Đẩy mạnh phát triển đô thị phía Bắc Hà Nội
Hà Nội đặt ra tầm nhìn phát triển đô thị trong giai đoạn đến năm 2045, tiến tới hình thành TP phía Bắc với hạt nhân chính là quận Đông Anh.
UBND TP Hà Nội vừa trình HĐND TP xem xét, cho ý kiến đối với Chương trình phát triển đô thị TP Hà Nội giai đoạn đến năm 2035, tại kỳ họp chuyên đề (kỳ họp thứ 18) HĐND TP khóa XVI, nhiệm kỳ 2021-2026.
Theo Chương trình, Hà Nội sẽ có 16 quận, gồm 12 quận hiện có và 4 huyện Hoài Đức, Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì dự kiến thành lập quận.
Đáng chú ý, trong Chương trình, Hà Nội đặt ra tầm nhìn phát triển đô thị trong giai đoạn đến năm 2045, tiếp tục đẩy mạnh đầu tư xây dựng phát triển đô thị tại phía Bắc theo quy hoạch chung để tiến tới hình thành TP phía Bắc với hạt nhân chính là quận Đông Anh.
Đồng thời, đẩy mạnh đầu tư xây dựng phát triển đô thị tại Hòa Lạc, Xuân Mai để tiến tới hình thành TP phía Tây. Khu vực Phú Xuyên, Thường Tín cũng được đẩy mạnh đầu tư xây dựng phát triển đô thị để tiến tới hình thành TP phía Nam.
Cụ thể, đô thị trung tâm, từ vành đai sông Đáy đến khu vực phía Nam sông Hồng, có chức năng là trung tâm chính trị, hành chính, văn hóa, lịch sử, dịch vụ. Diện tích khoảng 133km2, dân số đến năm 2045 khoảng 2,81 triệu người. Với đô thị phía Đông, toàn bộ huyện Gia Lâm được quy hoạch thành khu vực phát triển đô thị. Diện tích tự nhiên của đô thị phía Đông là 176km2, dân số đến năm 2030 khoảng 0,85 triệu người.
Với đô thị phía Bắc, dự kiến trước mắt, huyện Đông Anh được nâng cấp thành quận. Khi bảo đảm các điều kiện phát triển, thành phố phía Bắc sẽ được thành lập. Khu vực này có diện tích tự nhiên hơn 632km2, dân số đến năm 2030 khoảng 1,96 triệu người, đến năm 2045 khoảng 2,7-2,9 triệu người.
Thành phố phía Tây gồm đô thị Hòa Lạc và Xuân Mai sáp nhập lại. Trong bản vẽ hiện nay mới xác định khu vực nội thành, phần ngoại thị sẽ được xác định trong giai đoạn thành lập thành phố.
Ngoài ra, Hà Nội dự kiến, mật độ dân số toàn đô thị của thành phố đạt trên 3.000 người/km2. Mật độ dân số trong khu vực nội thành, nội thị, thị trấn giai đoạn đến năm 2035 đạt 12.000 người/km2.
Diện tích nhà ở bình quân đầu người khu vực nội thành giai đoạn đến năm 2035 trung bình đạt khoảng 28m2 sàn/người (đã bao gồm diện tích nhà ở tăng thêm tương ứng với dân số dự báo). Thu nhập bình quân đầu người/năm so với cả nước đạt 1,4 lần...
Thành phố ưu tiên đầu tư hệ thống giao thông công cộng, thực hiện chiến lược chuyển đổi phương tiện giao thông cá nhân sang phương tiện giao thông công cộng phát thải thấp.
Cùng với đó, tập trung cải tạo những khu chung cư cũ; xóa bỏ tình trạng nhà tự xây không theo quy hoạch, không đảm bảo an toàn phòng chống cháy nổ, cứu hộ, cứu nạn. Bảo tồn, chỉnh trang, cải tạo khu phố cổ, khu có kiến trúc kiểu Pháp nhằm khai thác, phát huy giá trị văn hóa - lịch sử của Thủ đô ngàn năm văn hiến. Khai thác không gian ngầm trong phát triển giao thông và dịch vụ đô thị.
Theo các chuyên gia, các chương trình cải tạo, chỉnh trang, hiện đại hóa đô thị Hà Nội thực hiện thời gian qua đang từng bước tăng tính hấp dẫn cho Hà Nội, góp phần nâng cao chất lượng, môi trường sống của người dân, hướng tới xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại, phát triển bền vững. Thủ đô Hà Nội đã phát huy tốt những nguồn lực mới để đáp ứng yêu cầu phát triển lâu dài và bền vững.
Tuy nhiên, cần khuyến khích phát triển cao tầng, dành quỹ đất trống xây dựng không gian công cộng, cây xanh. Đặc biệt, nghiêm cấm phát triển đô thị lan tỏa trên các tuyến hành lang giao thông kết nối đô thị trung tâm với đô thị vệ tinh; nghiêm cấm phát triển đô thị (không gian ở mới) bên ngoài ranh giới phát triển đô thị, trong vành đai xanh và các nêm xanh.