Pháp đình

Từ vụ án Vạn Thịnh Phát: Cơ quan chức năng kiến nghị gì?

Khôi Nguyên 24/09/2024 00:06

Từ vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Cơ quan điều tra Bộ Công an đã kiến nghị 6 vấn đề cấp thiết về “lỗ hổng” quản lý và những “kẽ hở” của pháp luật...

Như Diễn đàn Doanh nghiệp đã thông tin, vụ án Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2 được TAND Thành phố Hồ Chí Minh xét xử công khai từ ngày 19/9 – 19/10/2024. Trong thông báo gửi tới các bị hại mới đây, TAND Thành phố Hồ Chí Minh cho biết sẽ xử vắng mặt gần 36.000 bị hại.

Theo cáo buộc của giai đoạn 2 của vụ án, bị cáo Trương Mỹ Lan và 33 bị cáo bị truy tố với 3 tội danh khác nhau, gồm: lừa đảo chiếm đoạt tài sản, rửa tiền và vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới. Trong đó, cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát Trương Mỹ Lan bị truy tố về cả 3 tội danh nêu trên.

Cụ thể, bà Trương Mỹ Lan và đồng phạm phát hành 25 gói trái phiếu khống, không có tài sản đảm bảo, hiện mất khả năng thanh toán. Tổng trị giá các gói trái phiếu là hơn 30.869 tỉ đồng, đến nay, còn dư nợ hơn 30.081 tỉ đồng của hơn 35.000 nhà đầu tư; bị cáo Lan rửa tiền với tổng số hơn 445.000 tỉ đồng; vận chuyển tiền tệ trái phép qua biên giới tổng số tiền 4,5 tỉ USD (tương đương hơn 106.000 tỉ đồng).

Đáng chú ý, tính đến tháng 10/2022 (khi vụ án khởi tố), Tập đoàn Vạn Thịnh Phát có tới 1.460 công ty (gồm 46 công ty nước ngoài) và gần 1.800 người để đứng tên doanh nghiệp, đứng tên các khoản vay. Cơ quan chức năng cho biết đa số các công ty “ma” này trở thành phương tiện để phục vụ hành vi phạm tội của Trương Mỹ Lan và đồng phạm trong một thời gian rất dài.

tu-vu-an-van-thinh-phat-co-quan-chuc-nang-kien-nghi-gi-1.jpg
Bí cáo Trương Mỹ Lan tại phiên tòa sáng 23/9.

Nhận thấy vụ án đã để lại những hậu quả nặng nề bởi lỗ hổng quản lý và những kẽ hở của pháp luật. Do đó, Cơ quan điều tra Bộ Công an khi kết thúc điều tra vụ án đã kiến nghị 6 vấn đề cấp thiết.

Thứ nhất, ngoài 37 bị can bị khởi tố, 34 bị cáo đang bị đưa ra xét xử, còn có một số cá nhân có hành vi vi phạm liên quan ở các mức độ khác nhau, có cá nhân hoặc hành vi không cấu thành tội phạm hoặc chưa đủ căn cứ xem xét trách nhiệm hình sự hoặc chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc miễn trách nhiệm hình sự. Căn cứ tính chất, mức độ của hành vi sai phạm; đường lối chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước; CQĐT kết luận và có văn bản kiến nghị các cơ quan chủ quản xử lý nghiêm theo các quy định của Đảng và chính quyền.

Thứ hai, kiến nghị Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán và các cơ quan có thẩm quyền tham mưu sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật liên quan đến phát hành trái phiếu doanh nghiệp, từ đó, đảm bảo chặt chẽ về các điều kiện phát hành trái phiếu, có biện pháp kiểm tra, giám sát việc sử dụng nguồn vốn huy động và nguồn lực đảm bảo nghĩa vụ thanh toán của các tổ chức phát hành.

Thứ ba, kiến nghị Ngân hàng Nhà nước, Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng và các cơ quan có thẩm quyền tham mưu sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật trong lĩnh vực chuyển tiền quốc tế, đảm bảo chặt chẽ về các điều kiện chuyển tiền, có biện pháp kiểm tra, giám sát các tổ chức tín dụng thực hiện chức năng chuyển tiền quốc tế.

Thứ tư, kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các cơ quan có thẩm quyền tham mưu sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật đảm bảo chặt chẽ về các điều kiện thành lập doanh nghiệp. Đồng thời, bổ sung các biện pháp kiểm soát việc thành lập, quản lý doanh nghiệp, không để hiện tượng thành lập doanh nghiệp tràn lan nhưng không hoạt động thực tế, tạo điều kiện cho các đối tượng lợi dụng phục vụ cho các hoạt động phạm tội.

Thứ năm, kiến nghị đối với các Công ty thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát còn dư nợ trái phiếu có tài sản đảm bảo phối hợp với Công ty Chứng khoán TVSI và SCB khẩn trương xây dựng giải pháp kinh tế tối ưu để đảm bảo nghĩa vụ thanh toán cho các nhà đầu tư; đề nghị Ủy ban chứng khoán và Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) có biện pháp giám sát việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của các bên trong việc trả nợ trái phiếu.

