Trạm BOT Phú Hữu: Cần đảm bảo hài hoà lợi ích người dân và doanh nghiệp
Việc thu phí để chủ đầu thu hồi vốn là cần thiết, song, lộ trình và giá thu phí cũng cần nghiên cứu nghĩ để hài hoà lợi ích Nhà nước, người dân và doanh nghiệp.
Đó là ý kiến của người dân và doanh nghiệp sau khi trạm thu phí BOT Phú Hữu, TP Thủ Đức, TPHCM chính thức đi vào hoạt động.
Cần đảm bảo lợi ích người dân, doanh nghiệp
Như Diễn đàn Doanh nghiệp đã thông tin trước đó, dự án BOT Phú Hữu do Công ty CP xi măng Vicem Hà Tiên (nhà đầu tư). Năm 2012, Công ty CP Xi măng Vicem Hà Tiên được chấp thuận và bắt đầu thi công dự án đường nối từ đường Nguyễn Duy Trinh vào khu công nghiệp Phú Hữu, quận 9, nay là TP Thủ Đức, TPHCM. Tuyến đường dài 2,6km với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 461 tỷ đồng, theo phương thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao). Tuy nhiên, theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2024 của Công ty Xi măng Hà Tiên cho thấy, đến ngày 30/6/2024, Công ty đã đầu tư cho dự án 544,3 tỷ đồng. Tại thời điểm 31/12/2023, số tiền dừng ở mức 537,7 tỷ đồng. Tháng 4/2023, UBND TPHCM ban hành Quyết định số 1419/QĐ-UBND về việc duyệt dự án Đầu tư lắp đặt hệ thống thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ điện tử không dừng tại trạm thu phí BOT Phú Hữu, thuộc dự án đường nối đã nêu phía trên.
Đáng chú ý, sau khi trạm thu phí BOT chính thức đi vào hoạt động (17/9/2024), nhiều người dân và doanh nghiệp đã có những phản ứng gay gắt. Thậm chí, nhiều hộ dân sinh sống xung quanh trạm thu phí BOT Phú Hữu đã dùng biểu ngữ để phản đối việc thu phí của đơn vị này khiến giao thông ách tắc cục bộ và lực lượng công an phải can thiệp.
Theo ghi nhận của PV Diễn đàn Doanh nghiệp, trong những ngày gần đây, nhiều cư dân hành nghề lái xe taxi, xe công nghệ hằng ngày điều khiển xe qua trạm BOT Phú Hữu không đồng ý thu phí đối với xe taxi, xe công nghệ. Một số chủ phương tiện cũng không đồng ý thu phí dịch vụ như xe đưa rước học sinh, xe đổ rác.
Đáng nói, trong ngày thu phí đầu tiên đã xuất hiện một số xe ô tô con từ khu dân cư gần đó, đi qua trạm thu phí nhưng không đóng tiền qua trạm mà bất ngờ dừng ngay giữa trạm BOT. Lúc này, lượng phương tiện đổ về hướng qua trạm ngày càng đông, khiến tình hình trở nên hỗn loạn. Dòng xe ô tô xếp hàng dài phía sau, xe container, xe tải, xe máy chen chúc. Trước diễn biến trên, Công an TP.Thủ Đức đã phải có mặt để xử lí và điều tiết giao thông qua khu vực nhưng phải mất nhiều giờ đồng hồ xử lí thì tình trạng ùn ứ giao thông tại trạm BOT Phú Hữu mới thuyên giảm để các phương tiện lưu thông bình thường trở lại.
Nêu lí do phản ứng việc thu phí tại trạm BOT đối với chủ đầu tư, chia sẻ với báo chí, một số người dân, cho rằng việc thu phí vẫn còn bất cập, như: một số phương tiện vào bãi lấy hàng hoá chỉ cách trạm chưa đến 500m, thế nhưng mỗi lượt vào và ra khỏi trạm BOT phải đóng phí 110.000 đồng/lượt là quá cao, chưa phù hợp thực tế. Chưa kể, hiện chủ đầu tư chưa có chính sách miễn giảm cho người dân làm nghề lái xe taxi sinh sống bên trong khu vực.
Liên quan tới những bất cập trong việc thu phí tại trạm BOT Phú Hữu, ông Nhữ Đình Thiện - Phó tổng thư ký Hiệp hội đại lý, môi giới và dịch vụ hàng hải (VISABA), những bất cập trong việc xây dựng trạm BOT Phú Hữu và thu phí một dự án đã hoàn thành sau 12 năm là không hợp lý. Chưa kể, việc thu phí này đang chồng chéo với nhiều loại phí khác, như: phí hạ tầng cảng biển, phí đường bộ... sẽ tác động tiêu cực đến hoạt động bình thường của doanh nghiệp trước bối cảnh khó khăn như hiện nay.
