Kinh tế

Một ngày có 50 triệu USD vào, ra thị trường nhưng được miễn thuế

Nguyễn Việt 23/09/2024 18:31

Bình quân một ngày có khoảng 50 triệu USD vào, ra thị trường Việt Nam, nhưng hoàn toàn miễn thuế.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế chia sẻ tại cuộc tọa đàm "Tăng cường hiệu quả quản lý thuế đối với thương mại điện tử" do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức, chiều 23/9.

toàn cảnh
Các diễn giả tham dự tọa đàm "Tăng cường hiệu quả quản lý thuế đối với thương mại điện tử". Ảnh: Nhật Bắc

Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, ngày 30/11/2010, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định 78/2010/QĐ-TTg về mức giá trị hàng hóa nhập khẩu gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh được miễn thuế.

“Đã đến thời điểm chúng ta không phải miễn thuế”

Theo đó, hàng hóa nhập khẩu gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh có giá trị từ 1 triệu đồng trở xuống được miễn thuế nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng.

“Việc Chính phủ đề nghị không thu thuế đối với những khoản thu nhỏ dưới 1 triệu đồng để giải tỏa vấn đề thông quan và kiểm tra hải quan. Nhưng với kinh tế số chỉ cần 1 giây là đã có đầy đủ thông tin, cho nên đến thời điểm này chúng ta không phải miễn”, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nói.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh dẫn chứng, hàng hóa có giá trị nhỏ di chuyển qua biên giới theo thống kê từ tháng 1 - 6/2024, mỗi tháng có từ khoảng 1,3 tỷ - 1,9 tỷ USD không phải đóng thuế.

“Bình quân, một ngày khoảng 50 triệu USD vào, ra thị trường Việt Nam, nhưng hoàn toàn miễn. Như vậy cơ chế chính sách của chúng ta đang không phù hợp”, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh.

thinh.jpg
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế. Ảnh: Nhật Bắc

Trong khi đó, Liên minh châu Âu từ tháng 1/2021 đã bỏ quy định những hàng hóa có giá trị dưới 22 euro phải đóng thuế. Hay như Anh, trước đây quy định dưới 135 bảng không phải đóng thuế, nhưng bây giờ sẽ phải đóng thuế.

Hoặc với Thái Lan, họ cũng đánh thuế đồng bộ tất cả hàng hóa ra - vào quốc gia với mức thuế suất phải chịu là 7% không kể giá trị hàng hoá đó nhỏ hay lớn.

“Như vậy, nếu mỗi ngày chúng ta có 4 - 5 triệu đơn hàng qua biên giới thì con số thất thoát rất lớn. Do đó, hoàn chỉnh các cơ chế chính sách thuế là việc cần làm ngay”, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh đề xuất.

Trao đổi về vấn đề này, bà Lại Việt Anh, Phó Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số Bộ Công Thương đánh giá bài toán về quản lý thương mại điện tử nói chung, cũng như quản lý thuế trong thương mại điện tử nói riêng rất phức tạp, vì liên quan đến nhiều bộ, ngành.

Đơn cử, liên quan đến hóa đơn là Bộ Tài chính, đối với hàng hóa giao dịch qua biên giới là Hải quan, li

bà việt anh
Bà Lại Việt Anh, Phó Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số Bộ Công Thương. Ảnh: Nhật Bắc

ên quan đến dịch vụ nội dung số là Bộ Thông tin và Truyền thông, chuyển phát liên quan đến Cục Bưu chính, khâu thanh toán liên quan đến Ngân hàng Nhà nước...

“Cho nên, mấu chốt nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong giao dịch thương mại điện tử chính là cơ chế phối hợp, sự chia sẻ thông tin giữa tất cả các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan”, bà Lại Việt Anh bày tỏ.

Vẫn theo bà Lại Việt Anh, giao dịch thương mại điện tử là một lĩnh vực không biên giới, mà hiện nay doanh nghiệp Việt Nam cũng đang cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài trên chính thị trường Việt Nam.

Do đó, chúng ta cần phải có các quy định nhằm bảo đảm sự bình đẳng đối với các nền tảng số đang cung cấp các dịch vụ cho thị trường xuyên biên giới mà không hiện diện ở Việt Nam. Việc này sẽ khuyến khích sự phát triển cho cả doanh nghiệp trong và ngoài nước.

“Có một điều mà tôi muốn nhấn mạnh đó là việc ứng dụng công nghệ trong công tác quản lý. Bởi thực tế hiện nay, có nhiều trường hợp đặt hàng không qua các sàn thương mại điện tử, mà đặt hàng qua các mạng xã hội, các nền tảng không có chức năng đặt hàng trực tuyến, đây là một thách thức rất lớn đối với công tác quản lý thuế”, bà Lại Việt Anh nhấn mạnh.

Từ đó, bà Lại Việt Anh kỳ vọng vào hệ thống công nghệ thông tin mà Bộ Thông tin và Truyền thông đang xây dựng, để từ đó có thêm một mảng dữ liệu để quản lý thuế trong lĩnh vực thương mại điện tử này.

