Kinh tế địa phương

Ninh Thuận: Đẩy mạnh chuyển đổi số để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội

Minh Châu 25/09/2024 08:44

Đến nay, có thể khẳng định Ninh Thuận đã triển khai công tác chuyển đổi số một cách bài bản, khoa học, sáng tạo, hiệu quả, đạt nhiều kết quả tích cực.

Hưởng ứng ngày Chuyển đổi số quốc gia (10/10), sáng 24/9, tỉnh Ninh Thuận tổ chức Hội thảo thúc đẩy chuyển đổi số năm 2024 với chủ đề “Phổ cập hạ tầng số và sáng tạo ứng dụng số để phát triển kinh tế số - Động lực mới cho tăng trưởng kinh tế và năng suất lao động”.

Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Nguyễn Long Biên nhấn mạnh, hội thảo là dịp để cán bộ, lãnh đạo các cấp, cộng đồng người dân, doanh nghiệp cùng tham gia cập nhật kiến thức về chuyển đổi số, từ đó giúp hình thành tầm nhìn dài hạn cho quá trình chuyển đổi số ở mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương.Hội thảo cung cấp những vấn đề cơ bản nhằm thống nhất về nhận thức làm cơ sở để toàn hệ thống chính trị vào cuộc mạnh mẽ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý điều hành, thúc đẩy phát triển kinh tế - hội của địa phương.

154340-ong-nguyen-long-bien-pho-chu-tich-ubnd-tinh-ninh-thuan-phat-bieu-tai-hoi-thao-anh-nguyen-thanh-ttxvn.jpg
Ông Nguyễn Long Biên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận phát biểu tại Hội thảo.

Sau gần 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 29/11/2021 của Tỉnh ủy về Chuyển đổi số tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030, đến nay, có thể khẳng định Ninh Thuận đã triển khai công tác chuyển đổi số một cách bài bản, khoa học, sáng tạo, hiệu quả, đạt nhiều kết quả tích cực.

Theo Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Ninh Thuận Đào Xuân Kỳ, Ninh Thuận đã xây dựng hạ tầng dùng chung với công nghệ điện toán đám mây (private cloude) sử dụng cho toàn tỉnh; hạ tầng truyền dẫn căn bản trong kết nối các hệ thống thông tin Chính phủ điện tử và liên thông, chia sẻ dữ liệu được phân cấp cho các cơ quan Đảng và Nhà nước cấp tỉnh (mạng TSLCD cấp II), mạng BCAnet (ngành Công an) đã được triển khai, kết nối từ Trung ương đến cấp xã; hệ thống giám sát an toàn, an ninh mạng (SOC) được triển khai, bảo đảm cho các hệ thống thông tin được bảo vệ theo mô hình 4 lớp, đáp ứng các tiêu chí về an toàn thông tin để kết nối vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

z5862876836298_77958cb518fd557e6e561093e123c746.jpg
Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Ninh Thuận Đào Xuân Kỳ.

Hạ tầng mạng truyền dẫn cáp quang để cung cấp dịch vụ internet cố định băng rộng và dịch vụ truy nhập internet 3G, 4G được phủ đến 100% số thôn có dân cư; tỷ lệ dân số có điện thoại thông minh đạt 87,5%; tỷ lệ hộ gia đình có cáp quang băng rộng cố định đạt 81,7%, cao hơn mức trung bình cả nước là 81%, xếp hạng 15 toàn quốc.

Chuyển đổi số đã và đang len lỏi vào đời sống thường ngày của người dân. Hiện, tài khoản thanh toán, thẻ ngân hàng, thanh toán qua mã phản hồi nhanh - QR Code, thanh toán phi tiếp xúc-NFC, thanh toán thẻ chíp phi tiếp xúc - contactless chip... đã trở thành các phương thức thanh toán phổ biến.

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, Chi nhánh tỉnh Ninh Thuận, từ đầu năm 2024 đến nay, doanh số thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh đạt 363.558 tỷ đồng/30.848.568 món, chiếm 75,3% doanh số thanh toán qua ngân hàng, tăng 129.953 tỷ đồng (+55,6%) và tăng 6.097.230 món (+24,6%) so với cùng kỳ năm 2023.

Trong đó, thanh toán qua kênh điện thoại di động đạt gần 22 triệu giao dịch với giá trị hơn 172 nghìn tỷ đồng; thanh toán qua kênh Internet đạt hơn 7 triệu giao dịch, với giá trị đạt hơn 62 nghìn tỷ đồng và thanh toán qua POS đạt gần 500 nghìn giao dịch, với giá trị đạt hơn 850 tỷ đồng.

Tại hội thảo, các đại biểu cũng đã nêu lên những hạn chế, như: Chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận chưa mạnh, tỷ trọng đóng góp của kinh tế số vào tăng trưởng GRDP chưa đạt mục tiêu đề ra.

Tỷ lệ các dịch vụ công trực tuyến chưa có phát sinh nhiều, tính đồng bộ, liên thông dịch vụ công chưa cao; người dân và doanh nghiệp chưa quan tâm nhiều về thực hiện dịch vụ công toàn trình; cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số chưa đủ mạnh, các doanh nghiệp chưa mạnh dạn đầu tư ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh; việc khai thác, phát huy và thu hút nguồn lực xã hội cho chuyển đổi số chưa đạt như mong muốn…

Giám đốc Ngân hàng Nhà nước, Chi nhánh tỉnh Ninh Thuận Chu Vân, phản ánh: “Việc chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp, chi trả chính sách an sinh xã hội qua ngân hàng chỉ mới tập trung chủ yếu ở khu vực đô thị, chưa sâu rộng đến các vùng nông thôn.

Trong khi đó, số người hưởng chính sách an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh là người lớn tuổi, người khuyết tật... do đi lại khó khăn, cho nên có nguyện vọng muốn nhận trợ cấp bằng tiền mặt. Do đó, cần có giải pháp phù hợp để giải quyết thực trạng này”.

z5862876862856_13dc83b2c8f1555c54310beb0eb5bd8b.jpg
Quang cảnh buổi hội thảo.

Để khắc phục những hạn chế, sắp tới, tỉnh Ninh Thuận tiếp tục đẩy mạnh triển khai nền tảng tích hợp và chia sẻ dữ liệu (LGSP), nền tảng kho dữ liệu dùng chung để kết nối, tích hợp, chia sẻ, cung cấp thông tin, dữ liệu theo quy định; đẩy mạnh đầu tư vào hạ tầng số, chú trọng tích hợp kinh tế số vào mọi ngành, mọi lĩnh vực, tăng cường hoàn thiện thể chế số, quản trị số, nâng cao công tác bảo đảm an ninh, an toàn, phòng chống, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt; nghiêm cấm việc thuê, cho thuê, trao đổi, mua bán, tiết lộ thông tin cá nhân, thông tin tài khoản thanh toán dưới mọi hình thức.

Chú trọng việc hỗ trợ thanh toán điện tử tới người dân vùng sâu, vùng xa, nông thôn, người yếu thế trong xã hội, người chưa có tài khoản ngân hàng, học sinh, sinh viên, trẻ em, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp siêu nhỏ, người tiêu dùng ít có cơ hội tiếp xúc công nghệ, nhằm nâng cao nhận thức của người dân về thanh toán không dùng tiền mặt...

Minh Châu