Phân tích - Bình luận

Vì sao Ấn Độ "ngoảnh mặt" với RCEP?

Trương Khắc Trà 25/09/2024 04:03

Ấn Độ không tham gia RCEP là bởi họ chưa sẵn sàng mở cửa cho hàng hóa Trung Quốc, và có những toan tính riêng của mình.

r-4-1200x675.jpg
RCEP là cam kết thương mại lớn nhất thế giới (Ảnh: internet)

RCEP - Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực, là thỏa thuận thương mại lớn nhất thế giới. Với nhiều nhà quan sát, Ấn Độ không tham gia RCEP là một “lỗ hổng” lớn. Mới đây, Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ Piyush Goyal đã tiết lộ lý do quốc gia này không tham gia hiệp định này.

Vào thời điểm đàm phán RCEP năm 2019, Ấn Độ đã chọn không tham gia, với lý do các vấn đề “lợi ích cốt lõi” quốc gia chưa được giải quyết. Quốc gia Nam Á đã có một hiệp định thương mại tự do với ASEAN, Nhật Bản và Hàn Quốc, cũng như một thỏa thuận thương mại song phương với New Zealand.

Với quan điểm toàn diện, New Delhi cho rằng, việc tham gia một hiệp định thương mại tự do với Trung Quốc không nằm trong lợi ích của quốc gia này. Điều này không phản ánh sự thù nghịch giữa hai nền kinh tế mà là tính bất dung hòa giữa hai nền sản xuất.

Ông Piyush Goyal cho rằng: “RCEP không phù hợp với lợi ích của nông dân, không phản ánh nguyện vọng của các ngành công nghiệp và khu vực vừa và nhỏ, siêu nhỏ của chúng tôi và ở một hình thức nào đó, nó chẳng khác gì một hiệp định thương mại tự do với Trung Quốc”.

Giới chức Ấn Độ lo ngại phải mở cửa thị trường tiềm năng cho doanh nghiệp Trung Quốc với khả năng sản xuất giá rẻ vượt quá mọi nhu cầu. Ví dụ từ tấm pin mặt trời đến ô tô, thép, nhôm, pin xe điện Trung Quốc đã sản xuất quá nhiều dẫn đến sự gia tăng xuất khẩu giá rẻ sang các thị trường nước ngoài.

Nói cách khác, chiến lược kinh tế của Thủ tướng Ấn Độ Modi không ưu tiên cho phân khúc hàng giá rẻ, không lấy giá rẻ làm động lực cạnh tranh cho nền kinh tế. Bởi vậy, họ đã cân nhắc cấm các nhà sản xuất smartphone Trung Quốc bán thiết bị dưới 12.000 rupee/chiếc.

Nền kinh tế Nam Á đang đi trên hành trình để trở thành trung tâm sản xuất toàn cầu, đại diện bởi các ngành công nghiệp mới, có chọn lọc, giàu giá trị chất xám. Khác với “người hàng xóm” - sản xuất bất cứ thứ gì nếu có nhu cầu.

New Delhi coi nhiều thực thể kinh tế Trung Quốc là mối đe dọa. Từ sau cuộc đụng độ tại biên giới hai nước năm 2020, chính quyền Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã chặn nhiều hãng công nghệ lớn của Trung Quốc. Nước này cấm hàng trăm dịch vụ, bao gồm WeChat của Tencent, TikTok của ByteDance.

20210415pht02103_original.jpg
Ấn Độ có kế hoạch riêng, trở thành trung tâm công nghệ cao toàn cầu (Ảnh: europarl)

Mặt khác, Ấn Độ có tính toán riêng trở thành một địa điểm thay thế trong khu vực, đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn. Ấn Độ đặt mục tiêu trở thành một trung tâm sản xuất chip lớn tương tự như Hoa Kỳ, Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc, tích cực tìm kiếm các công ty nước ngoài để thiết lập hoạt động tại quốc gia này.

Đầu năm nay, Ấn Độ đã khánh thành ba nhà máy sản xuất chất bán dẫn, nâng tổng số nhà máy đang được phát triển tại Ấn Độ lên 4 nhà máy bán dẫn. Chiến lược chip của Ấn Độ có hai thành phần chính: thu hút các công ty nước ngoài thành lập hoạt động và đầu tư vào quốc gia này, cũng như hình thành quan hệ đối tác với các quốc gia có trình độ bán dẫn hàng đầu.

Trương Khắc Trà