Đắk Nông: Nỗ lực xây dựng chính quyền số
Việc triển khai dịch vụ công trực tuyến được xem là khâu quan trọng, then chốt trong tiến trình CCHC và xây dựng Chính quyền số của tỉnh Đắk Nông.
Chia sẻ với phóng viên DĐDN, ông Trần Văn Thương - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Đắk Nông cho biết, thời gian qua tỉnh đã tích cực triển khai dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) được cung cấp trên nhiều kênh khác nhau để người dân, doanh nghiệp dễ dàng truy cập, sử dụng.
- Ông có thể chia sẻ về kết quả thực hiện kế hoạch triển khai dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn tỉnh?
Hiện nay, tỉnh đã cung cấp 906 DVCTT một phần và 804 DVCTT toàn trình, đã thực hiện kết nối thành công 478 thủ tục hành chính (TTHC) của tỉnh lên Cổng dịch vụ công quốc gia. Tỷ lệ DVCTT toàn trình đạt 62,87%, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình đạt 36,59%. Đến tháng 4/2024, tỉnh Đắk Nông đã triển khai thực hiện 25/25 TTHC thiết yếu theo Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ trên Cổng DVC quốc gia, Cổng DVC của Bộ Công an.
Tỉnh đã đẩy mạnh triển khai Đề án 06/CP về việc phổ cập danh tính số (cấp tài khoản định danh điện tử cho công dân): toàn tỉnh đã thu nhận 358.354 hồ sơ đăng ký tài khoản định danh điện tử, trong đó đã kích hoạt 313.890/324.898 tài khoản (đạt tỷ lệ 96,61%). Số lượng căn cước công dân (CCCD) gắn chip được đồng bộ với thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) còn hiệu lực để đi khám, chữa bệnh bằng CCCD là 532.823/550.847 người (đạt 96,7%); tỉnh đã có 85/85 cơ sở khám, chữa bệnh BHYT thực hiện tra cứu thông tin thẻ BHYT bằng CCCD phục vụ khám, chữa bệnh BHYT, qua đó giúp người dân dễ dàng, thuận tiện hơn trong việc khám chữa bệnh.
- Đâu là những rào cản phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số tại Đắk Nông, thưa ông?
Mặc dù đã đạt được một số kết quả nổi bật nhưng công tác chuyển đổi số tại tỉnh Đắk Nông còn khá nhiều những rào cản, khó khăn:
Thứ nhất về chính quyền số: UBND tỉnh đã xây dựng Trung tâm giám sát điều hành thông minh (IOC) từ năm 2022, tuy nhiên hầu hết các ngành chưa xây dựng cơ sở dữ liệu (CSDL) chuyên ngành phục vụ cho công tác quản lý Nhà nước của ngành, lĩnh vực; chỉ một số ít cơ quan đã hoặc đang triển khai. Các CSDL đầu tư rời rạc, trùng lắp gây lãng phí, chưa được đầu tư về hệ thống nền tảng dùng chung, khó khăn cho việc kết nối, chia sẻ dữ liệu với IOC của tỉnh, dẫn đến việc giám sát, quản lý còn chưa toàn diện. Việc cung cấp, sử dụng DVCTT chưa có nhiều chuyển biến tích cực về số lượng. Các cơ quan, đơn vị, địa phương chưa thực sự quan tâm rà soát, kiểm soát TTHC thuộc phạm vi, chức năng của các cơ quan, đơn vị, địa phương.
Thứ hai về kinh tế số, số lượng các doanh nghiệp số trên địa bàn tỉnh còn rất hạn chế, hiện nay chỉ có 03 doanh nghiệp công nghệ số lớn gồm: Viettel Đắk Nông, Viễn thông Đắk Nông, MobiFone Đắk Nông, tỉnh chưa có khu công nghiệp công nghệ thông tin tập trung. Do đó, làm chậm quá trình chuyển đổi số trong kinh tế địa phương, gây khó khăn trong cải tiến năng suất và hiệu quả sản xuất. Thêm vào đó, nhân lực phát triển kinh tế số tại các sở, ngành, địa phương đều rất mỏng.
Thứ ba về xã hội số, kỹ năng số của người dân còn chưa cao và tập trung chủ yếu ở giới trẻ; số lượng người dùng các nền tảng số phục vụ đào tạo, học tập trực tuyến, đọc sách trực tuyến còn thấp; người dân chưa thực sự quan tâm đến việc tự bảo đảm an toàn thông tin trên môi trường mạng. Người dân trên địa bàn tỉnh, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa khó tiếp cận các nền tảng số phục vụ đời sống hằng ngày.
- Để tháo gỡ những rào cản nói trên, Sở đã tham mưu tỉnh những chính sách phát triển ra sao, thưa ông?
Ngoài Nghị quyết số 09/NQ-TU, Đề án Đô thị thông minh, gần đây Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Đắk Nông đã tham mưu UBND tỉnh phê duyệt Đề án Chuyển đổi số tỉnh Đắk Nông đến năm 2030 tại Quyết định số 1061/QĐ-UBND ngày 30/8/2024 với mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 tỉnh Đắk Nông trở thành tỉnh trung bình khá trong cả nước về chuyển đổi số; hình thành và phát triển môi trường số an toàn, tiện ích, phục vụ tối đa nhu cầu sản xuất, kinh doanh cũng như sinh hoạt cộng đồng của người dân; tạo môi trường khởi nghiệp sáng tạo, chủ động tiếp cận và tận dụng các cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, phát triển kinh tế số, kinh tế chia sẻ.
Đề án được xem là mũi nhọn, khâu đột phá trong lộ trình chuyển đổi số của tỉnh Đắk Nông. Tôi hy vọng rằng, Đề án sẽ tạo ra bước tiến vượt bậc, đưa chuyển đổi số của tỉnh phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.
- Trân trọng cảm ơn ông!