Hà Nội thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST, phát triển tài sản trí tuệ
Cùng với cả nước, TP Hà Nội đang triển khai nhiều chương trình, chính sách để hỗ trợ cho doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và đạt được kết quả tích cực.
Thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo
Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội cho biết, với vị trí là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, giáo dục, khoa học và công nghệ, kinh tế, Hà Nội có nhiều cơ hội để các doanh nghiệp phát triển, đồng thời là trung tâm khởi nghiệp cho các doanh nghiệp, doanh nhân cả nước.
Có thể khẳng định rằng, thời gian qua Hà Nội là địa phương đi đầu cả nước trong việc triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, Chính phủ về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đã có nhiều cơ chế, chính sách của Hà Nội nhằm hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên cả nước.
Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Nguyễn Hồng Sơn nhấn mạnh: “Việc kết hợp tri thức sáng tạo, vận dụng các sáng kiến, ý tưởng khởi nghiệp và sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao từ những trung tâm nghiên cứu, trường đại học và triển khai thực hiện trong đội ngũ cộng đồng doanh nghiệp Thủ đô là thuận lợi cơ bản giúp phát triển phong trào khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn Thủ đô”.
Thời gian qua, hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Hà Nội diễn ra khá sôi nổi và mạnh mẽ. Hiện nay, trên địa bàn Thủ đô có khoảng 1.000 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên tổng số hơn 3.800 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của cả nước. Đồng thời, với 32 vườn ươm doanh nghiệp hoạt động đa ngành, đa lĩnh vực; 14 tổ chức cung cấp chương trình thúc đẩy kinh doanh đã cho thấy tinh thần khởi nghiệp đổi mới sáng tạo có sức hấp dẫn lớn và lan tỏa mạnh mẽ.
Thống kê cho thấy, từ năm 2016 đến nay, các doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trên địa bàn Hà Nội đã huy động được khoảng 1 tỷ USD với 100 thương vụ gọi vốn thành công. Những con số này liên tục tăng trong những năm qua thể hiện sự tham gia tích cực của cộng đồng vào phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp.
Đẩy mạnh khai thác và phát triển tài sản trí tuệ
Là cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn thành phố về sở hữu trí tuệ, Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội đã tích cực đẩy mạnh nhiều hoạt động, nhằm đưa sở hữu trí tuệ trở thành công cụ quan trọng nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo môi trường thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội thành phố Hà Nội.
Trong năm qua, thành phố Hà Nội đã quan tâm chú trọng thực hiện các giải pháp về phát triển tài sản trí tuệ, đặc biệt là công tác hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ của địa phương, xác lập quyền sở hữu trí tuệ đối với những sản phẩm chủ lực, đặc thù, sản phẩm OCOP, sản phẩm làng nghề, xây dựng nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý để phát huy danh tiếng, uy tín của sản phẩm, bảo hộ cho những người sản xuất, kinh doanh; bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng và góp phần thúc đẩy việc nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị hàng hóa của sản phẩm, đưa sở hữu trí tuệ trở thành công cụ thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Theo số liệu thống kê của Cục Sở hữu trí tuệ, năm 2023, Hà Nội là địa phương dẫn đầu cả nước về số lượng bằng và đơn đăng ký quyền sở hữu trí tuệ. Hà Nội cũng là địa phương đứng đầu kết quả xếp hạng chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương do Bộ Khoa học và Công nghệ công bố.
Thành quả này đạt được là nhờ công tác tuyên truyền tập huấn, phổ biến kiến thức, chính sách, pháp luật về sở hữu trí tuệ cũng như công các hướng dẫn xác lập quyền và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đã được tổ chức tốt và đều đặn. Trong những năm qua, Phòng Quản lý sở hữu trí tuệ (Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội) đã phối hợp với các quận, huyện, thị xã, các trường Đại học, cao đẳng trên địa bàn tổ chức nhiều lớp tập huấn về phổ biến chính sách pháp luật và kiến thức cơ bản về sở hữu trí tuệ cho cán bộ quản lý, giảng viên, sinh viên, người sản xuất, kinh doanh; đồng thời phối hợp với một số cơ quan báo chí tuyên truyền hưởng ứng Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới 26/4 hàng năm.
Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Nguyễn Hồng Sơn cho biết, thực hiện Chương trình phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2030, Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội đã phối hợp chặt chẽ với UBND các quận, huyện, thị xã rà soát và lựa chọn những sản phẩm tiềm năng, sản phẩm được công nhận OCOP, sản phẩm làng nghề để hỗ trợ đăng ký xác lập quyền sở hữu trí tuệ, qua đó góp phần nâng cao uy tín, giữ gìn danh tiếng và xúc tiến thương mại cho sản phẩm, nâng cao được giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cho người sản xuất...
Do đó, đã có nhiều sản phẩm của các địa phương trên địa bàn Thành phố được xây dựng thương hiệu thông qua hình thức bảo hộ thương hiệu cộng đồng (nhãn hiệu tập thể). Thông qua đó, một số sản phẩm đã cải thiện được chất lượng, tăng hiệu quả sản xuất, hạn chế bất lợi về giá, người sản xuất có thương hiệu bán hàng và liên kết theo chuỗi, tạo cơ sở pháp lý giải quyết các tranh chấp thương mại...
Để khai thác hiệu quả tài sản trí tuệ của địa phương cũng như của doanh nghiệp, thời gian tới, Hà Nội sẽ đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức, năng lực tạo lập và phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn. Thành phố cũng tập trung hỗ trợ đăng ký bảo hộ, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ đối với sản phẩm truyền thống, đặc sản, sản phẩm OCOP, sản phẩm chủ lực...; đồng thời, triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ về quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể và chỉ dẫn địa lý đối với các đặc sản, sản phẩm làng nghề, sản phẩm đặc thù của địa phương.
Bên cạnh đó, thành phố sẽ hỗ trợ khai thác thương mại và phát triển tài sản trí tuệ thông qua các hoạt động trưng bày, triển lãm sản phẩm được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ; hỗ trợ hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm chủ lực, đặc thù của địa phương được bảo hộ chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận và nhãn hiệu tập thể theo chuỗi giá trị.
Thời gian tới, những cơ chế, chính sách về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của Thủ đô sẽ ngày càng được hoàn thiện với nhiều quy định mới, đột phá đưa khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo không chỉ gắn mà thực sự đồng hành, thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội của Thủ đô. Đặc biệt, Luật Thủ đô năm 2024 vừa được Quốc hội thông qua sẽ góp phần tháo gỡ những điểm nghẽn, vướng mắc trong phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của Thủ đô.
Trong Luật Thủ đô mới được ban hành đã có những quy định về hỗ trợ các doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo và doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực trọng điểm về khoa học và công nghệ của Thủ đô. Doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong các lĩnh vực trọng điểm về khoa học và công nghệ của Thủ đô hoạt động trên địa bàn Thành phố được hỗ trợ chi phí ươm tạo, bao gồm chi phí tổ chức hoạt động tuyển chọn dự án, chi phí thuê chuyên gia, nhân công lao động trực tiếp, dịch vụ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, chi phí sử dụng cơ sở kỹ thuật, cơ sở ươm tạo, khu làm việc chung (theo khoản 5 Điều 23 Luật Thủ đô 2024). Doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, tổ chức khoa học và công nghệ, tổ chức trung gian hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo được giảm 50% tiền thuê mặt bằng sản xuất, kinh doanh tại các trung tâm đổi mới sáng tạo của Thành phố (theo khoản 5 Điều 23, điểm a khoản 2 Điều 43 Luật Thủ đô 2024).
Một điểm quan trọng nữa trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) là cho phép các trường đại học, viện nghiên cứu, các tổ chức khoa học công nghệ công lập được phép thành lập doanh nghiệp, cán bộ, giảng viên có thể làm chủ các doanh nghiệp ấy.