Lạng Sơn: Đẩy mạnh tự động hóa, giảm chi phí cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu
Lạng Sơn đề xuất Chính phủ bố trí nguồn vốn; các bộ, ngành hướng dẫn các quy trình, thủ tục liên quan đến xây dựng và vận hành thí điểm cửa khẩu thông minh.
Thúc đẩy số hoá toàn diện
Trong thời gian qua, lãnh đạo Ban Quản lý Khu Kinh tế Đồng Đăng - Lạng Sơn đã chỉ đạo quyết liệt công tác chuyển đổi số. Năm 2024, Ban Quản lý đã chủ trì phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh cùng các cơ quan liên quan tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Quyết định số 06/2024/QĐ-UBND ngày 02/02/2024 về Quy định sử dụng Nền tảng cửa khẩu số.
Song song với đó, Ban Quản lý chỉ đạo Trung tâm Quản lý cửa khẩu tiếp tục triển khai thực hiện việc thu phí không dùng tiền mặt, sử dụng biên lai điện tử trong thu phí sang tải theo Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐND ngày 12/7/2019 của HĐND tỉnh.... Ban Quản lý đã thực hiện số hóa 100% hồ sơ TTHC còn hiệu lực và còn giá trị khai thác sử dụng.
Vừa qua, UBND tỉnh đã đồng ý với đề xuất của Ban Quản lý về việc xây dựng “Nền tảng quản lý Khu kinh tế, Khu công nghiệp tỉnh Lạng Sơn”, giao Sở Thông tin và Truyền thông xem xét, tích hợp vào dự án chuyển đổi số của tỉnh với mục tiêu xây dựng một hệ thống hạ tầng kỹ thuật số đồng bộ, hỗ trợ phát triển bền vững của KKT, KCN; Tăng cường năng lực cạnh tranh thông qua việc sử dụng công nghệ tiên tiến trong quản lý và vận hành; Thúc đẩy quá trình chuyển đổi số toàn diện, hướng đến mô hình quản lý thông minh và hiện đại; Tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên, giảm thiểu lãng phí và tăng cường hiệu quả kinh tế.
Ông Vũ Quang Khánh, Phó Trưởng Ban Phụ trách Ban Quản lý Khu Kinh tế Đồng Đăng - Lạng Sơn cho biết, từ khi triển khai thực hiện Nền tảng cửa khẩu số (ngày 21/02/2022) đến nay, 100% các doanh nghiệp đã khai báo trực tuyến trên Nền tảng cửa khẩu số trước khi phương tiện đến cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, cửa khẩu Tân Thanh và được xử lý trên Nền tảng của khẩu số. Các lực lượng chức năng tại cửa khẩu và các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hoạt động xuất, nhập khẩu qua cửa khẩu đã nắm được các bước thực hiện theo quy trình, thành thạo khai báo thông tin trực tuyến và đã có hơn 2.122 doanh nghiệp và 11.785 lái xe đăng ký tài khoản trên Nền tảng cửa khẩu số.
Ông Khánh đánh giá, Nền tảng cửa khẩu số vừa góp phần nâng cao công tác quản lý các hoạt động tại cửa khẩu của các lực lượng chức năng, vừa tạo điều kiện thuận lợi, tiết giảm thời gian, chi phi thực hiện các thủ tục thông quan hàng hóa xuất, nhập khẩu cho các doanh nghiệp, đặc biệt góp phần tạo môi trường kinh doanh công bằng, công khai, minh bạch cho các doanh nghiệp.
Ông Vũ Văn Hồng Quân (Công ty TNHH Hồng Minh) chia sẻ, chúng tôi thực hiện các thủ tục xuất nhập khẩu hàng hoá qua cửa khẩu Tân Thanh rất thuận lợi nhờ việc tỉnh quan tâm đẩy mạnh thực hiện số hoá, doanh nghiệp đỡ mất thời gian và các chi phí phát sinh. Các cơ quan Hải Quan, Biên phòng và Trung tâm Quản lý cửa khẩu phối hợp rất chặt chẽ, tạo thuận lợi cho hoạt động thông quan hàng hoá. Bên cạnh đó, Ban Quản lý Khu Kinh tế cũng thường xuyên, kịp thời tuyên truyền, thông tin về hoạt động xuất nhập khẩu, thương mại biên giới, các cơ chế quản lý, chính sách xuất nhập khẩu của phía Trung Quốc để chủ động tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp.
Tiến tới cửa khẩu thông minh
Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh Lạng Sơn Hồ Tiến Thiệu cho biết, ngày 17/8, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 865/QĐ-TTg phê duyệt Đề án thí điểm xây dựng cửa khẩu thông minh tại đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa khu vực mốc 1119-1120 và đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa khu vực mốc 1088/2-1089 thuộc cặp cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Lạng Sơn, Việt Nam) - Hữu Nghị Quan (Trung Quốc). Sau khi Thủ tướng phê duyệt Đề án, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành liên quan tập trung thực hiện ngay các công việc xây dựng và điều chỉnh các quy hoạch liên quan đến việc triển khai thực hiện Đề án; triển khai các thủ tục liên quan đến thi công các công trình trên biên giới; khảo sát, thiết kế, lập dự án chuẩn bị đầu tư đối với các hạng mục liên quan Đề án.
