Ô tô - Xe máy

Con đường chinh phục thị trường khó khăn của BYD

Thanh Trà 24/09/2024 13:28

BYD đang đối mặt với nhiều thách thức trong việc chinh phục thị trường từ Nhật Bản tới Việt Nam...

Các rào cản tại thị trường Nhật

BYD đang đối mặt với không ít khó khăn trong việc mở rộng thị phần xe điện tại Nhật Bản, nơi người tiêu dùng vẫn còn dè dặt với các sản phẩm đến từ Trung Quốc. Mặc dù BYD đã đầu tư mạnh vào việc xây dựng các trạm sạc điện và thúc đẩy các hoạt động tiếp thị, khuyến mãi, nhưng quá trình tăng trưởng tại thị trường này không hề dễ dàng. Một trong những nguyên nhân chủ yếu là do nhu cầu xe điện của người dân Nhật Bản đã giảm sút trong thời gian gần đây. Bên cạnh đó, một bộ phận không nhỏ người tiêu dùng Nhật Bản vẫn còn nhiều hoài nghi về chất lượng của các sản phẩm đến từ Trung Quốc. Điều này khiến họ khó lòng chấp nhận các mẫu xe điện mà BYD đang cố gắng thâm nhập thị trường.

230828132420-byd-file (1)
Người Nhật vẫn còn e dè với sản phẩm ô tô đến từ Trung Quốc.

Ông Atsuki Tofukuji, Chủ tịch BYD Auto Japan thừa nhận rằng, có nhiều người tiêu dùng Nhật "thực sự ghét các sản phẩm của Trung Quốc" và việc cố gắng ép buộc họ mua sẽ không mang lại hiệu quả. Thay vào đó, ông cho biết BYD đang theo đuổi chiến lược thuyết phục người tiêu dùng, bằng việc cung cấp các sản phẩm với giá cả phải chăng cùng hiệu suất cao. Đây được coi là con đường khả thi hơn, để từ từ thay đổi quan điểm của người Nhật về sản phẩm Trung Quốc, đặc biệt trong bối cảnh sự cạnh tranh trên thị trường xe điện tại Nhật Bản ngày càng khốc liệt.

Một thách thức lớn khác đối với BYD chính là sự thay đổi trong chính sách trợ cấp xe điện của chính phủ Nhật Bản, điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng cạnh tranh của hãng. Trước đây, các khoản trợ cấp được xác định chủ yếu dựa trên hiệu suất của xe, nhưng hiện tại, các tiêu chí mới đã được đưa ra như số lượng trạm sạc nhanh mà nhà sản xuất lắp đặt và chất lượng dịch vụ sau bán hàng. Sự thay đổi này đã khiến khoản trợ cấp cho mẫu xe Atto 3 của BYD giảm mạnh, từ 650.000 Yên xuống còn 350.000 Yên. Tương tự, các mẫu xe khác của BYD như Seal và Dolphin cũng chỉ nhận được khoản trợ cấp lần lượt là 450.000 Yên và 350.000 Yên. Điều này tạo ra sự bất lợi rõ rệt cho BYD khi so sánh với các hãng sản xuất ô tô nội địa Nhật Bản như Nissan và Toyota, hai hãng vẫn duy trì được mức trợ cấp tối đa là 850.000 Yên cho các mẫu xe điện của mình.

Khó chinh phục người Việt

Không chỉ tại Nhật Bản, sau hơn hai tháng ra mắt, BYD đang gặp phải nhiều khó khăn trong việc chinh phục thị trường Việt Nam, đặc biệt khi so sánh với những tuyên bố mạnh mẽ ban đầu về việc mở rộng và phát triển bền vững.

Mặc dù BYD đặt ra mục tiêu phát triển dài hạn với kế hoạch mở rộng mạng lưới đại lý và showroom, tiến độ thực hiện lại chưa đạt được như kỳ vọng. Việc phát triển hệ thống đại lý không theo kịp kế hoạch đề ra, đã khiến nhiều khách hàng gặp khó khăn trong việc tiếp cận sản phẩm và trải nghiệm trực tiếp, dẫn đến sự chậm trễ trong việc tạo dựng lòng tin.

Thêm vào đó, cơ sở hạ tầng hỗ trợ cho xe điện, như các trạm sạc công cộng, cũng chưa thực sự hoàn thiện. Mặc dù BYD cung cấp các tùy chọn sạc tại nhà và tại showroom, nhưng người dùng vẫn phụ thuộc nhiều vào hệ thống trạm sạc từ các bên thứ ba, vốn còn hạn chế về số lượng và không tiện lợi về mặt thanh toán. Điều này gây bất lợi trong việc tăng cường sự tin tưởng của người dùng vào sản phẩm cũng như chiến lược phát triển bền vững của hãng.

Về mặt truyền thông và quảng bá, dù BYD đã có những hoạt động nổi bật trong giai đoạn đầu ra mắt, nhưng sự hiện diện của hãng trong thời gian gần đây lại khá mờ nhạt. Các sự kiện trải nghiệm xe diễn ra nhỏ lẻ và không đều đặn, khiến thương hiệu chưa thực sự gắn kết với khách hàng. Hơn nữa, với chiến lược truyền thông chưa đồng nhất, việc nâng cao độ nhận diện thương hiệu tại Việt Nam vẫn còn là một bài toán khó.

byd-seal-tai-khu-vuc-trung-bay-su-kien-1024x683.jpg
Các sự kiện truyền thông gần đây của BYD kém nổi bật hơn so với thời gian đầu ra mắt.

Từ những yếu tố này, có thể thấy rằng dù BYD đã có một khởi đầu ấn tượng, việc chinh phục thị trường Việt Nam đòi hỏi sự nỗ lực lớn hơn trong việc phát triển hệ thống phân phối, cải thiện cơ sở hạ tầng trạm sạc và đẩy mạnh các hoạt động quảng bá để duy trì sự hiện diện bền vững.

Thanh Trà