“Vẫn đồng ý là việc thu phí để chủ đầu thu hồi vốn là cần thiết, song, lộ trình và giá thu phí cũng cần nghiên cứu nghĩ để đảm bảo hài hoà lợi ích Nhà nước, người dân và doanh nghiệp. Bởi, trên thực tế, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu đang phải gánh chịu rất nhiều các loại thuế, phí, bao gồm: chi phí xuất nhập khẩu container hàng hóa thông qua các cảng, phụ phí của hãng tàu, phí hạ tầng cảng biển, thuế xuất nhập khẩu...”, ông Đính nêu.
Xem xét phương án thu phí hợp lý hơn
Đồng quan điểm ông Nguyễn Quốc Vương - Giám đốc điều hành Cảng SP- ITC - đại diện chủ đầu tư Cảng biển SP ITC cho rằng: việc áp dụng mức thu phí tại dự án BOT Phú Hữu như hiện nay là khá cao so với mặt bằng chung. Điều này không chỉ gây nhiều tác động không tốt đến ngành logictics, mà còn làm giảm năng lực cạnh tranh tại khu vực cảng biển này.
Cũng theo ông Vương, căn cứ theo mức giá đề xuất thu phí tại dự án BOT Phú Hữu, nếu tính theo km là cao gấp 10 lần so với những khu vực khác là bất hợp lý. Chưa kể, đoạn đường thu phí chỉ dài 2,6km nhưng với mức phí 66.000 đồng/lượt/container 20 feet và 133.000 đồng/lượt/container 40 feet và là tuyến đường độc đạo, khiến cho các doanh nghiệp không có sự lự chọn nào khác, buộc phải vận tải hàng hoá phải đi qua trạm thu phí BOT là hết sức bất cập.
“Để đưa một container hàng hóa qua Cảng SP-ITC và từ TP Hồ Chí Minh xuất khẩu ra thị trường nước ngoài và ngược lại, các doanh nghiệp đang gánh chịu hàng loạt các loại thuế, phí, thì nay lại phải chịu thêm khoản phí tại trạm BOT Phú Hữu là ngoài sức chịu đựng của doanh nghiệp. Do đó, để tháo gỡ những khó khăn này, UBND TPHCM cần xem xét phương án hợp lý hơn nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong giai đoạn hiện nay”, ông Vương kiến nghị.
Liên quan đến phản ứng của người dân và doanh nghiệp, đại diện Công ty CP xi măng Vicem Hà Tiên (chủ đầu tư), cho biết: trong quá trình triển khai thực hiện thu phí tại trạm BOT Phú Hữu, đa số cư dân đã gửi thông tin phương tiện để đăng ký miễn thu giá theo thông báo của Xí nghiệp Quản lý Đường BOT Phú Hữu. Tuy nhiên, hiện vẫn còn một số cư dân không đồng ý cung cấp thông tin để áp dụng miễn thu qua trạm. Bên cạnh đó, có cư dân hành nghề lái xe taxi, xe công nghệ hằng ngày điều khiển xe qua trạm BOT Phú Hữu không đồng ý thu phí đối với xe taxi, xe công nghệ. Một số chủ phương tiện cũng không đồng ý thu phí hiện nay đối với các phương tiện dịch vụ, như: xe đưa rước học sinh, xe đổ rác…
Cũng theo chủ đầu tư, hiện nay, những trường hợp miễn thu phí, gồm: các xe được quy định trong quyết định 705 của UBND TP, xe dưới 12 chỗ không dùng để kinh doanh của hộ dân thường trú hoặc tạm trú trên 6 tháng trong đường Nguyễn Thị Tư, Đặng Thanh Hiếu.
Về phương án khắc phục, đại diện chủ đầu tư dự án cho biết, hiện Xí nghiệp Quản lý Đường BOT Phú Hữu đã có các kiến nghị nhằm tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp. Cụ thể, Xí nghiệp Quản lý Đường BOT Phú Hữu đang áp dụng miễn thu giá qua Trạm BOT Phú Hữu cho các đối tượng theo Biên bản thỏa thuận với Sở GTVT TPHCM. Theo đó, các đối tượng được miễn thu giá, gồm: Xe đưa rước học sinh, xe thu gom rác, ô tô dưới 12 ghế sử dụng cho mục đích kinh doanh của hộ dân thường trú hoặc tạm trú trên 6 tháng trong phạm vi tuyến đường Nguyễn Thị Tư, Đặng Thanh Hiếu; giảm 50% mức thu giá đối với ô tô của cán bộ nhân viên thuộc các doanh nghiệp có trụ sở trên tuyến đường Nguyễn Thị Tư, Đặng Thanh Hiếu.
Bên cạnh đó, hiện nay Xí nghiệp Quản lý Đường BOT Phú Hữu cũng đã đề nghị UBND phường Phú Hữu (TP Thủ Đức) sớm tổ chức đối thoại với cư dân, doanh nghiệp có sự tham dự của Sở GTVT và Xí nghiệp Quản lý đường BOT Phú Hữu.