dịch vụ, giải pháp mô hình kinh doanh mới.
Là một trong những doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài, được xây dựng trên diện tích hơn 5ha, gồm 5 nhà xưởng, 24 dây chuyền hoạt động hết công suất, thời gian qua, Công ty TNHH Plummy Garment Việt Nam đã mạnh dạn đầu tư hệ thống máy móc hiện đại như máy lập trình, máy trải vải, máy dập sơ đồ.
Trong đó, triển khai ứng dụng các giải pháp số hóa trong hoạt động quản trị doanh nghiệp như hệ thống chấm công tự động; ứng dụng các phần mềm kế toán, quản lý kho hàng, thực hiện giao dịch thương mại điện tử, ký kết đơn hàng trực tuyến với khách hàng, liên kết với các đơn vị cung cấp dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt…, qua đó từng bước nâng cao số lượng, chất lượng sản phẩm, đáp ứng các đơn hàng.
Ông Nguyễn Quang Trung - Chủ tịch Công đoàn Công ty cho biết: Việc chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh đã góp phần giảm chi phí, công sức cho người lao động, tăng giá trị sản phẩm và tạo được sức hút với khách hàng. Cùng với đó, với vị trí địa lý thuận lợi cộng thêm nguồn lao động dồi dào đã giúp Công ty có doanh thu năm sau luôn cao hơn năm trước. Hiện đơn hàng đã được ký kết đến hết năm 2024.
Từ khi đi vào hoạt động đến nay, trung bình mỗi tháng Công ty TNHH Plummy Garment Việt Nam sản xuất gần 100.000 sản phẩm quần, áo xuất đi các nước châu Âu, châu Mỹ…, tạo việc làm ổn định cho 1.200 lao động.
Theo ông Trung, nhờ có máy móc tự động hóa sản xuất, chúng tôi giảm được tỷ lệ sản phẩm lỗi nên năng suất lao động cao hơn và thu nhập cũng tăng lên, vì thế chúng tôi yên tâm, gắn bó với Công ty.
Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, thương mại điện tử, bán buôn, bán lẻ… là những ngành nghề có sức cạnh tranh cao và việc chuyển đổi số hiệu quả không những giúp doanh nghiệp cải thiện về mặt kinh doanh mà còn góp phần tối ưu hóa các nguồn lực, giảm nhiều chi phí khác.
Bắt nhịp xu thế
Ông Hoàng Ngọc Thảo - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp huyện Hưng Hà cho biết: Toàn huyện hiện có trên 500 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh và hoạt động, tạo việc làm cho khoảng 20.500 lao động. Các doanh nghiệp đã sử dụng nền tảng số trong quản lý, điều hành, sản xuất, kinh doanh, 100% doanh nghiệp thực hiện kê khai thuế và nộp thuế điện tử. Việc chuyển đổi số trong công tác quản lý doanh nghiệp và trong sản xuất đang góp phần phát triển kinh tế địa phương.
Chuyển đổi số đang trở thành xu hướng tất yếu và là động lực quan trọng để phát triển kinh tế trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, chính vì vậy chúng tôi tích cực tuyên truyền, vận động doanh nghiệp đẩy mạnh đầu tư trang thiết bị hiện đại vào sản xuất. Mở rộng thị trường bằng việc không ngừng cập nhật sản phẩm và mở kênh bán hàng mới trên các nền tảng như facebook, zalo và các sàn thương mại điện tử; tổ chức hỗ trợ xúc tiến thương mại và doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh…
Ngoài ra, chúng tôi thường xuyên mở các lớp tập huấn nâng cao kiến thức giúp cán bộ quản lý doanh nghiệp hiểu rõ hơn về lộ trình chuyển đổi số, cải cách hành chính trong doanh nghiệp, giúp các doanh nghiệp tiếp cận chuyển đổi số thuận lợi.
Ông Hoàng Văn Thụ -Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Hưng Hà: Địa phương đặt mục tiêu đến năm 2025 tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%. Tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hợp đồng điện tử đạt trên 80%. Tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số đạt trên 50%...
Để đạt được mục tiêu đó, huyện đang tập trung thúc đẩy phát triển kinh tế số với trọng tâm là phát triển doanh nghiệp số, thương mại điện tử và sản xuất thông minh; tiếp tục triển khai việc sử dụng hóa đơn điện tử và thuế điện tử tới các doanh nghiệp. Tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy các doanh nghiệp viễn thông triển khai nền tảng thanh toán trực tuyến, di động phục vụ người dân.
Cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số cải cách hành chính công, chỉ số năng lực cạnh tranh, tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp khởi nghiệp. Khuyến khích các HTX DVNN đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất, đưa các sản phẩm đặc trưng của địa phương lên sàn thương mại điện tử cho người dân và các hộ sản xuất, kinh doanh cá thể.
Theo lãnh đạo UBND tỉnh: Thái Bình sẽ tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp công nghệ số ứng dụng thành quả của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào sản xuất, kinh doanh; thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ số được hưởng các chính sách ưu đãi theo quy định của pháp luật; củng cố nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, năng lực và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp công nghệ số trong tất cả các ngành, nghề, lĩnh vực. Hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận mạng lưới chuyên gia, các nhà tư vấn, các nền tảng số để thúc đẩy chuyển đổi số.
Tỉnh cũng định hướng, hỗ trợ cho doanh nghiệp công nghệ số trên địa bàn tỉnh đổi mới, chủ động sử dụng giải pháp nền tảng công nghệ số, cung cấp giải pháp công nghệ số phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Khuyến khích các doanh nghiệp công nghệ thông tin - điện tử đã có thương hiệu chuyển chiến lược sản xuất - kinh doanh sang nghiên cứu, phát triển, làm chủ công nghệ số và chủ động trong sản xuất sản phẩm công nghệ số.
Phát triển nền tảng công nghệ số dùng chung để thúc đẩy ứng dụng công nghệ số, thúc đẩy phát triển sản phẩm số trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Tổ chức diễn đàn về phát triển doanh nghiệp công nghệ số tại tỉnh Thái Bình kêu gọi các doanh nghiệp số trong và ngoài nước tham gia nhằm mục đích thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số trên địa bàn tỉnh.