Chủ tịch tỉnh Hồ Tiến Thiệu khẳng định, việc triển khai thí điểm xây dựng cửa khẩu thông minh áp dụng hình thức giao nhận hàng hóa xuất nhập khẩu mới dựa trên cơ sở ứng dụng khoa học, công nghệ hiện đại vào quy trình thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa, xuất nhập cảnh phương tiện vận tải trong quá trình giao, nhận hàng hóa nhằm nâng cao năng lực, hiệu suất thông quan tại cửa khẩu đường bộ, đáp ứng nhu cầu giao thương ngày càng tăng.
Được biết, Đề án thí điểm xây dựng cửa khẩu thông minh bắt đầu triển khai từ quý III/2024 đến hết quý III/2029, chia thành 2 giai đoạn. Giai đoạn 1, từ quý III/2024 đến hết quý II/2026, UBND tỉnh Lạng Sơn sẽ tập trung triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng cửa khẩu thông minh thuộc trách nhiệm Nhà nước. Giai đoạn 2, từ quý III/2026 đến hết quý III/2029 sẽ triển khai vận hành thí điểm cửa khẩu thông minh. Đồng thời tiếp tục triển khai đầu tư hoàn thành mở rộng hạ tầng khu vực cửa khẩu bảo đảm đồng bộ với phía Trung Quốc, trọng tâm là hạ tầng bến bãi.
Theo kế hoạch, trong giai đoạn 1, tỉnh Lạng Sơn sẽ mở rộng đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa khu vực mốc 1088/2-1089 từ 4 làn xe lên 8 làn xe (4 làn xe xuất, 4 làn xe nhập, trong đó có 1 làn xe xuất và 1 làn xe nhập cho phương tiện vận chuyển không người lái). Đồng thời, mở rộng đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa khu vực mốc 1119-1120 từ 6 làn xe lên 8 làn xe (4 làn xe xuất, 4 làn xe nhập, trong đó có 1 làn xe xuất và 1 làn xe nhập cho phương tiện vận chuyển không người lái). Song song với đó, tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng, mở rộng bến bãi trong khu vực cửa khẩu để đáp ứng điều kiện triển khai mô hình cửa khẩu thông minh.
Vừa qua (22/09), tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn để xem xét tình hình triển khai thực hiện Đề án thí điểm xây dựng cửa khẩu thông minh tại đường chuyên dụng vận chuyển hàng hoá khu vực mốc 1119 - 1120 và đường chuyên dụng vận chuyển hàng hoá khu vực mốc 1088/2 - 1089 thuộc cặp cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Việt Nam) - Hữu Nghị Quan (Trung Quốc), Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc đánh giá cao tỉnh Lạng Sơn đã nỗ lực, chủ động xây dựng và triển khai thực hiện Đề án thí điểm xây dựng cửa khẩu thông minh.
Nhấn mạnh việc xây dựng cửa khẩu thông minh giữ vai trò quan trọng, thúc đẩy phát triển kinh tế của tỉnh Lạng Sơn và cả nước, Phó Thủ tướng đề nghị tỉnh Lạng Sơn khẩn trương thực hiện điều chỉnh quy hoạch, tính toán kỹ lưỡng các yếu tố bảo đảm về quốc phòng, an ninh, phòng chống thiên tai trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Lập các dự án khả thi để bố trí vốn đầu tư, nhất là các công trình trụ sở làm việc, mở rộng tuyến đường chuyên dụng, tính toán đến nhu cầu trong tương lai, hiện đại, tiện ích, giảm thiểu phiền hà cho doanh nghiệp, đáp ứng nhu cầu phát triển.
Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc đề nghị các bộ, ngành và tỉnh Lạng Sơn cần đảm bảo tiến độ những hạng mục được giao trong thực hiện Đề án thí điểm xây dựng cửa khẩu thông minh đã được phê duyệt. Xây dựng đồng bộ hạ tầng, trang thiết bị kiểm tra chất lượng hàng hóa. Đặc biệt, cần đẩy mạnh đơn giản hóa thủ tục hành chính theo hướng tinh gọn, ít đầu mối, giảm các khâu trung gian, tiết kiệm thời gian thông quan cho doanh nghiệp. Phó Thủ tướng Hồ Đức nhấn mạnh, phải đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tự động hóa trong thực hiện các quy trình xuất nhập khẩu, gắn liền với cải cách thủ tục hành chính để “cửa khẩu thông minh phải thực sự thông minh”, giảm chi phí cho doanh nghiệp.
Thực hiện Đề án thí điểm xây dựng cửa khẩu thông minh, Lạng Sơn phấn đấu đến năm 2027, nâng cao năng lực thông quan tại đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa khu vực mốc 1119 - 1120 và đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa khu vực mốc 1088/2-1089 gấp 2-3 lần so với thời điểm hiện nay.
Năm 2030, phấn đấu nâng cao năng lực thông quan tại đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa khu vực mốc 1119 - 1120 và đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa khu vực mốc 1088/2-1089 gấp 4-5 lần so với thời điểm hiện nay. Đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa khu vực mốc 1119 - 1120 tăng từ 800 xe/ngày lên 3.000 - 3.500 xe/ngày; đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa khu vực mốc 1088/2-1089 tăng từ 400 xe/ngày lên 2.000 - 2.500 xe/ngày. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tất cả các loại hình qua đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa khu vực mốc 1119 - 1120 đạt khoảng 85 tỷ USD, qua đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa khu vực mốc 1088/2-1089 đạt khoảng 25 tỷ USD.