Kinh tế địa phương

Đắk Nông: Mục tiêu trung tâm công nghiệp nhôm quốc gia

Bích Ngọc 26/09/2024 14:52

Đắk Nông kêu gọi, lựa chọn nhà đầu tư có đủ tiềm lực để đầu tư các dự án khai thác bô xít, alumin, điện phân nhôm đã được quy hoạch...

CT 77
Đoàn công tác Bộ TN&MT kiểm tra thực tế tại khai trường khai thác bô xít thuộc xã Nhân Cơ, huyện Đắk R’Lấp, tỉnh Đắk Nông.

Đắk Nông tiếp tục kêu gọi, lựa chọn nhà đầu tư có đủ tiềm lực để đầu tư các dự án khai thác bô xít, alumin, điện phân nhôm đã được quy hoạch nhằm đạt được mục tiêu Quy hoạch tỉnh Đắk Nông là trung tâm công nghiệp bô xít - alumin - nhôm của quốc gia.

Đắk Nông có tiềm năng lớn về nguồn tài nguyên quặng bô xít, được đánh giá là lớn nhất cả nước, với trữ lượng và tài nguyên dự báo khoảng 4,3 tỷ tấn quặng nguyên khai, chiếm gần 45% tổng trữ lượng và tài nguyên quặng bô xít của cả nước.

Giải quyết triệt để khó khăn, vướng mắc

Tuy nhiên, đây cũng là vấn đề phát sinh nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Đắk Nông, bởi khoáng sản bô xít bao trùm trên địa bàn của 5/8 địa bàn các huyện, thành phố (diện tích đất có phân bố khoáng sản thực tế chiếm khoảng 1/3 diện tích của tỉnh).

Ông Nguyễn Bá Út - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đắk Nông cho biết, kết quả chồng xếp giữa Quy hoạch tại Quyết định số 866/QĐ-TTg với Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định số 1757/QĐ-TTg ngày 31/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ, diện tích đất có khoáng sản bô xít đang bao trùm lên rất nhiều quy hoạch và công trình hạ tầng kỹ thuật của địa phương (đất nông, lâm nghiệp, đất chương trình, dự án: giao thông, dân sinh, khu, cụm công nghiệp, chương trình mục tiêu quốc gia, khu bảo tồn, Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông…

Trong đó, có các dự án trọng điểm của tỉnh như: Đường Tỉnh lộ 2, Tỉnh lộ 5, cao tốc Gia Nghĩa – Chơn Thành, các dự án điện gió...) khoảng 158.837 ha. Nếu không kịp thời tháo gỡ sẽ ảnh hưởng rất lớn đến các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội 05 năm giai đoạn 2021-2025 của tỉnh Đắk Nông, cũng như không thể triển khai thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công cho các dự án đầu tư công, các dự án trung hạn 2021-2025 và các dự án thuộc 3 chương trình mục tiêu quốc gia.

Để giải quyết khó khăn, bất cập trên, Sở Công Thương đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tham mưu UBND tỉnh báo cáo, đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương tại nhiều văn bản (Báo cáo số 502/BC-UBND ngày 02/8/2023, Báo cáo số 579/BC-UBND ngày 08/9/2023, Báo cáo số 651/BC-UBND ngày 06/10/2023, Báo cáo số 06/BC-UBND ngày 04/01/2024) đồng thời, UBND tỉnh Đắk Nông đã làm việc trực tiếp với Lãnh đạo Bộ Công Thương và Lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường. Tuy nhiên, hiện nay các khó khăn, vướng mắc vẫn chưa được xử lý đến kết quả cuối cùng.

Nhận thấy, để giải quyết triệt để các khó khăn, bất cập mang tính đặc thù của khoáng sản bô xít, cũng như các khoáng sản thông thường khác, cần có tháo gỡ từ các quy định của pháp luật chuyên ngành. Gần đây nhất, Sở Công Thương đã phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường và đơn vị liên quan, tham mưu UBND tỉnh Đắk Nông báo cáo (Báo cáo số 515/BC-UBND ngày 31/7/2024), đề xuất và làm việc trực tiếp với Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội để xem xét xây dựng dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản mới nhằm tháo gỡ khó khăn nêu trên của tỉnh.

Qua theo dõi tình hình chung về đề xuất nghiên cứu, đầu tư các Tổ hợp dự án bô xít - alumin trên địa bàn tỉnh, Sở Công Thương nhận thấy những vấn đề liên quan đến đầu tư các Tổ hợp bô xít - alumin theo Quyết định số 866/QĐ-TTg ngày 18/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ mặc dù đã được UBND tỉnh chỉ đạo; các Bộ: Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn thực hiện. Tuy nhiên, vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc, Sở Công Thương đã đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, tham mưu đề xuất cấp thẩm quyền xem xét chỉ đạo tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc đầu tư các Tổ hợp như: thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư; việc đấu giá quyền khai thác khoáng sản, điều chỉnh phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất...

Chủ động hội nhập

Để hội nhập góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển kinh tế-xã hội, lãnh đạo Sở Công Thương cho biết, sẽ tiếp tục bám sát các Quy hoạch ngành, Quy hoạch tỉnh Đắk Nông, Kế hoạch dài hạn của UBND thực hiện các chương trình: Tập huấn nâng cao năng lực về Hội nhập kinh tế Quốc tế và các hiệp định thương mại tự do; cung cấp các hồ sơ yêu cầu nhập khẩu của các quốc gia; xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Quy hoạch tỉnh Đắk Nông trong lĩnh vực công thương để đề ra các mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể của ngành Công Thương để đạt được mục tiêu chung của Quy hoạch tỉnh; thực hiện hiệu quả Kế hoạch số 430/KH-UBND ngày 02/7/2024 của UBND tỉnh Đắk Nông thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Công Thương đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Đắk Nông.

Ngoài ra, Sở Công Thương sẽ hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các Chương trình xúc tiến thương mại, Hội nghị kết nối cung cầu,... để các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh giới thiệu, quảng bá sản phẩm đến với người tiêu dùng và đối tác; liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp trong và ngoài nước mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm và quy mô sản xuất, kinh doanh; thường xuyên nắm thông tin các khó khăn vướng mắc của dự án, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh để tháo gỡ, tham mưu, đề xuất cấp có thẩm quyền tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của nhà đầu tư.

Bích Ngọc