Nuôi biển bền vững với công nghệ số
Sau bão số 3 Yagi, việc nuôi biển bằng vật liệu bền vững và tích hợp công nghệ hiện đại, định vị số sẽ là giải pháp lâu dài để phục hồi và tái đầu tư bền vững.
Bà Nguyễn Hải Bình – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn STP cho biết khi chia sẻ cùng Diễn đàn Doanh nghiệp.
- Bão số 3 Yagi vừa đổ bộ vào nước ta đã ảnh hưởng như thế nào đến vùng nuôi trồng thuỷ sản của STP tại Vân Đồn, Quảng Ninh thưa bà?
Sau bão Yagi, vùng thuỷ sản tại Vân Đồn của chúng tôi bị ảnh hưởng rất nặng nề. Toàn bộ con giống và những nghiên cứu của rong, cá mà chúng tôi đã, đang cùng với một số đơn vị, tổ chức thực hiện đề tài mất hết. Trong đó, có sản phẩm rong rất quý hiếm mà chúng tôi đã nghiên cứu được trồng tại miền Bắc và đang nuôi dưỡng ở khu ươm.
Trong cơn bão vừa qua, dù tài sản bị hư hỏng, cá, rong, và hàu đã mất, nhưng may mắn với chúng tôi là hạ tầng cứng vẫn còn cơ bản. Mặc dù lồng cá có bị sóng cuốn ra xa bờ biển, nhưng nhờ định vị và sử dụng các phương án cứu trợ kịp thời, hệ thống lồng HDPE nuôi trồng thủy hải sản của chúng tôi vẫn còn nguyên vẹn. Sau cơn bão, chúng tôi đã tìm lại được gần như 90% thiết bị lồng nuôi, ngôi nhà trên biển cũng như các thiết bị định vị đặt ở bên trong đó.
- Xin bà chia sẻ phía doanh nghiệp đã có những giải pháp gì để khắc phục hậu quả sau cơn bão cũng như đồng hành cùng các hộ nuôi biển tiếp tục gắn bó với nghề này?
Đối với chúng tôi và bà con nuôi biển, cơn bão vừa qua đã gây ra thiệt hại rất nặng nề. Sau cơn bão, theo tôi cần có một kịch bản để làm sao bà con quay trở lại đầu tư vào nghề nuôi trồng này mà yêu biển và sẵn sàng gắn bó thêm nữa.
Với STP, sau 5 ngày khi cơn bão đi qua, chúng tôi đã thu lại được toàn bộ tài sản bị hư hại và trôi nổi trên biển về một điểm tập kết. Chúng tôi sẽ mất khoảng tầm 2 tháng để sửa chữa, khắc phục và làm lại.
Bên cạnh đó, chúng tôi đã có một kịch bản và đang chờ đợi các địa phương như: Quảng Ninh, Hải Phòng, đặc biệt là chờ đợi các bộ, ngành, nhất là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có sự hỗ trợ. Nếu được, chúng tôi sẽ cùng chung tay bằng một giải pháp kinh tế để hỗ trợ bà con khắc phục sau bão. Bắt đầu từ ngày 10/9, chúng tôi đã xây dựng một kịch bản tài chính cho việc bán hệ lồng nổi, giàn nổi, đặc biệt là phao nổi bằng vật liệu HDPE cho bà con trả góp tại Quảng Ninh, Hải Phòng để nhằm mục đích khôi phục, khắc phục hậu quả và tái lại nghề nuôi một cách hiệu quả.
- Qua cơn siêu Yagi vừa rồi, bà đánh giá như thế nào về việc ứng dụng vật liệu HDPE và công nghệ thông tin trong nghề nuôi biển Việt Nam?
Chúng tôi cũng như một số cá nhân, doanh nghiệp khác đang nuôi biển đã mất rất nhiều lưới và loài nuôi nhưng tài sản là lồng HDPE vẫn còn nguyên vẹn. Qua đó, vật liệu HDPE một lần nữa được chứng minh tại Việt Nam là một vật liệu chắc chắn với thời gian.
Thực tế, trước cơn bão, chúng ta chưa nhìn nhận được giá trị hiện tại của công nghệ. Nhưng qua cơn bão, chúng tôi cũng xác định được rằng, những bà con dùng vật liệu là gỗ, tre, đặc biệt là những bà con vẫn dùng những hệ thống xốp thì thiệt hại rất lớn. Còn với những bà con sử dụng lồng bè bằng HDPE dù có thiệt hại nhưng việc đầu tư cho một hệ lồng nuôi bền vững là HDPE thì chắc chắn giá trị còn lại sẽ nhiều hơn và cao hơn.
Ngoài ra, chúng tôi cũng nhận thấy, khi cơn bão qua 2 ngày, nếu chúng tôi cứ lang thang tìm trên biển bằng phương thức thủ công thì không thể tìm được những lồng nuôi. Nhưng từ các thiết bị định vị đã gắn vào lồng, khi hệ thống internet, băng chuyền nối lại, chúng tôi đã xác định được các vị trí lồng nuôi của mình một cách nhanh chóng. Chúng tôi cũng đã sử dụng thuyền HDPE để đi vào những đường nhỏ, ngõ nhỏ vận chuyển vật liệu bị trôi nổi.
- Phía doanh nghiệp có đề xuất gì với các bộ, ngành, địa phương liên quan trong việc hỗ trợ doanh nghiệp nói riêng và các hộ nuôi biển nói chung khắc phục hậu quả sau bão, ổn định hoạt động kinh doanh, thưa bà?
Sau cơn bão, chúng tôi nhận thấy, mình cần phải có trách nhiệm chia sẻ ngay những đề xuất, kiến nghị với bộ, ngành và với các địa phương về một số giải pháp. Trong đó, phải tiếp tục công tác tuyên truyền, chia sẻ về việc tái đầu tư sao cho thật bền vững. Đó là các hộ nuôi biển cần thiết kế và đầu tư những lồng nuôi bằng vật liệu bền vững, ứng dụng công nghệ AI, kỹ thuật số và có thiết bị định vị để khi có mất mát, chúng ta vẫn tìm kiếm được. Đặc biệt, hướng đến hoạt động kinh doanh chuỗi để có thể xuất khẩu.
Bên cạnh đó, về phía chính quyền địa phương cũng như với ngành nuôi trồng thuỷ sản, tôi mong rằng, chúng ta hãy tìm ra một giải pháp chung cho các mô hình ở mức độ quy mô gồm: Quy mô hộ nông dân, quy mô hợp tác xã và quy mô doanh nghiệp. Qua đó, xây dựng được một công thức chung để hỗ trợ kịp thời cho bà con sau thiệt hại của cơn bão số 3.
Chúng tôi cũng rất mong bên cạnh hỗ trợ trực tiếp ngay lúc này, các địa phương cũng cần cân nhắc hỗ trợ lâu dài về mặt chính sách, cơ chế. Trong đó, đề nghị các ngân hàng, tổ chức tài chính rà soát, tổng hợp thiệt hại của khách hàng, kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng như: tạo điều kiện cho khách hàng trả chậm, trả góp hay được được vay vốn với lãi suất ưu đãi để khôi phục hoạt động, yên tâm bám biển và tập trung nuôi biển bền vững.
- Trân trọng cảm ơn bà!