24h

Tăng cường hiệu quả quản lý thuế đối với thương mại điện tử

Yến Nhung 25/09/2024 11:00

Theo các chuyên gia, việc loại bỏ dữ liệu trùng lặp là rất cần thiết để nâng cao hiệu quả của kết nối giữa các cơ sở dữ liệu, giảm thất thu thuế.

Thực tế cho thấy, thương mại điện tử Việt Nam phát triển rất nhanh trong vòng 10-15 năm qua, đặc biệt 5 năm gần đây, tốc độ tăng trưởng duy trì từ 20-25% một năm. Cách đây khoảng 10 năm, quy mô thị trường thương mại điện tử bán lẻ của Việt Nam vào thời điểm đó đạt khoảng 2,2 tỷ USD, nhưng đến năm 2023, theo thống kê, đánh giá của Bộ Công Thương thì quy mô thị trường thương mại điện tử bán lẻ đã đạt mức 20,5 tỷ USD, chiếm 8% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng toàn quốc. Tỷ lệ này đang được dự đoán đạt 10% vào năm 2025.

tmdt-16545725212371961594016 (1)
Thương mại điện tử Việt Nam phát triển rất nhanh trong vòng 10-15 năm qua, đặc biệt 5 năm gần đây - Ảnh minh họa: ITN

Thương mại điện tử phát triển nhanh và mạnh đã đóng góp rất tích cực cho việc phát triển mô hình thương mại khá hiện đại trong những năm qua, đặc biệt trong giai đoạn dịch COVID-19 khi giãn cách xã hội và giảm sự tiếp xúc giữa các đối tượng. Đây là phương thức rất hiệu quả để có thể phân phối hàng hóa, dịch vụ đến với người tiêu dùng cuối. Đồng thời, đây cũng là kênh để các doanh nghiệp vừa, nhỏ, siêu nhỏ có thể tham gia kinh doanh, mở rộng thị trường, nâng cao thu nhập cũng như tăng sức cạnh tranh của mình trên thị trường trong và ngoài nước.

Tuy nhiên, với tốc độ tăng trưởng nhanh như thế, đặt ra bài toán phải phát triển bền vững. Đó là bảo đảm được sự cạnh tranh lành mạnh cũng như bảo đảm việc tuân thủ pháp luật của chủ thể tham gia thị trường, đó là việc tuân thủ nghĩa vụ về thuế.

images3213443-1sc (1)
Theo các chuyên gia, việc loại bỏ dữ liệu trùng lặp là rất cần thiết để nâng cao hiệu quả của kết nối giữa các cơ sở dữ liệu, giảm thất thu thuế - Ảnh minh họa: ITN

Liên quan đến vấn đề này, bà Lại Việt Anh, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương cho rằng, để nâng cao hiệu quả quản lý thuế, một trong những mấu chốt là việc xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý một cách toàn diện và ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý.

Trên môi trường điện tử, hoạt động quản lý của chúng ta phải tận dụng tối ưu những công cụ trên môi trường trực tuyến, điện tử. Thực hiện Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 30/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển thương mại điện tử và chống thất thu thuế, trong hơn 1 năm qua, Bộ Công Thương đã phối hợp rất chặt với các cơ quan liên quan như Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính, Bộ Thông tin và Truyền thông để ứng dụng công nghệ thông tin và phát triển cơ sở dữ liệu phục vụ cho quản lý thuế.

“Chúng tôi đã chia sẻ dữ liệu về hơn 1.000 chủ thể sở hữu nền tảng thương mại điện tử ở dạng website hay dạng ứng dụng; tiến tới chia sẻ dữ liệu của khoảng 50.000 những chủ thể sở hữu website thương mại điện tử bán hàng. Chúng tôi hy vọng rằng thông tin chia sẻ, kết nối, tiến tới đồng bộ hóa dữ liệu giữa các cơ quan quản lý nhà nước có thể tăng hiệu quả công tác quản lý, giúp giảm thời gian cho doanh nghiệp phải thực hiện thủ tục với nhiều cơ quan khác nhau”, bà Lại Việt Anh nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, theo chuyên gia này, yếu tố thứ hai Bộ Công Thương làm trong giai đoạn qua là ứng dụng công nghệ thông tin, những công nghệ mới phân tích dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo để giúp sàng lọc thông tin, giám sát hoạt động thương mại điện tử trên môi trường trường trực tuyến và phát hiện hành vi sai phạm. Đây cũng là một công tác để có thể giúp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực này.

Ngoài ra, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật đối với các chủ thể kinh doanh cũng là một lĩnh vực rất quan trọng. Bộ Công Thương đã đồng hành với Tổng cục Thuế tổ chức rất nhiều chương trình nhằm phổ biến cho doanh nghiệp nắm rõ quy định pháp luật, những nghĩa vụ liên quan và hướng dẫn doanh nghiệp tuân thủ nghĩa vụ về thuế trong quá trình thực hiện kinh doanh trên môi trường trực tuyến.

Đồng quan điểm, ông Trần Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số, Bộ Thông tin và Truyền thông khẳng định, sự phối hợp giữa các bộ, ngành sẽ giúp quản lý hiệu quả hoạt động thương mại điện tử.

Tuy nhiên, ông cũng chỉ ra thách thức lớn hiện nay là cơ sở hạ tầng điện toán đám mây, cơ sở dữ liệu và các trung tâm dữ liệu chưa đủ mạnh để đáp ứng sự phát triển nhanh chóng của thương mại điện tử (tăng trưởng 20-25% mỗi năm). Dữ liệu ngày càng lớn và thay đổi nhanh chóng, đòi hỏi hạ tầng thông tin phải đủ mạnh để lưu trữ và cập nhật kịp thời.

Để giải quyết vấn đề này, ông Tuấn cho biết, Bộ Thông tin và Truyền thông đã trình Thủ tướng Chính phủ Dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Giao dịch điện tử. Theo đó, các hệ thống giao dịch điện tử, bao gồm cả thương mại điện tử có trên 3 triệu người dùng sẽ được coi là hệ thống lớn, trên 10 triệu người dùng sẽ được xem là rất lớn và cần định kỳ báo cáo cơ quan nhà nước, đồng thời chia sẻ dữ liệu để hỗ trợ công tác quản lý.

“Bên cạnh đó, Thông tư về hệ thống tiếp nhận và quản lý nhà nước về thương mại điện tử cũng đang được xây dựng, sử dụng các công nghệ như trí tuệ nhân tạo và blockchain để đối phó với sự thay đổi nhanh chóng của mô hình kinh doanh thương mại điện tử”, ông Tuấn chia sẻ.

Yến Nhung