2 cấu phần giám sát TMĐT

Nêu ý kiến về vấn đề này, ông Trần Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết vừa qua Bộ Thông tin và Truyền thông đã cập nhật khung kiến trúc của hạ tầng số, theo đó có 2 cấu phần hết sức quan trọng cho vấn đề kiểm soát việc giám sát TMĐT cũng như quản lý TMĐT tốt.

tuan.jpg
Ông Trần Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số, Bộ Thông tin và Truyền thông. Ảnh: Nhật Bắc

Thứ nhất, là hạ tầng dữ liệu. Hạ tầng dữ liệu là toàn bộ hệ thống trung tâm dữ liệu. Hiện nay chúng tôi đang phối hợp rất chặt với Bộ Công an trong xây dựng khung kiến trúc Chính phủ điện tử của Trung tâm dữ liệu quốc gia, để trong tháng 9/2024 có thể kết nối Trung tâm dữ liệu quốc gia với Trung tâm dữ liệu của các bộ ngành, địa phương.

Trên cơ sở hạ tầng dữ liệu có sẵn, chúng ta có thể triển khai các hệ thống như hệ thống tiếp nhận và tổng hợp dữ liệu phục vụ cho cơ quan quản lý nhà nước về giao dịch điện tử nói chung, TMĐT nói riêng để các nền tảng số kết nối vào và chúng ta quy định chi tiết trách nhiệm của các nền tảng số để có thể báo cáo và thu thập dữ liệu, gửi các cơ quan nhà nước.

Thứ hai, Bộ Thông tin và Truyền thông đưa thêm khái niệm là hạ tầng tiện ích số và cung cấp công nghệ dịch vụ. Tiện ích số là những tiện ích cơ bản cho hoạt động trên môi trường số như định danh số, chữ ký số, đặc biệt là thanh toán số và các dịch vụ liên quan đến thuế. Bộ Thông tin và Truyền thông coi đó là những tiện ích không thể thiếu trên môi trường mạng.

“Trên cơ sở đó, chúng ta có thể liên thông về chiều ngang, không chỉ giữa các bộ, ngành, địa phương mà sẽ tiến tới liên thông với quốc tế để có thể thu đúng, thu đủ”, ông Trần Minh Tuấn nói.

Về các vấn đề liên quan ứng dụng công nghệ thông tin, các mô hình mới, theo ông Trần Minh Tuấn Bộ Thông tin và Truyền thông đã hướng dẫn và chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông, doanh nghiệp công nghệ số lớn của Việt Nam như Vietel, VNPT, FPT, CMC ứng dụng các giải pháp tiên tiến như trí tuệ nhân tạo, blockchain, phân tích dữ liệu lớn để hỗ trợ việc giám sát và thu thuế trong TMĐT.

Các công nghệ này sẽ giúp tối ưu hóa và theo dõi các hoạt động kinh doanh, nhận diện được các giao dịch ẩn, xác định chính xác doanh thu của doanh nghiệp.

nam.jpg
TS. Trần Mạnh Nam, Giám đốc Khối Doanh nghiệp VNPAY. Ảnh: Nhật Bắc

Ở góc độ doanh nghiệp, TS. Trần Mạnh Nam, Giám đốc Khối Doanh nghiệp VNPAY cho biết VNPAY là đơn vị trung gian thanh toán và cung cấp các nền tảng thanh toán số rất đa dạng cho người dùng, đáp ứng hầu hết các nhu cầu gồm thanh toán trực tuyến trên các website điện tử, thanh toán qua thiết bị POS, thanh toán QR.

Với thiết bị POS, có các hình thức tiếp xúc và không tiếp xúc, thì hiện nay phần lớn là không tiếp xúc để đảm bảo an ninh thông tin cũng như các vấn đề an toàn dịch bệnh sau đại dịch COVID-19.

“Trong thanh toán nói chung và TMĐT nói riêng, tôi nhận thấy việc đưa ra các giải pháp thanh toán đảm bảo an toàn về an ninh thông tin của người sử dụng là yếu tố quan trọng, vì thế ngoài việc chúng tôi thường xuyên cập nhật tất cả các chứng chỉ liên quan đến thanh toán điện tử. Chúng tôi cũng thường xuyên thuê các đơn vị có thể tư vấn điện tử, đánh giá hệ thống thông tin của VNPAY”, TS. Trần Mạnh Nam chia sẻ.

Vẫn theo TS. Trần Mạnh Nam, TMĐT bao gồm vấn đề về Logistics và thanh toán. Việc phát triển của thanh toán điện tử cũng đi song hành với phát triển TMĐT. Trong 5 năm gần đây, thanh toán điện tử phát triển vượt bậc với rất nhiều các phương thức thanh toán. Người dân bây giờ có thể sử dụng thanh toán điện tử trong hầu hết các nhu cầu thanh toán của họ.

Vậy, đơn vị thụ hưởng quá trình thanh toán điện tử là ai? TS. Trần Mạnh Nam cho biết trong thương mại điện tử đó chính là những người bán hàng, từ đó cơ quan quản lý nhà nước có thể xác minh được doanh thu của người bán hàng, cơ quan thuế có thể từ doanh thu đó hình thành nên nghĩa vụ thuế của người bán hàng.

“Chúng ta nên bóc tách dòng tiền thương mại và dòng tiền phi thương mại của các chủ sở hữu, để từ đó cơ quan thuế có thể xác định được đâu là trách nhiệm thuế, đâu là nghĩa vụ thuế của các đơn vị tham gia bán hàng”, TS. Trần Mạnh Nam nói.

Nguyễn Việt