Doanh nghiệp

Doanh nghiệp Thái Bình lấy trí, tài "vượt" thiên tai

Minh Huệ 23/09/2024 03:02

Sau nhiều ngày tập trung khắc phục hậu quả bão số 3, đến nay, 100% các doanh nghiệp tại Thái Bình đã ổn định sản xuất.

Chủ động khắc phục

Bão số 3 đã đi qua nhưng để lại những thiệt hại nặng nề về tài sản đối với rất nhiều doanh nghiệp. Bằng tinh thần vượt khó, tự lực cánh sinh, không trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Bình đã chủ động khắc phục khó khăn, sớm đưa nhà máy, xí nghiệp trở lại hoạt động.

1.jpg
Công ty Cổ phần Kỹ thương Thiên Hoàng đã đưa xưởng sản xuất bị thiệt hại vào sản xuất bình thường trở lại (Ảnh Báo Thái Bình)

Đại diện Nhà máy gạch men Mikado - Công ty Cổ phần Kỹ thương Thiên Hoàng ở KCN Tiền Hải cho biết: Nhà máy đã bị tốc mái với tổng diện tích hơn 10.000m2. Gió và mưa bão tràn vào nhà kho, xưởng sản xuất làm hư hỏng nhiều thiết bị và nguyên liệu sản xuất, ước tính thiệt hại hàng chục tỷ đồng.

Không riêng Mikado, hầu hết các doanh nghiệp trong KCN Tiền Hải ở nơi giáp biển đều bị bão làm hư hại nhà xưởng và hàng vạn cây xanh bị quật đổ ngổn ngang không chỉ làm thiệt hại tài sản mà còn gây cản trở công tác ứng cứu, khắc phục sau bão.

Ngay sau khi bão đi qua, với tinh thần tự lực tự cường, các doanh nghiệp đã nhanh chóng bắt tay vào khắc phục hậu quả của thiên tai. Ông Lê Tuấn Thiên, Bí thư Đảng ủy Công ty Cổ phần Sản xuất hàng thể thao Tân Đệ cho biết: Trước bão, Công ty đã chi gần 1 tỷ đồng mua bổ sung vật tư, phương tiện gia cố nhà xưởng, bảo vệ hàng hóa, máy móc thiết bị và chằng chống hệ thống cây xanh.

Ông Mai Văn Long - Giám đốc Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 cho biết: Ngay sau bão tan, cùng với việc duy trì vận hành sản xuất, nhà máy huy động nhân lực, vật tư tổ chức chống dựng lại và có biện pháp chăm sóc phục hồi cây xanh, đồng thời tổ chức tổng vệ sinh môi trường.

Ông Đỗ Văn Vẻ, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh thông tin cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp Thái Bình có truyền thống đoàn kết, tự lực tự cường, năng động, sáng tạo vươn lên trong gian khó. Trước, trong và sau bão số 3, có rất nhiều doanh nghiệp đã hỗ trợ nhau trong công tác chuẩn bị ứng phó thiên tai, bảo vệ tính mạng con người, tài sản và chia sẻ khó khăn, cùng nhau sớm ổn định sản xuất.

Tiêu biểu như Công ty Cổ phần Green i-Park nhường nhà công vụ, văn phòng làm nơi sơ tán, trú ẩn an toàn cho gần 100 công nhân các doanh nghiệp đang thi công xây dựng công trình, dự án trong KCN Liên Hà Thái. Công ty cũng hỗ trợ đệm, chăn, nước uống, mì tôm cho các công nhân trong thời gian lưu trú tránh bão. Công ty Cổ phần Phát triển đầu tư và xây lắp Tiến Thịnh, Công ty TNHH Minh Danh huy động công nhân, máy móc, thiết bị hỗ trợ một số doanh nghiệp dựng lại cây lớn bị đổ, sửa chữa nhà xưởng kết cấu thép giúp các đơn vị nhanh chóng trở lại sản xuất, kinh doanh.

Động viên tinh thần

Ông Nguyễn Quang Hưng - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh đã đi kiểm tra tình hình thiệt hại và động viên tại Công ty Cổ phần Đô Lương và Công ty Cổ phần Bao bì 3D (cụm công nghiệp Đô Lương, huyện Đông Hưng) và Công ty TNHH SRS Chi nhánh Thái Bình (cụm công nghiệp Quý Ninh, huyện Quỳnh Phụ).

Bão số 3 đã gây thiệt hại lớn cho nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Trong đó, tại Công ty Cổ phần Đô Lương và Công ty Cổ phần Bao bì 3D bị tốc 2 mái nhà xưởng sản xuất với diện tích hàng nghìn mét vuông, hư hỏng nhiều máy móc, nguyên liệu sản xuất và sản phẩm thành phẩm. Công ty TNHH SRS Chi nhánh Thái Bình, bão số 3 đã làm một số mái tôn nhà xưởng sản xuất bị bay, thủng.

2(1).jpg
Các doanh nghiệp đã ổn định sản xuất (Ảnh Báo Thái Bình)

Được biết, tại cụm công nghiệp Quý Ninh có hàng trăm cây xanh trên các tuyến đường trong cụm công nghiệp bị gãy... Sau bão số 3, các doanh nghiệp và chủ đầu tư cụm công nghiệp đã tích cực khắc phục hậu quả để ổn định sản xuất trở lại.

Theo ông Nguyễn Quang Hưng - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Thái Bình, công tác phòng, chống của các doanh nghiệp giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do bão số 3 gây ra. Đặc biệt không để xảy ra thiệt hại về người, chủ động tổ chức sản xuất ngay sau khi bão tan.

Ông Hưng, đề nghị các đơn vị khẩn trương khắc phục hậu quả sau bão, thu dọn vệ sinh môi trường bảo đảm cảnh quan nhà máy, kịp thời thăm hỏi, động viên, ổn định tình hình công nhân, tổ chức phân công lao động, chủ động nguồn nguyên vật liệu vận hành ổn định sản xuất kinh doanh.

Các doanh nghiệp cần rút kinh nghiệm từ bão số 3 để rà soát lại các phương án, bổ sung gia cố lại văn phòng, nhà xưởng ứng phó tốt hơn nữa với bão lũ và thiên tai; chủ động lường đón trước các tình huống, ảnh hưởng khi xảy ra thiên tai trong thời gian tới; cần chú trọng các phương án bảo đảm an toàn tính mạng con người, ứng cứu kịp thời hiệu quả với các tình huống, sự cố có thể xảy ra; trước mắt phải tập trung chỉ đạo, điều hành hiệu quả các hoạt động sản xuất kinh doanh.

Ông Đỗ Văn Vẻ - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh cho biết, với truyền thống bất khuất, kiên cường của đất và người Thái Bình, cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh đã mạnh mẽ đứng lên sau thiệt hại của bão tố, không trông chờ sự hỗ trợ, ỷ nại vào cơ quan chức năng, chủ động tự khắc phục để nhanh chóng trở lại hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Mỗi doanh nghiệp đều có tâm niệm, lấy trí, tài vượt thiên tai, bảo vệ việc làm cho người lao động và duy trì sự phát triển của doanh nghiệp trong những hoàn cảnh khó khăn – đó cũng là nét đẹp văn hóa doanh nhân Thái Bình.

Minh Huệ