Sửa Luật Đầu tư: Tăng phân cấp, phân quyền cho địa phương
Để tăng tốc thực hiện các dự án, các chuyên gia đưa ra một số đề xuất nhằm hoàn thiện quy định liên quan đến tăng phân cấp phân quyền cho địa phương...
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu (Dự thảo) đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư lấy ý kiến.
Tháo gỡ khó khăn về thể chế, pháp luật
Dự thảo gồm 6 điều, trong đó 04 điều sửa đổi, bổ sung một số quy định của 04 luật hiện hành, 01 điều quy định về điều khoản chuyển tiếp và 01 điều quy định về hiệu lực thi hành.
Mục tiêu của việc sửa đổi, bổ sung một số điều của 4 luật nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về thể chế, pháp luật, khơi thông và phát huy nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội; giải quyết các khó khăn, vướng mắc cấp thiết trong thực tiễn triển khai liên quan đến công tác quy hoạch, thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh, đầu tư theo phương thức đối tác công tư và hoạt động đấu thầu; đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng cường phân cấp, phân quyền cho địa phương gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát…
Theo đó, đối với Luật Đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất sửa đổi theo hướng đẩy mạnh phân quyền chấp thuận chủ trương đầu tư cho UBND cấp tỉnh, bổ sung quy định về thành lập Quỹ hỗ trợ đầu tư và sửa đổi quy định về chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư, bổ sung quy định về thủ tục đầu tư đặc biệt cho các dự án đầu tư vào một số lĩnh vực cần ưu tiên thu hút đầu tư.
Tại Điều 2 (Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư), Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị bãi bỏ quy định tại điểm h khoản 1 Điều 31 và bổ sung điểm đ vào khoản 1 Điều 32 Luật Đầu tư để phân quyền cho UBND cấp tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư dự án xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp.
Sửa đổi, bổ sung quy định tại điểm d khoản 1 Điều 31 và bổ sung điểm e vào khoản 1 Điều 32 Luật Đầu tư để phân quyền cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng mới gồm bến cảng, khu bến cảng.
Phân cấp thẩm quyền chấp thuận đầu tư
Đồng tình chủ trương phân cấp thẩm quyền đầu tư cho địa phương, song đại diện Bộ Tài chính lưu ý trường hợp phân cấp đối với các dự án khu công nghiệp có quy mô lớn bởi các dự án này không chỉ tác động tới địa phương đó mà còn ảnh hưởng tới nhiều khu lân cận.
Do vậy, nên cân nhắc phân loại theo quy mô dự án để phân cấp cho địa phương; nếu phân cấp thì phải gắn với cơ chế kiểm tra, giám sát.
Đồng thời, đại diện Bộ Tài chính đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo làm rõ một số nội dung như cách thức xử lý tài sản của doanh nghiệp sau khi dự án đầu tư bị chấm dứt do nhà đầu tư không tuân theo quy định pháp luật; cấp nào có thẩm quyền quyết định ưu đãi đặc biệt; ngành nghề được ưu đãi đầu tư…
Liên quan đến vấn đề này, mới đây tại văn bản góp ý Dự thảo, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, quy định tại Dự thảo sẽ góp phần thúc đẩy nhanh hơn các dự án đầu tư khi phân cấp thẩm quyền quản lý cho địa phương. Trên tinh thần về phân cấp thẩm quyền này, VCCI cũng đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc xem xét, sửa đổi một số điểm chưa hợp lý.
Theo VCCI, Điều 31 và Điều 32 Luật đầu tư 2020 (được sửa đổi bổ sung tại Điều 3 Luật số 03/2022/QH15 ngày 11/01/2022) quy định rõ thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ và UBND cấp tỉnh đối với dự án đầu tư phù hợp với quy định của pháp luật về di sản văn hóa.
Trong khi đó, theo quy định của Luật Di sản văn hóa (Điều 32), việc xây dựng công trình trong khu vực bảo vệ II đối với di tích cấp tỉnh phải được sự đồng ý bằng văn bản của Chủ tịch UBND cấp tỉnh, đối với di tích quốc gia và di tích quốc gia đặc biệt phải được sự đồng ý của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Như vậy, việc xây dựng các công trình trong các khu vực bảo vệ di tích đều lấy ý kiến của cấp địa phương hoặc cơ quan quản lý của bộ, ngành, không lên đến Thủ tướng Chính phủ.
Vì vậy, VCCI cho rằng, có thể cân nhắc để phân cấp “dự án đầu tư phù hợp với quy định của pháp luật về di sản văn hóa không phân biệt quy mô diện tích đất, dân số thuộc phạm vi khu vực bảo vệ I và II của di tích được cấp có thẩm quyền công nhận là di tích quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt hoặc di tích quốc gia đặc biệt thuộc Danh mục di sản thế giới” cho Chủ tịch UBND cấp tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư.
“Đề nghị Ban soạn thảo bỏ điểm g1 Điều 31 của Luật Đầu tư và bổ sung thêm thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Chủ tịch UBND cấp tỉnh tại Điều 32 đối với dự án đầu tư thuộc phạm vi phân cấp nêu trên”, VCCI nhấn mạnh.