Doanh nghiệp

Doanh nghiệp kiến nghị giải pháp phát triển bền vững ngành tôm

Thy Hằng 25/09/2024 10:25

Doanh nghiệp cho rằng, cần thay đổi tư duy thay vì chạy theo sản lượng cần phải chú trọng vấn đề bền vững và hiệu quả.

Tháng 8/2024, xuất khẩu tôm Việt Nam đạt 404 triệu USD, tăng 20% so với tháng 8/2023. Xuất khẩu tôm trong tháng 8 tiếp tục ghi nhận giá trị cao nhất kể từ đầu năm và ghi nhận mức tăng trưởng tốt nhất kể từ tháng 2 năm nay. Lũy kế 8 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu tôm đạt hơn 2,4 tỷ USD, tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái.

20230418090613639nganh-tom-truoc-ap-luc-gia-nguyen-lieu-2076-1.jpeg
8 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu tôm đạt hơn 2,4 tỷ USD, tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tháng 8 năm nay, xuất khẩu tôm tiếp tục ghi nhận tăng trưởng 2 con số ở hầu hết các thị trường tiêu thụ chính như Mỹ, Trung Quốc, EU. Các thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc ghi nhận vẫn duy trì được đà tăng nhẹ.

Tồn kho giảm bớt, nhu cầu nhập hàng phục vụ các dịp lễ cuối năm khiến cho các thị trường tăng cường nhập khẩu. Bên cạnh đó, giá tôm nguyên liệu từ các nước sản xuất trên thế giới cũng như Việt Nam có xu hướng tăng, tác động tích cực lên giá tôm xuất khẩu.

Đối với thị trường Mỹ, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ tăng 21% đạt 91 triệu USD trong tháng 8. Lũy kế 8 tháng, xuất khẩu tôm sang thị trường này đạt 482 triệu USD, tăng 7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Lượng hàng tồn kho tại Mỹ đã giảm, các nhà bán lẻ cần bổ sung hàng tồn kho trước mùa lễ hội cuối năm. Thông tin tích cực về nền kinh tế Mỹ cũng phần nào giúp xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ khả quan hơn.

Đối với thị trường Trung Quốc, xuất khẩu tôm Việt Nam sang thị trường này tiếp tục xu hướng phục hồi trong tháng 8 với mức tăng trưởng 2 con số so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 8 tháng, xuất khẩu tôm sang thị trường này đạt 477 triệu USD, tăng 21% so với cùng kỳ năm ngoái.

Xuất khẩu tôm Việt Nam sang Trung Quốc tăng trở lại nhờ nhu cầu nhập khẩu từ thị trường này tăng. Bên cạnh đó, Ecuador (đối thủ cạnh tranh chính của tôm Việt Nam tại thị trường Trung Quốc) phải đối mặt với kiểm tra gắt gao từ Trung Quốc và có một số lô hàng đã bị từ chối trong tháng 6 dư lượng sodium metabisulfite. Điều này ảnh hưởng tới xuất khẩu tôm Ecuador sang Trung Quốc.

Theo Hải quan Trung Quốc, trong 7 tháng đầu năm nay, lượng tôm nước ấm đông lạnh nhập khẩu vào Trung Quốc giảm 11% về khối lượng và 23% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái xuống 529.116 tấn tương đương 2,5 tỷ USD. Tình hình kinh tế ở Trung Quốc không mấy khả quan, làm giảm sức mua của người tiêu dùng. Tuy vậy, Tết Trung thu và kỳ nghỉ lễ Quốc khánh ở Trung Quốc dự kiến sẽ thúc đẩy tiêu thụ tôm tại đây.

Bản sao 1210tom-16469900154151914845978
Giá tôm nguyên liệu từ các nước sản xuất trên thế giới cũng như Việt Nam có xu hướng tăng, tác động tích cực lên giá tôm xuất khẩu.

Để nâng cao sức cạnh tranh của ngành tôm đến phát triển nông nghiệp bền vững ông Lê Văn Quang, Tổng Giám đốc Tập đoàn Thuỷ sản Minh Phú nhấn mạnh, cần thay đổi tư duy, thay vì chạy theo sản lượng, công nghệ cao (số lượng) cần phải chú trọng vấn đề bền vững và hiệu quả (chất lượng, môi trường, sức khoẻ và giá bán).

Cụ thể, chính sách quy hoạch và quản lý về giống, Bộ NN&PTNT nghiên cứu đề xuất sửa đổi về quy định đối với việc sản xuất tôm giống; cho phép các doanh nuôi tôm lớn gia hóa chọn giống theo hướng chọn lọc tự nhiên để có được tôm giống kháng bệnh, thích nghi với thời tiết, khí hậu và môi trường của từng vùng nuôi.

Về phương pháp nuôi trồng, nuôi trồng cây, con theo Công nghệ sinh học vừa sức tải của môi trường, thân thiện với môi trường và giảm thải carbon. Minh Phú đang hướng dẫn và chuyển giao cho các hộ nuôi tôm công nghệ sinh học MPBiO tích hợp 9 công nghệ nuôi tôm hàng đầu thế giới giúp tỷ lệ thành công từ 90% trở lên với giá thành bằng và thấp hơn Ecuador mà lại có màu sắc đỏ đẹp hương vị thơm ngon bán được giá cao hơn 20%.

Hệ thống kênh cấp và thoát nước, theo ông Quang, Nhà nước đầu tư xây dựng hệ thống kênh rạch, đê điều, hệ thống cấp, thoát nước riêng biệt.

Về vật tư nông nghiệp sinh học, ông Quang đề xuất hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam ứng dụng và phát triển các phân bón, thức ăn sinh học, chế phẩm sinh học cho vật nuôi, cây trồng. Thực hiện ngành nông nghiệp theo hướng kinh tế tuần hoàn biến các chất thải, các phế liệu, các phế phẩm của ngành nông nghiệp thành các sản phẩm có giá trị và quay lại phục vụ ngành nông nghiệp phát triển bền vững.

Theo Tổng Giám đốc Minh Phú, Nhà nước cần đầu tư cơ sở nền tảng số hóa, AI hóa cho ngành nông nghiệp. Đồng thời, đầu tư xây dựng các khu công nghiệp đô thị, các khu công nghiệp nuôi trồng chuyên nghiệp nhất là đầu tư các khu phức hợp bao gồm công nghiệp chế biến, gắn với công nghiệp nuôi trồng và khu dân cư đô thị tiện ích), các trung tâm thương mại, logistics và phân phối sản phẩm nông nghiệp. Đề nghị Nhà nước hỗ trợ khâu quy hoạch, Minh Phú sẵn sàng bỏ nguồn lực để đầu tư xây dựng, đang dự kiến một số khu công nghiệp tôm ở Kiên Giang, Cà Mau; 02 trung tâm xúc tiến nông sản ở Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh.

Thy Hằng