Đề xuất quy định mới về quản lý xe hợp đồng
Chuyên gia cho rằng, đưa xe hợp đồng vào khuôn khổ pháp lý nhưng cần tạo điều kiện để ngành vận tải phát triển theo hướng ngày một nâng cao chất lượng dịch vụ.
Theo đó, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đang lấy ý kiến về dự thảo Nghị định quy định về hoạt động vận tải đường bộ. Trong đó, Bộ GTVT đề xuất sửa một số quy định về quản lý xe hợp đồng nhằm phù hợp với Luật Đường bộ. Theo dự thảo, trường hợp đơn vị kinh doanh vận tải sử dụng ô tô chở người từ 8 chỗ trở lên (không kể chỗ của người lái xe) phải có hợp đồng vận tải bằng văn bản giữa đơn vị kinh doanh với người thuê cả chuyến xe, bao gồm cả người lái xe.
Trường hợp đơn vị vận tải sử dụng xe dưới 8 chỗ (không kể chỗ của người lái xe) sẽ không cần thực hiện quy định trên; tức loại xe này sẽ được gom các khách lẻ, khách ghép. Các xe này phải có phù hiệu “Xe hợp đồng" và được dán cố định phía bên phải mặt trong kính trước của xe; phải được niêm yết các thông tin khác trên xe.
Dự thảo yêu cầu 2 trường hợp đều phải tuân thủ quy định về việc phải có phù hiệu "xe hợp đồng", phải ký hợp đồng trước khi thực hiện chuyến đi, và chỉ được đón, trả khách theo đúng địa điểm trong hợp đồng vận chuyển đã ký kết.
Ngoài ra, Bộ GTVT đề xuất trong nội dung hợp đồng phải đơn vị kinh doanh phải thể hiện được: Thời gian bắt đầu thực hiện (ngày, giờ) và kết thúc hợp đồng; địa chỉ điểm đầu, điểm cuối và các điểm đón, trả khách (hoặc xếp, dỡ hàng hóa) trên hành trình vận chuyển; cự ly của hành trình vận chuyển (km); số lượng khách (hoặc khối lượng hàng hóa)…
Dự thảo tiếp tục yêu cầu các xe hợp đồng không được gom khách, đón khách ngoài danh sách đính kèm theo hợp đồng; không được xác nhận đặt chỗ cho từng hành khách đi xe, không được bán vé hoặc thu tiền đối với từng hành khách dưới mọi hình thức.
Các xe hợp đồng không được đón, trả khách thường xuyên lặp đi lặp lại hàng ngày tại trụ sở chính, trụ sở chi nhánh, văn phòng đại diện hoặc tại một địa điểm cố định khác do đơn vị kinh doanh vận tải thuê, hợp tác kinh doanh. Đây được xem là cơ sở, căn cứ xử lý vi phạm với các xe hợp đồng trên 8 chỗ nhưng trá hình tuyến cố định, đang diễn ra tràn lan hiện nay.
Trao đổi xung quanh nội dung này, một số ý kiến cho biết với số lượng xe hợp đồng chiếm đến gần 70% tổng số xe khách, loại hình vận tải này đang đóng vai trò rất lớn trong vận chuyển, luân chuyển hành khách, được nhiều người dân lựa chọn sử dụng. Tuy nhiên, hiện nay còn nhiều tranh cãi về khái niệm, quy định hoạt động của loại xe này dẫn đến lượng lớn xe hợp đồng đang được gọi bằng những cái tên như: xe trá hình tuyến cố định, xe hợp đồng trá hình.
Chia sẻ từ góc độ doanh nghiệp vận tải, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, trong kinh tế thị trường, người sử dụng dịch vụ sẽ là người quyết định xu thế phát triển của các loại hình dịch vụ. Do đó, dễ hiểu vì sao loại hình dịch vụ xe hợp đồng phát triển rất mạnh trong thời gian ngắn, đó là nhờ sự đón nhận rộng rãi của người sử dụng dịch vụ.
“Tính bình đẳng trong cạnh tranh giữa kinh doanh vận tải khách theo tuyến cố định và kinh doanh theo tuyến xe hợp đồng chưa được định danh rõ. Trong khi quản lý tuyến cố định quá chặt thì quản lý với xe hợp đồng còn quá lỏng lẻo, chưa thực sự bình đẳng. Ngoài ra, một số người cũng lo ngại liệu những người hoạt động theo xe hợp đồng đã đóng thuế như thế nào”, ông Nguyễn Văn Quyền cho biết thêm.
Vì vậy, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam đề xuất, nên đưa loại hình kinh doanh này vào khuôn khổ pháp lý để quản lý, tạo điều kiện cho ngành vận tải phát triển theo hướng ngày một nâng cao chất lượng dịch vụ.
Đồng quan điểm, chuyên gia giao thông Khương Kim Tạo cũng cho rằng, với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, không khó để quản lý loại hình phương tiện này: "Tiêu chí số 1 là an toàn phải đảm bảo, số 2 là thu thuế, số 3 là chất lượng dịch vụ, giá cả. Xe nào tham gia hoạt động phải đăng ký, lắp thiết bị giám sát hành trình. Như vậy, mọi di chuyển đều có thể kiểm soát", vị chuyên gia nhấn mạnh.