Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm gặp Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden. Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN

Đối ngoại

Kỷ nguyên mới trong quan hệ Việt - Mỹ

[ Cẩm Anh thực hiện ] 26/09/2024 11:25

Chuyến công du của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tới Mỹ được kỳ vọng sẽ mang đến những cơ hội hợp tác mới để tiếp tục thúc đẩy mối quan hệ Việt - Mỹ.

viet-nam-hoa-ky.jpeg
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm gặp Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden. Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN

DĐDN đã có cuộc phỏng vấn độc quyền với TS Bùi Ngọc Sơn, Chuyên gia kinh tế độc lập, xung quanh vấn đề này.

- Ông đánh giá như thế nào về mối quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ sau khi hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện?

bui-ngoc-son(1).jpg
TS Bùi Ngọc Sơn, Chuyên gia kinh tế độc lập

Sau một năm hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện, hợp tác giữa hai nước đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Trong lĩnh vực đầu tư, thương mại, quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Mỹ đã mang lại những lợi ích to lớn, khi Mỹ là một trong những thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, đồng thời là nguồn cung ứng công nghệ và đầu tư chất lượng cao.

Việc nâng cấp quan hệ đã tạo điều kiện thuận lợi cho cả hai quốc gia. Đối với phía Việt Nam, đó là khả năng mở rộng thị trường, thu hút đầu tư, cũng như tiếp cận các công nghệ tiên tiến và dòng đầu tư chất lượng cao, góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững của Việt Nam. Còn đối với Mỹ, đó là việc tạo lập một địa bàn quan trọng để đa dạng chuỗi cung ứng và phạm vi ảnh hưởng địa chính trị và kinh tế, bởi vì Việt Nam là một quốc gia quan trọng trong khu vực. Hơn nữa, Việt Nam còn là thành viên quan trọng trong khối ASEAN mà Mỹ xem là một khu vực quan trọng trong chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương.

Một khía cạnh quan trọng khác là hợp tác trong ứng phó với biến đổi khí hậu đã được hai bên chú trọng đẩy mạnh khi cả hai quốc gia đều nhận thức rõ tầm quan trọng của vấn đề này.

- Dự kiến, chuyến công du của Tổng Bí Thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Phu nhân tới Mỹ sẽ mở ra những cơ hội hợp tác trong những lĩnh vực nào trong thời gian tới, thưa ông?

Theo tôi, hợp tác kinh tế sẽ tiếp tục là trọng tâm hàng đầu trong chuyến công du lần này của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm. Việt Nam có tiềm năng trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt trong bối cảnh Mỹ và nhiều nền kinh tế khác đang tìm kiếm sự đa dạng hóa nguồn cung.

Hợp tác trong lĩnh vực chuyển đổi số cũng sẽ là một trong những trọng tâm mà Việt Nam có thể mở rộng hợp tác với Mỹ. Trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0, việc tiếp cận các công nghệ tiên tiến và xây dựng hạ tầng số sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế và nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam.

Việt Nam có tiềm năng trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt trong bối cảnh nước Mỹ và nhiều nền kinh tế khác đã và đang tìm cách đa dạng hóa nguồn cung trong chuỗi cung ứng của mình.

TS Bùi Ngọc Sơn, Chuyên gia kinh tế độc lập

Đặc biệt, với những thách thức lớn từ biến đổi khí hậu, Việt Nam đang đứng trước cơ hội hợp tác sâu rộng hơn với Mỹ và các tổ chức quốc tế như Liên hợp quốc trong việc đưa ra các giải pháp phát triển năng lượng tái tạo, bảo vệ môi trường và xây dựng nền kinh tế xanh. Hai bên có thể cân nhắc ký kết những thỏa thuận về chuyển giao công nghệ sạch, phát triển năng lượng mặt trời, gió, và hợp tác về quản lý tài nguyên nước.

