Bà Kamala Harris sẽ ứng xử thế nào với Đông Nam Á nếu thắng cử?
Nếu thắng cử, bà Kamala Harris có thể sẽ đưa ra một cam kết mạnh mẽ hơn với Đông Nam Á, nhưng vẫn còn nhiều lo ngại về việc điều hướng các vấn đề thương mại.
Kể từ khi Phó Tổng thống Kamala Harris chính thức trở thành ứng cử viên Tổng thống của Đảng Dân chủ, các nhà phân tích đã đưa ra nhiều suy đoán về chính sách đối ngoại và các cam kết quốc tế của Hoa Kỳ dưới thời bà Kamala Harris.
Điều đặc biệt đáng quan tâm là chính quyền của bà Harris có thể thay đổi gì trong chính sách với Đông Nam Á, một khu vực mà Mỹ đang cạnh tranh giành ảnh hưởng với Trung Quốc.
Bà Kamala Harris được cho là không có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực đối ngoại, tuy nhiên bà đã nâng cao uy tín của mình trong nhiệm kỳ Phó Tổng thống với sự giúp đỡ của hai phụ tá của bà gồm Cố vấn an ninh quốc gia Philip Gordon và Phó Cố vấn an ninh quốc gia Rebecca Lissner.
Mặc dù cả ông Gordon và bà Lissner đều không phải là những người có chuyên môn sâu về khu vực châu Á nhưng cả hai đều thúc đẩy bà Harris đảm nhận vai trò lãnh đạo trong việc thực hiện chính sách châu Á và cam kết ngoại giao của chính quyền Biden với các nước Đông Nam Á.
Kết quả là, bà Harris đã giữ vai trò trung tâm trong việc thúc đẩy sự tham gia của Nhà Trắng với Đông Nam Á. Bà đã đi đến năm quốc gia gồm Singapore, Việt Nam, Thái Lan, Philippines và Indonesia trong ba chuyến công du, cũng như tham dự vào các diễn đàn của khu vực. Điều này góp phần thể hiện cam kết sâu sắc đối với Đông Nam Á hơn bất kỳ Phó tổng thống Mỹ nào khác trong lịch sử hiện đại.
Trong khi hầu hết các nhà phân tích kỳ vọng bà Harris sẽ tiếp tục con đường của mình, ban hành các chính sách và bổ nhiệm những người phù hợp với cách tiếp cận hiện tại của chính quyền Tổng thống Biden, thì bản thân bà Harris đang lên kế hoạch cải tổ lớn nhóm chính sách đối ngoại cốt lõi nếu bà giành chiến thắng vào tháng 11.
Vào tháng 7, tờ The Wall Street Journal đưa tin rằng bà Harris có khả năng sẽ loại bỏ các thành viên chủ chốt trong đội ngũ của ông Biden, bao gồm Bộ trưởng Ngoại giao Antony Blinken, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin và Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan.
Động thái này làm dấy lên câu hỏi về việc liệu các quan chức an ninh quốc gia cấp cao tập trung vào châu Á có giữ nguyên các chức vụ hiện tại của họ hay không. Đáng chú ý là Tiến sĩ Kurt Campbell, Thứ trưởng ngoại giao Mỹ hiện tại, người có vai trò chủ chốt của chiến lược "xoay trục sang châu Á" của chính quyền cựu Tổng thống Obama và là người dẫn đầu chính sách châu Á của chính quyền Tổng thống Biden.
Kể từ năm 2021, ông Campbell đã được lưỡng đảng đánh giá cao về cách quản lý chính sách Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của chính quyền ông Biden và đạt được nhiều thành tựu quan trọng, bao gồm thỏa thuận tàu ngầm hạt nhân AUKUS với Australia. Điều này trái ngược với cách xử lý các chính sách đối ngoại ở các khu vực khác trên thế giới, đặc biệt là ở Trung Đông và Châu Âu.
