Nghệ An: Không để xảy ra “khan hàng, sốt giá” mùa mưa bão
Nhận thức sâu sắc về những tác động tiêu cực mà mưa bão gây ra, Nghệ An đã chủ động ứng phó, không để xảy ra tình trạng “khan hàng, sốt giá”.
Hiện, các phương án điều tiết hàng hóa được địa phương và doanh nghiệp triển khai đồng bộ, kịp thời. Nhất là đối với các mặt hàng thiết yếu được phân nhỏ dự trữ ở các kho khác nhau, gia cố đảm bảo an toàn, chống ngập lụt nhằm giảm hạn chế tối đa thiệt hại.
Sẵn sàng ứng phó với mưa bão
Mùa mưa bão luôn là khoảng thời gian đầy thách thức đối với đời sống người dân ở khu vực miền Trung, đặc biệt là tại tỉnh Nghệ An. Đối mặt với những hiểm họa nảy sinh từ mưa bão như ngập lụt, sạt lở đất,… các ngành chức năng và doanh nghiệp, nhà phân phối trên địa bàn đã nhanh chóng đưa ra các kế hoạch điều tiết hàng hóa, tăng cường dự trữ những mặt hàng thiết yếu. Các đơn vị bán lẻ, siêu thị và trung tâm thương mại đều chủ động xây dựng nguồn cung, phân phối hàng hóa tới từng khu vực, đảm bảo đáp ứng đầy đủ nhu cầu của người dân.
Trao đổi với PV Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Cao Minh Tú – Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Nghệ An cho biết: Ngoài việc tiếp tục thực hiện các nội dung chỉ đạo trước đó về việc chủ động triển khai công tác bảo đảm dự trữ hàng hóa, nhu yếu phâm phục vụ nhu cầu của nhân dân ứng phó bão số 3, mới đây, Sở Công Thương đã tiếp tục ban hành Công văn số 2240/SCT-QLTM ngày 18/9/2024, đề nghị các địa phương cấp huyện và siêu thị, trung tâm thương mại, doanh nghiệp kinh doanh, phân phối hàng hóa trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện công tác dự trữ hàng hóa ứng phó với mưa lớn, nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập cục bộ.
Cụ thể, Sở đã đề nghị UBND các huyện, thành, thị trên địa bàn tỉnh tiến hành rà soát các khu vực có thể chia cắt do mưa, lũ, xác định các vùng trọng yếu có nguy cơ xảy ra thiên tai để có phương án cụ thể đảm bảo cung ứng hàng hóa thiết yếu khi cần thiết. Chỉ đạo các đơn vị, cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thiết yếu, các siêu thị, trung tâm thương mại… cung cấp kịp thời hàng hóa, ổn giá cả góp phần bình ổn thị trường, phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trên địa bàn. Đồng thời, chủ động kiểm tra, triển khai công tác đảm bảo kho hàng, hàng hóa dự trữ; lực lượng phương tiện phục vụ ứng cứu kịp thời cho địa bàn khi bị chia cắt hoặc ảnh hưởng nặng nề do thiên tai.
“Đối với các siêu thị, trung tâm thương mại, doanh nghiệp kinh doanh, phân phối hàng hóa trên địa bàn, chúng tôi đề nghị phải chủ động rà soát, xây dựng phương án đảm bảo an toàn, phòng chống ngập toàn bộ hệ thống kho chứa hàng hóa, phương tiện vận tải, các thiết bị… để kịp thời sửa chữa, bảo đảm yêu cầu bảo quản, lưu trữ hàng hóa phục vụ nhân dân trên địa bàn, giảm thiểu những thiệt hại về người và tài sản khi có thiên tai, bão lũ xảy ra. Trong đó, đặc biệt ưu tiên khu vực vùng trũng, thấp dễ bị chia cắt, đảm bảo không để tình trạng khan hiếm hàng hóa xảy ra trong mưa lũ.
