Tăng giá trị xuất khẩu sản phẩm số “Make in Viet Nam”
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu còn nhiều khó khăn nhưng nhiều doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam vẫn duy trì đà tăng trưởng tốt.
Trao đổi với DĐDN, TS. Nguyễn Thanh Tuyên - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp Công nghệ thông tin và Truyền thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) nhấn mạnh: các doanh nghiệp công nghệ số (ICT) tiếp tục mở rộng thị trường, cung ứng những sản phẩm, dịch vụ đặc thù đáp ứng yêu cầu khách hàng. Đặc biệt, từ cú hích của chủ trương “Make in Vietnam”, nhiều doanh nghiệp quan tâm xây dựng hệ sinh thái công nghệ riêng, gia tăng giá trị xuất khẩu.
- Ông nhận định thế nào về các cơ hội xuất khẩu của các sản phẩm công nghệ số “make in Việt Nam”?
Đến thời điểm này, bên cạnh thị trường truyền thống, nhiều doanh nghiệp, bao gồm các doanh nghiệp vừa và nhỏ đã mạnh dạn đầu tư và khai thác hiệu quả thị trường ngách tại Mỹ, châu Âu, khu vực ASEAN và châu Á như Hàn Quốc, Hồng Kông… Bước đầu, đã đạt được một số thành công nhất định, đáp ứng tốt yêu cầu của đối tác trong việc cung ứng nhân lực, cung cấp sản phẩm dịch vụ công nghệ trọn gói…
Trong thời gian tới, nhịp tăng trưởng này dự báo tiếp tục được duy trì. Tại thị trường truyền thống Nhật Bản, các cơ quan, doanh nghiệp, tập đoàn trong những lĩnh vực trọng điểm như tài chính ngân hàng, bán lẻ, năng lượng… đang có nhu cầu chuyển đổi từ hệ thống công nghệ cũ được xây dựng từ mấy thập niên sang hệ thống hiện đại ứng dụng công nghệ tiên tiến, đã khai mở một phân khúc thị trường mới cho doanh nghiệp ICT cung cấp các giải pháp hoàn thiện dịch vụ chuyển đổi số và mô hình ứng dụng AI tối ưu hóa hệ thống.
Trong khi đó, trước nhu cầu nhân lực cho công nghiệp bán dẫn, nhiều phái đoàn của Mỹ đã sang làm việc với Việt Nam, trong đó có Bộ Thông tin và Truyền thông nghiên cứu khả năng Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu về bán dẫn, nhất là cung cấp nhân lực bán dẫn. Ngoài ra, các thị trường lớn khác như Ấn Độ, Singapore, Hàn Quốc… đã tìm hiểu khả năng để Việt Nam tham gia vào lĩnh vực bán dẫn nhằm đa dạng chuỗi cung ứng.
- Như ông vừa chia sẻ, các doanh nghiệp SME đã đạt được thành công bước đầu trong xuất khẩu đã cho thấy khối doanh nghiệp này đang có nhiều lợi thế cạnh tranh, thưa ông?
Đã là doanh nghiệp SME thì khả năng tích luỹ về vốn, công nghệ, nhân sự… đương nhiên còn hạn chế. Ngược lại, những doanh nghiệp này cũng có không ít ưu điểm, lợi thế mà nếu biết cách phát huy sẽ đạt được thành công. Doanh nghiệp SME có sự linh động, đội ngũ nhân sự trẻ, nhanh chóng tiếp cận công nghệ mới, sẵn sàng tham gia khai thác thị trường ngách mà doanh nghiệp quy mô lớn không mặn mà.
Trước bối cảnh công nghệ phát triển nhanh như hiện nay, chúng tôi cũng ghi nhận các doanh nghiệp đã nhanh nhạy trong việc ứng dụng công nghệ mới trong sản phẩm, dịch vụ với mức độ tinh vi ngày càng cao hơn. Đến nay hầu hết các sản phẩm đều ứng dụng trí tuệ nhân tạo hay tích hợp blockchain, IoT…
- Cùng với những nỗ lực tự thân, doanh nghiệp mong muốn được các cơ quan quản lý nhà nước hỗ trợ xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm bài bản hơn, thưa ông?
Nhằm khuyến khích doanh nghiệp ICT nghiên cứu, thiết kế, sáng tạo, sản xuất sản phẩm dịch vụ số “make in Viet Nam” hướng đến giải các bài toán cho Việt Nam và đi ra quốc tế, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với VCCI tổ chức giải thưởng “Sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam” thường niên. Chúng tôi nhận thấy đang có xu hướng phát triển sản phẩm “Made by Viet Nam”. Một số doanh nghiệp ICT đã đầu tư nhiều hơn cho việc phát triển sản phẩm do người Việt nghiên cứu gắn với xây dựng thương hiệu, hình ảnh và hệ sinh thái riêng, được các bộ ngành quan tâm ủng hộ và khách hàng đánh giá cao.
Về phía cơ quan quản lý đã hỗ trợ, cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp đưa các sản phẩm công nghệ số đoạt giải ra thị trường thông qua việc hoàn thiện sản phẩm, quy trình tham gia các giải thưởng quốc tế, kết nối doanh nghiệp với những đối tác quốc tế…
Đặc biệt, thông qua hoạt động ký kết giữa Bộ Thông tin và Truyền thông với VCCI tạo cơ hội giới thiệu và ứng dụng sản phẩm công nghệ số “make in Việt Nam” xuất sắc tới cộng đồng doanh nghiệp, góp phần hình thành hệ sinh thái và thúc đẩy nhanh chuyển đổi số trong các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế. Trong đó ở hạng mục giải thưởng “Công nghệ số Make in Vietnam 2024” cho phép các sản phẩm công nghệ xuất sắc từ các đơn vị thành viên trong hệ sinh thái toàn cầu của các doanh nghiệp Việt Nam có thể tham dự mà không cần qua tập đoàn như trước đây. Quy định này góp phần tăng tính kết nối giữa thị trường trong và ngoài nước, mở rộng các cơ hội học hỏi cũng như tiếp cận khách hàng, doanh nghiệp, tổ chức…
- Trân trọng cảm ơn ông!