Chính sách - Quy hoạch

TP HCM dùng bảng giá đất cũ, gỡ vướng hơn 8.800 hồ sơ tồn đọng

Diệu Hoa 23/09/2024 03:02

TP HCM vừa có văn bản cho phép sử dụng bảng giá đất hiện hành để tính thuế trong lúc chờ ban hành bảng giá đất mới, gỡ vướng cho hơn 8.800 hồ sơ đang tồn đọng.

170736-203dat.jpeg
TP HCM tiếp tục dùng bảng giá đất cũ để giải quyết thủ tục hồ sơ nghĩa vụ tài chính đất đai.

Tiếp tục dùng bảng giá đất cũ

Văn bản nêu rõ, triển khai, thực hiện ý kiến thống nhất tại cuộc họp Ban Cán sự Đảng UBND TP HCM vào ngày 21/9, UBND TP HCM đồng ý trong thời gian chưa ban hành bảng giá đất mới, UBND TP HCM chấp thuận việc sử dụng bảng giá đất được ban hành theo Luật Đất đai năm 2013 (nhân với hệ số điều chỉnh giá đất theo Quyết định 56/2023) như đã thực hiện trước ngày 1/8 để giải quyết nghĩa vụ tài chính, thuế về đất đai trong giai đoạn từ ngày 1/8 cho đến khi ban hành bảng giá đất mới.

UBND TP HCM giao Cục Thuế theo chức năng, nhiệm vụ khẩn trương, phối hợp Sở TN&MT, Sở Tài chính và các đơn vị liên quan triển khai thực hiện giải quyết các hồ sơ đất đai tồn đọng phát sinh từ ngày 1/8. Từ đó tính thu nghĩa vụ tài chính, thuế và các quy định pháp luật khác có liên quan (tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuế thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng bất động sản và các khoản thu từ đất).

Theo đó, sau hơn 1,5 tháng kể từ khi dự thảo bảng giá đất mới được công bố với nhiều ý kiến trái chiều, 8.800 hồ sơ tồn đọng trong thời gian qua đã có phương án giải quyết.

Để tìm phương án tính đúng, tính đủ cho bảng giá đất điều chỉnh tại TP HCM, ngày 10/9, Bộ TNMT đã tổ chức cuộc họp để lấy ý kiến các bên liên quan để thống nhất phương án giải quyết và báo cáo Thủ tướng Chính phủ việc xử lý vướng mắc của UBND TP HCM về áp dụng bảng giá đất theo Luật Đất đai 2024.

Cục Thuế TP HCM cũng đã ba lần gửi văn bản kiến nghị lên UBND TP đề xuất giải pháp nhằm tháo gỡ những vướng mắc. Gần nhất hôm 16/9, Cục Thuế đã có kiến nghị khẩn đến UBND TP về việc tổ chức cuộc họp để giải quyết hồ sơ đất đai từ ngày 1/8.

Xem xét lại phương pháp định giá

Nêu quan điểm về việc TP HCM đang xây dựng bảng giá đất mới, ông Đào Trung Chính, Cục trưởng Cục Quy hoạch và Phát triển Tài nguyên đất cho biết, hiện không chỉ TP HCM mà một số địa phương khác cũng tiến hành điều chỉnh bảng giá đất trên địa bàn.

Nguyên nhân được lãnh đạo Cục Quy hoạch và Phát triển Tài nguyên đất chỉ ra là do bảng giá đất được áp dụng hiện nay là đang thực hiện theo Luật Đất đai 2013, có yêu cầu là nằm trong khung giá đất của Chính phủ quy định, đồng thời cũng quy định khi có biến động thì phải điều chỉnh theo giá đất thị trường với biên độ 20%, trong thời hạn 6 tháng. Theo yêu cầu này thì các địa phương phải điều chỉnh theo.

Theo ông Chính, về nguyên tắc các địa phương áp dụng bảng giá đất nếu chưa phù hợp thì phải điều chỉnh để cho phù hợp với các mục tiêu quản lý đất đai của Nhà nước trên địa bàn. Đồng thời, việc điều chỉnh phải đảm bảo hài hoà giữa thu tiền sử dụng đất, tiền thuế đất với việc Nhà nước bồi thường cho các đối tượng sử dụng đất khi nhà nước thu hồi đất để phục vụ các nhiệm vụ chung theo quy định.

photo1613956066743-1613956067193934726168.jpeg
Phương pháp áp dụng để tính giá đất tại TP HCM chưa hợp lý.

Tuy vậy, các phương pháp áp dụng để tính giá đất tại TP HCM được giới chuyên gia nhận định chưa hợp lý. Theo bà Đỗ Thị Thu Giang, Giám đốc Dịch vụ Tư vấn Savills TP HCM, các phương pháp được áp dụng để xác định giá đất vẫn chưa đồng bộ và còn đơn giản. Tại một số khu vực có giá trị cao, phương pháp xây dựng bảng giá đất dường như chỉ là nhân hệ số cố định cho tất cả các tuyến đường.

Ví dụ, tại Quận 1, hệ số nhân 5.0 được áp dụng đồng loạt cho tất cả các vị trí và tuyến đường. Kết quả là, đường Đồng Khởi được đề xuất với giá 810 triệu đồng/m2 (so với 162 triệu đồng/m2 hiện tại), và đường Hai Bà Trưng (đoạn từ Bến Bạch Đằng đến Nguyễn Thị Minh Khai) là 484 triệu đồng/m2 (so với 96,8 triệu đồng/m2 hiện tại). Tương tự, Quận 4 có hệ số nhân 11.3 và Quận 5 là 5.58.

“Cách tiếp cận này thực chất không khác gì việc áp dụng bảng giá cũ và nhân với hệ số K, do đó chưa thực sự phản ánh giá trị thị trường của từng tuyến đường như tinh thần của Luật Đất đai”, bà Giang nói.

Còn theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA, nên dùng phương thức tính bảng giá đất điều chỉnh bằng cách lấy giá bồi thường thực tế tại các tuyến đường đã được UBND TP phê duyệt làm chuẩn và áp dụng phương pháp so sánh để xác định giá đất của các tuyến đường lân cận trong cùng khu vực, hoặc giữa các khu vực trên địa bàn từng quận, huyện, TP Thủ Đức.

Diệu Hoa