Thứ sáu, từ nguyên nhân và điều kiện dẫn đến các hành vi phạm tội của các bị can trong vụ án; từ các các sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý Nhà nước và tại các văn bản quy phạm pháp luật liên quan; Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an sẽ có các kiến nghị gửi các Cơ quan quản lý Nhà nước có liên quan khắc phục và kiến nghị bổ sung, sửa đổi quy định của pháp luật phù hợp.

tu-vu-an-van-thinh-phat-co-quan-chuc-nang-kien-nghi-gi-2.png
Các bị cáo tại phiên toà ngày 22/9

Trước đó, hồi tháng 4/2024, TAND TPHCM đã xét xử sơ thẩm vụ án Trương Mỹ Lan và đồng phạm giai đoạn 1, tuyên bị cáo Lan tử hình vì chiếm đoạt của Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) hơn 677.000 tỉ đồng. Đáng chú ý, tại phiên toà này, Ngoài mức án và trách nhiệm dân sự, HĐXX cũng đã kiến nghị một số vấn đề liên quan đến vụ án, cụ thể:

Thứ nhất, thông qua việc xét xử vụ án, HĐXX nhận thấy việc các bị cáo lợi dụng chính sách thông thoáng để xin giấy phép, lập doanh nghiệp không kinh doanh, trốn thuế, đứng tên vốn góp chồng chéo, cho mượn giấy tờ để lập công ty… khiến cơ quan chức năng khó phát hiện sai phạm.

Có thể thấy việc thành lập doanh nghiệp quá dễ dàng và là thủ đoạn các kẻ xấu thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. HĐXX kiến nghị Chính phủ, Bộ kế hoạch đầu tư và các cơ quan ban ngành liên quan tăng cường quản lý việc đăng ký thành lập doanh nghiệp, kiểm tra đầu vào và hậu kiểm tránh việc kẻ xấu lợi dụng, thành lập doanh nghiệp với mục đích trái pháp luật.

Thứ hai, liên quan công ty kiểm toán, có trường hợp một số ngân hàng trong đó có Ngân hàng SCB đều thuê công ty kiểm toán lớn nhưng không phát hiện bất thường, sai phạm nào. Ví dụ như tại SCB, trước thời điểm khởi tố không phát hiện ra sai phạm nào, nhưng khi SCB bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt thì phát hiện âm vốn chủ sở hữu, lỗ lũy kế…

HĐXX kiến nghị tăng cường vai trò quản lý Nhà nước trong công tác kiểm toán tại các ngân hàng để đảm bảo minh bạch tài chính. HĐXX đề nghị Cục C03 - Bộ Công an và VKSND Tối cao, trong giai đoạn 2 của vụ án cần làm rõ vai trò các công ty kiểm toán tại SCB và đơn vị kiểm toán có liên quan, nếu có căn cứ thì xử lý theo quy định.

Thứ ba, theo trợ lý của Trương Mỹ Lan là Bùi Văn Dũng, Trần Thị Thúy Ái và Trần Thị Hoàng Uyên về việc chuyển số tiền 108.000 tỉ đồng và 14,7 triệu USD về Vạn Thịnh Phát hoặc về Hầm B1 - Tòa nhà Sherwood (127 Pasteur) hoặc giao cho một số cá nhân theo chỉ đạo của Trương Mỹ Lan, số tiền này không chỉ có nguồn gốc từ các khoản vay tại SCB mà còn có nguồn gốc từ việc phát hành trái phiếu.

HĐXX đề nghị C03 - Bộ Công an, VKSND Tối cao khi điều tra giai đoạn 2 của vụ án cần làm rõ 108.000 tỉ đồng và hơn 14 triệu USD này để đảm bảo thu hồi và làm rõ sai phạm liên quan nếu có.

Thứ tư, theo HĐXX, bị cáo Trương Mỹ Lan đã lấy tiền từ SCB để đầu tư, chuyển nhượng và tham gia nhiều dự án. HĐXX kiến nghị C03 - Bộ Công an tiếp tục xác minh các bất động sản, dự án của Trương Mỹ Lan hoặc của Trương Mỹ Lan hợp tác đầu tư nhưng chưa được giải quyết trong vụ án này (nếu có) để đảm bảo xử lý toàn diện vụ án.

Thứ năm, kiến nghị Cơ quan điều tra tiếp tục điều tra, truy hồi dòng tiền nhằm xác định nghĩa vụ hoàn trả tài sản (nếu có) đối với Nguyễn Phương Hồng, Nguyễn Tiến Thành và Nguyễn Ngọc Dương.

Thứ sáu, HĐXX đề nghị Cục C03 Bộ công an, VKSND Tối cao trong quá trình điều tra vụ án giai đoạn 2 tiếp tục xác minh làm rõ đối với tài sản của 05 bị cáo truy nã có liên quan đến hành vi phạm tội của bị cáo Trương Mỹ Lan để có căn cứ xem xét giải quyết trong giai đoạn 2 của vụ án.

Thứ bảy, kiến nghị cơ quan quản lý Nhà nước có giải pháp cũng như ban hành các quy định hướng dẫn chi tiết các hoạt động hợp nhất, sáp nhập, tái cơ cấu, thanh tra và giám sát đối với các tổ chức tín dụng để khắc phục, phòng ngừa vi phạm, tội phạm.

Thứ tám, kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền có quy định chi tiết các điều kiện về tài sản đảm bảo tại tổ chức tín dụng để đảm bảo các khoản vay có khả năng thu hồi.

Khôi Nguyên