Mặt khác, trong suốt nhiệm kỳ Phó tổng thống, bà Harris đã cố gắng thực hiện cam kết của mình đối với khu vực. Trong số ít các vấn đề quốc tế mà bà đảm nhiệm, việc bà tiếp xúc với các nhà lãnh đạo Đông Nam Á có thể được coi là thành công nhất.
Mặc dù một số người cho rằng bà Harris không đủ khả năng thay thế ông Biden, đặc biệt là tại các diễn đàn đa phương như Hội nghị thượng đỉnh Đông Á, nhưng sự quen thuộc và quan tâm của bà Harris đối với khu vực này có thể mang đến cơ hội.
Về mặt chính sách, khi so sánh với thời cựu Tổng thống Donald Trump, quan hệ giữa Mỹ với Đông Nam Á đã được cải thiện đáng kể dưới thời chính quyền ông Biden, với những thành tựu lớn bao gồm việc khôi phục một thỏa thuận quốc phòng quan trọng với Philippines, nâng cấp quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với Việt Nam và Ban thư ký ASEAN tại Jakarta, và Hội nghị thượng đỉnh Mỹ Kỳ-ASEAN đầu tiên được tổ chức tại Nhà Trắng với sự tham gia của hầu hết các nhà lãnh đạo Đông Nam Á.
Tuy nhiên, bất chấp những thành tựu này, một vấn đề gây khó chịu lớn vẫn tiếp diễn trong quan hệ giữa Mỹ và Đông Nam Á vẫn là sự thiếu cam kết của Mỹ trong lĩnh vực kinh tế, thương mại.
Vào năm 2022, chính quyền Tổng thống Biden đã nỗ lực giải quyết vấn đề này bằng cách đưa ra Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vì sự thịnh vượng (IPEF) gồm 14 quốc gia, trong đó có 7 quốc gia thành viên ASEAN.
Tuy nhiên, không giống như một hiệp định thương mại tự do (FTA) truyền thống, IPEF không bao gồm các điều khoản tiếp cận thị trường, khiến nhiều quốc gia ASEAN đang tìm kiếm quyền tiếp cận ưu đãi vào thị trường Mỹ gặp khó khăn.
Hơn nữa, bản thân IPEF được đưa ra như một giải pháp tạm thời, có nghĩa là bất kỳ cuộc đàm phán nào cũng có thể dễ dàng bị hủy bỏ nếu Đảng Cộng hòa giành lại quyền kiểm soát Nhà Trắng trong cuộc bầu cử sắp tới.
Theo Sam Baron, nghiên cứu viên chính sách tại Hội đồng Nghiên cứu Châu Á - Thái Bình Dương Yokosuka (YCAPS), lập trường của bà Harris về chính sách thương mại vẫn chưa rõ ràng, nhưng vẫn khó có khả năng bà sẽ đưa Mỹ trở lại Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Mặt khác, đội ngũ của bà Harris gần như chắc chắn sẽ hoàn tất các cuộc đàm phán về IPEF, duy trì đà phát triển của các thỏa thuận về các vấn đề bao gồm khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng, chống tham nhũng...
Chuyên gia này nhận định, vẫn còn nhiều câu hỏi về cách bà Harris sẽ sửa đổi IPEF và tiếp cận thương mại với khu vực nói chung. Trên thực tế, bà Harris cũng từng chỉ ra rằng các FTA đã không giải quyết thỏa đáng vấn đề biến đổi khí hậu và tăng cường bảo vệ lao động. Điều này về cơ bản phù hợp với cách tiếp cận "lấy người lao động làm trung tâm" đối với thương mại được Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai áp dụng.
Ông Baron nhận định, chính quyền của bà Harris có khả năng sẽ chú ý nhiều hơn đến Đông Nam Á và sẵn sàng tham gia vào một khu vực mà bà rất quen thuộc. Nhưng bà Harris khó có thể làm chệch hướng các chính sách ngoại giao của Tổng thống Biden và có thể phải đối mặt với nhiều thách thức tương tự, đặc biệt là khi nói đến chính sách thương mại.