Kinh tế địa phương

Đắk Nông: Cơ chế đặc thù cho ngành nông nghiệp

Phương Uyên 26/09/2024 15:15

Đắk Nông tổ chức và tham gia nhiều sự kiện trong và ngoài tỉnh giới thiệu, quảng bá các nhóm ngành hàng nông sản chủ lực như cà phê, ca cao, mắc ca.

Sẽ xây dựng, hoàn thiện và triển khai cơ chế chính sách đặc thù tạo động lực phát triển ngành nông nghiệp bền vững, nâng cao giá trị gia tăng và phù hợp với điều kiện của địa phương.

MR tuan anh 77

Chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Phạm Tuấn Anh – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Nông cho biết, hoạt động thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh là nhiệm vụ trọng tâm và thường xuyên.

- Xin ông chia sẻ về bức tranh thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh trong 9 tháng đầu năm 2024?

Trong 09 tháng đầu năm 2024, Đắk Nông tổ chức và tham gia nhiều sự kiện trong và ngoài tỉnh có lồng ghép giới thiệu, quảng bá các nhóm ngành hàng nông sản chủ lực như cà phê, ca cao, mắc ca. Đã có nhiều nhà đầu tư lớn đến khảo sát tìm hiểu cơ hội đầu tư tại tỉnh trên các lĩnh vực chế biến nông lâm sản, trồng trọt, chăn nuôi, du lịch, khu nghỉ dưỡng; đặc biệt, trong chăn nuôi đã có sự chuyển biến từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung, quy mô lớn.

ocop 77
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Tôn Thị Ngọc Hạnh giới thiệu tới Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn và các đại biểu sản phẩm nông nghiệp, OCOP nổi bật của Đắk Nông trưng bày tại gian hàng

Trong đó có nhiều nhà đầu tư lớn như: Công ty CP Tập đoàn TH, Công ty CP chăn nuôi CP Việt Nam, Công ty TNHH CJ Vina Agri, Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam...; đến nay đã thu hút 34 nhà đầu tư xin đầu tư trang trại chăn nuôi vào địa bàn tỉnh với tổng số 512.100 con; hình thành chuỗi liên kết tạo đầu ra sản phẩm ổn định, hiệu quả kinh tế cao.

Ngành nông nghiệp đã chủ động tham mưu, xây dựng hình thành các vùng nguyên liệu lớn về 4 cây trồng chủ lực gồm cà phê, hồ tiêu, cao su, điều. Tỉnh xây dựng vùng chăn nuôi quy mô lớn gồm heo, bò, gia cầm; định hình và phát triển được 23 sản phẩm chủ lực, ngành hàng thế mạnh, ngành hàng tiềm năng với năng suất và chất lượng sản phẩm nông sản được cải thiện đáng kể, dần khẳng định vị thế trên thị trường trong nước và quốc tế; cuối năm 2023, Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 chính thức được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đây chính là cơ sở quan trọng, nền tảng cốt lõi để Đắk Nông định hướng, chuẩn bị các điều kiện cho sự phát triển trong giai đoạn tới.

- Theo các chuyên gia đánh giá, Đắk Nông có tiềm năng lợi thế rất lớn về phát triển nông nghiệp, tuy nhiên việc thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp còn chưa tương xứng với tiềm năng. Nguyên nhân do đâu thưa ông?

Với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; sự đồng hành của doanh nghiệp và đặc biệt là sự tham gia của người dân nông thôn do đó trong những năm gần đây, ngành nông nghiệp đã có những bước chuyển mạnh mẽ; có sự thay đổi trong nhận thức, tư duy của bà con nông dân, từ sản xuất đơn lẻ, đến nay đã có sự liên kết với nhau, đã có sự đầu tư chiều sâu, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi hợp lý; đã có nhiều tỷ phú nông dân, nhiều người đã đi lên từ sản xuất nông nghiệp.

Tuy vậy, do phần lớn sản phẩm nông sản được tiêu thụ dưới dạng thô, chưa qua chế biến sâu, tiêu thụ qua nhiều khâu trung gian, chi phí đầu vào sản xuất cao, chất lượng sản phẩm nông sản chưa đồng đều; chuỗi liên kết phần lớn nhỏ lẻ, chỉ mới dừng lại ở khâu liên kết sản xuất, tiêu thụ mà chưa hình thành được chuỗi giá trị; việc thu hút các doanh nghiệp đủ tiềm lực tham gia chuỗi giá trị các ngành hàng chủ lực còn gặp nhiều khó khăn, chưa tương xứng với tiềm năng và chưa đáp ứng với kỳ vọng của tỉnh. Bên cạnh đó, việc Quy hoạch đất đai, quy hoạch ngành còn bất cập; chưa bố trí được quỹ đất sạch để thu hút các dự án đầu tư. Hệ thống hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp còn thiếu đồng bộ, khó khăn cho việc phát triển dịch vụ logistics...

- Để hoá giải khó khăn, thách thức, Sở đã có những giải pháp gì tham mưu tỉnh thu hút doanh nghiệp vào đầu tư các dự án nông nghiệp trên địa bàn cũng như giúp các doanh nghiệp nông nghiệp trong tỉnh hội nhập phát triển, thưa ông?

Thứ nhất, tập trung nguồn lực để thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050; hỗ trợ và khuyến khích phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn sử dụng phụ phẩm nông nghiệp như một nguồn nguyên liệu tái tạo, thân thiện với môi trường.

Thứ hai, tập trung thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng chuyển từ phát triển theo chiều rộng sang chiều sâu để nâng cao giá trị gia tăng, bền vững, sinh thái, trách nhiệm: Chuyển đổi cây trồng kém thích nghi, hiệu quả kinh tế thấp và ưu tiên phát triển các cây trồng có lợi thế và nhu cầu lớn; Phát triển các ngành hàng có tiềm năng và thị trường như lợn thịt, thịt gia cầm…

Thứ ba, tập trung nguồn lực hình thành và phát triển các vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, liên kết chuỗi giá trị, tạo ra sản phẩm hàng hóa tập trung, số lượng lớn gắn với sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn chứng nhận (4C, UTZ, Oganic, VietGAP, GlobalGAP, Rainforest,...) để phục vụ yêu cầu thị trường.

Thứ tư, phát triển mạnh kinh tế tập thể, phát huy vai trò liên kết trong sản xuất nông nghiệp, trong đó thực hiện đổi mới hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế hợp tác; thúc đẩy liên kết chặt chẽ theo chuỗi giá trị tại các vùng sản xuất tập trung.

Thứ năm, thúc đẩy chuyển đổi số nông nghiệp, số hóa hệ thống cơ sở dữ liệu góp phần làm thay đổi mạnh mẽ nền tảng số trong chuỗi sản xuất, chế biến, kinh doanh nông sản.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Phương Uyên