Hỗ trợ doanh nghiệp sau bão lũ: Cần giải pháp đồng bộ
Để hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế sau ảnh hưởng của bão lũ, theo chuyên gia, cần giải pháp đồng bộ...
Theo số liệu thống kê, thiệt hại đối với nền kinh tế sau cơn bão số 3 (Yagi) là trên 50.000 tỷ đồng, dự báo làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế 0,15%. Trong đó, cộng đồng doanh nghiệp là đối tượng gánh chịu nhiều thiệt hại nặng nề.
Thực tế, thống kê chưa đầy đủ của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, dư nợ của các tổ chức tín dụng bị ảnh hưởng do bão lũ, sạt lở là khoảng 100.000 tỷ đồng.
Còn theo Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến ngày 18/9, bão số 3 đã làm 22.514 con gia súc, 3.097.000 con gia cầm bị chết. Trong đó, 5 tỉnh bị thiệt hại lớn nhất là Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội, Thái Nguyên, Yên Bái.
Ngoài chăn nuôi, theo báo cáo sơ bộ của địa phương các tỉnh phía Bắc từ Quảng Ninh đến Nghệ An, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản bị vỡ bờ bao, ngập lụt và ước thiệt hại khoảng 23.595ha. Trong đó, diện tích nuôi tôm nước lợ thiệt hại 8.104,14ha, thuỷ sản nước ngọt bị ảnh hưởng do ngập lụt 14.241ha; diện tích nuôi nhuyễn thể và thủy sản khác là 4.070,20ha; số lồng bè bị thiệt hại khoảng 4.592 ô lồng. Ước thiệt hại về nuôi trồng thủy sản do bão số 3 và mưa lũ sau bão khoảng hơn 2.500 tỷ đồng.
Trước thực tế đã nêu, để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, tái sản xuất, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, không ít ý kiến cho rằng, cần đồng bộ các giải pháp. Trong đó, cần tạo điều kiện thuận lợi về lưu thông hàng hóa, giảm bớt thủ tục hành chính, không để đứt gãy chuỗi cung ứng, gián đoạn các đơn hàng sản xuất; các ngân hàng cần hỗ trợ doanh nghiệp bằng việc giãn hoãn các khoản vay trước đó, đồng thời, có chính sách giảm lãi suất phù hợp; cơ quan thuế có thể xem xét miễn giảm, giãn hoãn một số loại thuế, phí.
Theo TS Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, 2 chính sách quan trọng như ở thời dịch COVID-19 có thể triển khai được ngay. Thứ nhất là chính sách tiền tệ liên quan đến khoanh nợ, hỗ trợ cho vay và giảm lãi suất. Thứ hai là chính sách tài khóa liên quan đến miễn, giảm, hoãn các loại thuế, phí.
“Các chính sách hỗ trợ phải được tính toán làm thế nào để nhanh hơn và hiệu quả hơn”, vị chuyên gia này nhấn mạnh.
Còn theo chuyên gia kinh tế - TS Nguyễn Trí Hiếu, trận bão vừa qua đã gây ra những thiệt hại lớn cho các tỉnh miền Bắc, ảnh hưởng tới hạ tầng cầu đường, các cơ sở sản xuất kinh doanh, ảnh hưởng nghiêm trọng tới các diện tích lúa, hoa màu… do đó, không chỉ doanh nghiệp mà cả nền kinh tế đều cần nỗ lực.
Trong đó, một nhiệm vụ cấp thiết là hỗ trợ sự phục hồi hoàn toàn của khu vực kinh tế tư nhân, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa thông qua việc tiếp tục cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, giảm chi phí cho doanh nghiệp, tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng với lãi suất hợp lý…
Xoay quanh vấn đề đã nêu, trước những thiết hại nặng nề của cộng đồng doanh nghiệp do ảnh hưởng tiêu cực của bão Yagi, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ một số giải pháp, cụ thể như: Đối với các ngành, lĩnh vực, địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất từ bão Yagi, gồm tàu cá khai thác thuỷ hải sản, tàu du lịch, lồng bè nuôi trồng thuỷ hải sản trên mặt biển, sông, suối, ao hồ. Hỗ trợ thiệt hại thực tế đối với lồng bè nuôi trồng thuỷ hải sản theo Nghị định 02/2017/NĐ-CP, đề nghị cân nhắc tăng mức tiền hỗ trợ và áp dụng cho cả các doanh nghiệp nuôi trồng thuỷ hải sản;
Hỗ trợ thiệt hại thực tế đối với tàu cá, tàu du lịch. Biện pháp hỗ trợ: theo định mức. UBND cấp xã cùng chủ tàu thống kê thiệt hại; Miễn tiền thuê mặt nước cho các cơ sở nuôi trồng thuỷ hải sản đến hết năm 2025; Miễn các loại phí và lệ phí có liên quan như lệ phí ra vào cảng biển, cảng bến thuỷ nội địa, phí sử dụng vị trí neo đậu trong khoảng 6 tháng đến 1 năm.
Cùng với đó, VCCI cũng kiến nghị Nhà nước hỗ trợ 50 - 70% chi phí mua bảo hiểm cho các loại tàu cá, tàu du lịch đến hết năm 2025; Đồng thời, cân nhắc việc miễn hoặc giảm 50% số thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân phải nộp đối với đối tượng này trong khoảng 4 tháng đến 6 tháng; Cân nhắc việc giảm các khoản nộp cho bảo hiểm xã hội trong khoảng 4 đến 6 tháng; Cân nhắc miễn phần kinh phí công đoàn nộp lên cấp trên cơ sở trong khoảng 4 tháng đến 6 tháng.
Được biết, để hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục hậu quả của bão số 3, Thủ tướng Chính phủ - Phạm Minh Chính mới đây cũng đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước, hệ thống ngân hàng nghiên cứu chính sách giãn, hoãn, khoanh nợ, chính sách tín chấp, gói lãi suất 0 đồng... Bộ Tài chính nghiên cứu giảm, giãn, hoãn thuế, phí, lệ phí.