Tôi kỳ vọng hai bên sẽ có những hợp tác cụ thể trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là khi Việt Nam cần xây dựng lực lượng lao động có trình độ cao để đáp ứng yêu cầu của các ngành công nghiệp hiện đại.

- Xin ông cho biết, trong thời gian tới, Việt Nam cần làm gì để thúc đẩy hơn các dự án đầu tư lớn của Mỹ trong các lĩnh vực như công nghệ, điện tử, năng lượng,…?

Việt Nam cần tập trung vào việc cải thiện môi trường đầu tư, phát triển hạ tầng, logistics, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, và xây dựng chính sách khuyến khích các dự án năng lượng tái tạo.

Hiện nay, nhiều công ty Mỹ đang tìm cách giảm sự phụ thuộc vào một số quốc gia nhất định và tìm kiếm các đối tác cung ứng mới. Việt Nam có thể đóng vai trò quan trọng trong việc trở thành một phần của chuỗi cung ứng sản xuất và lắp ráp các sản phẩm công nghệ, điện tử, dệt may, giày dép và nhiều ngành công nghiệp khác.

lanh-dao-doanh-nghiep-hoa-ky-2492024.jpg
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tiếp Chủ tịch phụ trách Đối ngoại Toàn cầu của Meta, ông Nick Clegg. (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)

Mặt khác, việc phát triển cơ sở hạ tầng logistics và hệ thống kho bãi hiện đại vô cùng quan trọng. Điều này không chỉ giúp nâng cao hiệu quả vận chuyển hàng hóa giữa hai quốc gia mà còn tăng cường khả năng cạnh tranh của Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Quan trọng hơn, để thúc đẩy nhanh chóng tất cả các hoạt động này thì Việt Nam cần xem xét việc tạo lập các đặc khu kinh tế với cơ chế thông thoáng, cơ sở hạ tầng, điện, và logistics tốt thì mới nhanh chóng thu hút dòng đầu tư, thúc đẩy hoạt động sản xuất và thương mại.

Đặc biệt, sự hợp tác chặt chẽ giữa chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp cũng sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút các dòng vốn đầu tư chất lượng từ Mỹ.

- Trong bối cảnh Mỹ tăng cường các biện pháp thuế quan đối với Trung Quốc, các doanh nghiệp Trung Quốc đang có xu hướng dịch chuyển sản xuất sang các nước khác để tránh thuế quan Mỹ. Theo ông, Việt Nam cần ứng phó thế nào để tránh lệnh trừng phạt của Mỹ?

Việt Nam cần thực hiện một số biện pháp chủ động và thận trọng để vừa tận dụng được lợi thế kinh tế, vừa đảm bảo tuân thủ các quy tắc thương mại quốc tế. Sự minh bạch và bền vững trong chính sách phát triển kinh tế là yếu tố quan trọng giúp Việt Nam giữ vững vị thế trong thương mại quốc tế.

Cụ thể, Chính phủ cần áp dụng các biện pháp giám sát chặt chẽ hơn đối với các doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt là những doanh nghiệp có vốn đầu tư từ Trung Quốc, để ngăn chặn hành vi gian lận xuất xứ.

Việc lựa chọn các doanh nghiệp nước ngoài có cam kết đầu tư lâu dài và bền vững giúp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh, đồng thời tránh được các rủi ro về chính sách thương mại của các đối tác lớn như Mỹ.

Việt Nam cũng duy trì và mở rộng đối thoại với Mỹ để thấu hiểu các quan ngại về thương mại và tránh những hành động có thể bị coi là vi phạm các quy tắc thương mại quốc tế, cũng như tăng cường lòng tin giữa hai bên.

Quan trọng hơn, Chính phủ cần tiếp tục nâng cao năng lực sản xuất trong nước bằng cách tập trung vào công nghệ cao, tự động hóa, và phát triển các chuỗi cung ứng nội địa để giúp các sản phẩm "Made in Vietnam" có giá trị thực tế cao hơn.

- Trân trọng cảm ơn ông!

[ Cẩm Anh thực hiện ]