Kinh tế thế giới

Trung Quốc "mạnh tay" kích thích kinh tế để đạt mục tiêu tăng trưởng

Cẩm Anh 25/09/2024 03:09

Trung Quốc đang tung ra loạt biện pháp kích thích kinh tế để đạt mục tiêu tăng trưởng hàng năm.

untitled.jpg
Trung Quốc đang tung ra loạt biện pháp kích thích kinh tế để đạt mục tiêu tăng trưởng hàng năm.

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đã tung ra một loạt chính sách hỗ trợ cho nền kinh tế để đạt được mục tiêu tăng trưởng năm nay khoảng 5%.

Thống đốc PBoC Pan Gongsheng đã công bố việc cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc của các ngân hàng xuống mức thấp nhất kể từ năm 2020, và cắt giảm lãi suất chính sách quan trọng.

Đây là lần đầu tiên trong ít nhất một thập kỷ, cả hai biện pháp này được thực hiện cùng ngày, nhấn mạnh sự cấp bách của nhiệm vụ mà BPoC đang đối mặt.

Người đứng đầu PBoC cũng công bố một gói hỗ trợ cho thị trường bất động sản đang gặp khó khăn của quốc gia này, bao gồm việc hạ chi phí vay đối với các khoản thế chấp lên tới 5,3 nghìn tỷ đô la Mỹ và nới lỏng các quy định đối với việc mua nhà thứ hai. Ông cho biết thêm, Trung Quốc sẽ cho phép các quỹ và công ty môi giới khai thác tiền của PBoC để mua cổ phiếu.

Các thị trường tài chính đã phản ứng thận trọng với gói kích thích kinh tế này của Trung Quốc. Chỉ số CSI 300 tăng 0,5% trong ngày, đánh dấu phiên tăng thứ năm liên tiếp, với khoảng 200 công ty trong chỉ số này ghi nhận mức tăng. Thị trường hàng hóa đạt được mức tăng nhẹ và đồng Nhân dân tệ hầu như không thay đổi so với đồng đô la Mỹ. Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Trung Quốc giảm xuống mức thấp kỷ lục 2% lần đầu tiên.

Mặc dù các nhà kinh tế đồng ý rằng loạt chính sách của PBoC đã vượt kỳ vọng, nhiều người vẫn hoài nghi liệu chúng có thể giải quyết được các vấn đề đang cản trở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới hay không, bao gồm nhu cầu tiêu dùng yếu kém, nguyên nhân dẫn đến đợt giảm phát dài nhất của Trung Quốc kể từ năm 1999.

"Rất khó nói có giải pháp thần kỳ nào có thể giải quyết mọi thứ," Ken Wong, chuyên gia danh mục cổ phiếu châu Á tại Eastspring Investments Hong Kong, cho biết và nhấn mạnh dù việc nới lỏng tiền tệ là tích cực, nhưng cần nhiều biện pháp hơn để củng cố tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trong quý IV.

a.jpg
Trung Quốc sẽ tăng cường cải cách theo định hướng thị trường để thúc đẩy phát triển. Ảnh: Xinhua

Chính phủ Trung Quốc đã cố gắng thúc đẩy nền kinh tế mà không cần đến các gói kích thích khổng lồ như của những năm trước, nhưng cho đến nay, những nỗ lực nhỏ lẻ vẫn chưa thể ngăn chặn được đà suy thoái kinh tế. Các nhà kinh tế tại các ngân hàng Phố Wall bao gồm JPMorgan Chase dự đoán Trung Quốc sẽ không đạt được mục tiêu tăng trưởng của năm nay.

Việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm 0,5%, mức lớn hơn dự kiến ​​vào tuần trước đã tạo điều kiện cho các ngân hàng trung ương trên khắp châu Á nhiều không gian hơn để hành động. Động thái quyết đoán của PBoC nhằm tạo tiền đề cho Bộ Tài chính Trung Quốc công bố những nỗ lực của riêng mình nhằm thúc đẩy tăng trưởng, trong bối cảnh có những chỉ trích rằng các biện pháp hỗ trợ tài khoá đang chậm lại.

Chuyên gia kinh tế trưởng phụ trách Trung Quốc của ANZ, Raymond Yeung nhận định về gói kích thích này: "Gói kích kinh tế của Trung Quốc còn lâu mới tạo được cú hích đủ lớn để vực dậy kinh tế nước này. Chúng tôi không chắc việc cắt giảm lãi suất thế chấp sẽ thúc đẩy sự phục hồi của lĩnh vực bất động sản như thế nào".

Trên thực tế, gói cứu trợ bất động sản của Trung Quốc được công bố vào tháng 5 đã không thể đảo ngược tình trạng khủng hoảng bất động sản kéo dài nhiều năm đã xóa sổ khoảng 18 nghìn tỷ đô la Mỹ giá trị tài sản của các hộ gia đình.

Ông Becky Liu, Trưởng bộ phận chiến lược vĩ mô Trung Quốc tại Standard Chartered cho biết: "Việc nới lỏng chính sách tiền tệ của PBoC được thực hiện mạnh mẽ hơn dự kiến. Chúng tôi thấy PBoC có khả năng nới lỏng tiền tệ mạnh tay hơn nữa trong các quý tới, sau khi Fed giảm lãi suất mạnh mẽ."

Cẩm Anh