Chủ động xây dựng kế hoạch tăng nguồn hàng dự trữ trong các kho, tại các đại lý, các cửa hàng bán lẻ ở trung tâm các huyện và các cụm xã vùng sâu, vùng xa, các khu vực dễ bị chia cắt nhằm không để xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân; đặc biệt là các huyện hay xảy ra sạt lở, tắc đường trong mùa mưa lũ” – ông Cao Minh Tú nhấn mạnh.
Đảm bảo nguồn cung hàng hóa
Trước đó, theo thông tin từ Cục Thống kê tỉnh Nghệ An đưa ra, tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 8 năm 2024 trên địa bàn Nghệ An ước đạt 11.777,9 tỷ đồng, giảm 6,09% so với tháng trước, tăng 11,42% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 8 tháng năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng ước đạt 100.380,1 tỷ đồng, tăng 31,43% so với cùng kỳ năm trước.
Bước sang tháng 9, thời điểm mà Nghệ An bị ảnh hưởng mưa bão, tuy nhiên thị trường tiêu dùng hàng hóa, nhất là hàng hóa thiết yếu trên địa bàn vẫn duy trì được sự ổn định. Điều này cho thấy sự vào cuộc quyết liệt, kịp thời của các cơ quan quản lý Nhà nước trong lĩnh vực thương mại tỉnh Nghệ An khi đã lường trước những tác động tiêu cực có thể nảy sinh trong thời điểm mưa bão; qua đó, góp phần giữ vững ổn định thị trường, đảm bảo cân đối cung cầu.
Bên cạnh đó, không thể không nhắc tới các doanh nghiệp phân phối như Công ty CP Vilaconic, Công ty CP Lương thực Thanh Nghệ Tĩnh, Công ty TNHH Nông sản Thực phẩm Nghệ An, Công ty TNHH TM Nam Long và hệ thống các siêu thị: Go! Vinh, MM Mega Market, Winmart,... cùng nhiều cửa hàng tiện ích, trung tâm thương mại, đơn vị phân phối, bán lẻ và đặc biệt là các chợ trên địa bàn tỉnh trước đó cũng đã chủ động nghiên cứu thị trường, xây dựng kế hoạch sản xuất, dự trữ hàng hóa hợp lý, triển khai đảm bảo nguồn hàng hóa phục vụ nhu cầu người dân, không để xảy ra tình trạng “khan hàng, sốt giá” trong mùa mưa bão.
Trao đổi với PV Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Nguyễn Hữu Duyên – Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Vilaconic cho hay: Trước những diễn biến phức tạp do mưa bão gây ra, chúng tôi đã chủ động tăng cường năng lực sản xuất, đảm bảo cung ứng đủ và kịp thời nguồn hàng phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân. Đồng thời, tiến hành rà soát, tăng cường điều phối nguồn cung, tập trung phương tiện và nhân lực để vận chuyển hàng hóa trong hệ thống của mình.
“Đặc biệt, là đơn vị sản xuất, kinh doanh gạo, Công ty CP Vilaconic đã chủ động tăng lượng dự trữ, lên phương án và triển khai công tác đảm bảo an toàn cho kho hàng, không để xảy ra bất cứ thiệt hại về tài sản” – ông Duyên cho biết thêm.
Cũng theo ông Cao Minh Tú – Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Nghệ An thông tin: Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục chỉ đạo các doanh nghiệp trên địa bàn tập trung đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, chủ động nghiên cứu thị trường, xây dựng kế hoạch sản xuất, dự trữ hàng hóa, mở rộng mạng lưới phân phối hàng hóa nhằm tăng khả năng tiếp cận cho các đối tượng người dân chịu ảnh hưởng của bão, lũ và vùng nông thôn, miền núi với giá cả hợp lý, chất lượng đảm bảo.
Đồng thời, yêu cầu các đơn vị kinh doanh xăng dầu trên địa bàn dự trữ đầy đủ, chủ động có phương án bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường, không găm hàng, bán hàng đúng giá niêm yết, mở cửa hàng theo đúng thời gian đăng ký, góp phần bình ổn thị trường xăng dầu trên địa bàn để đảm bảo cung cấp nhiên liệu phục vụ sản xuất, kinh doanh, lưu thông, vận chuyển hàng hóa cho các địa phương chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi bão, lũ…