Thông tin doanh nghiệp

Xây dựng uy tín và khẳng định vị thế của thương hiệu bán lẻ

Diễm Hương 24/09/2024 18:49

Theo Tổng cục Thống kê, doanh thu bán lẻ hàng hóa 8 tháng đầu năm 2024 ước đạt 3.199,7 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng dương 7,3% so với 8 tháng đầu năm 2023.

2495.png
Chiến lược ưu tiên nhằm tái định vị trong việc xây dựng uy tín và khẳng định vị thế của thương hiệu trên thị trường.

Thích ứng thay đổi của thị trường và tạo dựng cạnh tranh bền vững.

Năm 2024, nền kinh tế Việt Nam trong giai đoạn từng bước chuyển sang pha phục hồi với sự cải thiện rõ rệt ở nhiều chỉ số. Tốc độ tăng trưởng GDP bứt phá vượt kỳ vọng, lạm phát trong tầm kiểm soát, trong khi tỷ giá được dự báo sẽ ổn định hơn trong những tháng tới và có xu hướng hạ nhiệt trước động thái cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Đây là cơ sở được kỳ vọng sẽ tạo môi trường thuận lợi, kích thích tiêu dùng và ngành bán lẻ. Đặc biệt, hoạt động du lịch tiếp tục tăng trưởng mạnh, số lượng du khách di chuyển bằng máy bay dự kiến sẽ vượt qua con số của năm 2019, mang lại tiềm năng cho bán lẻ tại sân bay và hàng miễn thuế.

Để thành công trong ngành bán lẻ, các doanh nghiệp cần nắm bắt được những xu hướng mới, thích ứng với sự thay đổi của thị trường và tạo dựng những lợi thế cạnh tranh bền vững. Kết quả khảo sát của Vietnam Report đã chỉ ra top 5 yếu tố nổi bật được các doanh nghiệp trong ngành đề cập như những yếu tố chủ đạo định hình nên diện mạo thị trường trong năm qua. Sự biến động của các yếu tố kinh tế vĩ mô như lạm phát, lãi suất, tăng trưởng GDP và tỷ giá hối đoái… chi phối mọi hoạt động của ngành bán lẻ, ảnh hưởng trực tiếp đến nhu cầu tiêu dùng, và khả năng hoạt động của các doanh nghiệp.

Theo kết quả khảo sát của Vietnam Report, tỷ lệ doanh nghiệp bán lẻ có doanh thu tương đương hoặc cao hơn đạt 74,6% trong khi 66,3% số doanh nghiệp duy trì và cải thiện lợi nhuận so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù số lượng doanh nghiệp ghi nhận hiệu quả kinh doanh bằng hoặc vượt năm 2023 chiếm đa số nhưng mức tăng hầu như chỉ nhích nhẹ ở mức khiêm tốn và vẫn còn 25,4% số doanh nghiệp sụt giảm doanh thu, hơn một phần ba số doanh nghiệp có lợi nhuận kém hơn. Tốc độ chuyển trạng thái của thị trường chưa thực sự mạnh mẽ. .

2494.png
Ưu tiên những sản phẩm có chất lượng cao và mang lại giá trị lâu dài

Sự bùng nổ của công nghệ.

Thực tế, công nghệ đang tạo ra những thay đổi mạnh mẽ trong ngành bán lẻ, ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển hay tụt hậu của các doanh nghiệp. Theo đánh giá của doanh nghiệp trong ngành, công nghệ đóng vai trò then chốt trong hoạt động bán lẻ với mức điểm 4,2 trên thang 5, thúc đẩy cả quy trình hoạt động, đổi mới mô hình kinh doanh, và cách thức tiếp cận khách hàng. Trong khi đó, về phía người tiêu dùng, 86,0% số người tham gia khảo sát bảy tỏ sự yêu thích với các cửa hàng áp dụng công nghệ hiện đại (như thanh toán không tiếp xúc, trải nghiệm thực tế ảo...) để cải thiện trải nghiệm mua sắm và tương tác với sản phẩm.

Hướng các công nghệ ngày càng tiên tiến nâng cao hiệu quả quản lý từ chuỗi cung ứng cho đến vận hành cửa hàng khi nâng cấp các công cụ thanh toán, làm mới các mô hình kinh doanh và tiếp thị đa kênh, đồng thời có khả năng truy vấn và xử lý khối lượng lớn dữ liệu ở tốc độ cao, cung cấp các thông tin giá trị về thị trường, giúp doanh nghiệp nhắm mục tiêu chính xác hơn vào hành vi mua sắm của từng nhóm tiêu dùng.

Bên cạnh đó, người tiêu dùng đang thể hiện sự sẵn sàng hơn trong việc cho phép các thương hiệu sử dụng dữ liệu của họ nhằm cung cấp các tính năng hữu ích và nâng cao trải nghiệm (tăng từ 44,8% năm 2023 lên 52,7% năm 2024). Trước đây việc bị thu thập dữ liệu thường bị e ngại song hiện không ít người tiêu dùng đã xem đây như là cách để có trải nghiệm mua sắm phù hợp hơn. Kết quả khảo sát người tiêu dùng của Vietnam Report cũng ghi nhận 69,9% số người tiêu dùng cảm thấy rằng các quảng cáo họ nhìn thấy trên mạng xã hội ngày càng phù hợp với sở thích của mình. Điều này mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp kết hợp giữa việc tận dụng dữ liệu người dùng và khai thác tiềm năng từ công nghệ hiện đại để cải thiện dịch vụ.

Ngày 24/9/2024, Vietnam Report chính thức công bố Bảng xếp hạng Top 10 Công ty Bán lẻ uy tín năm 2024
Ngày 24/9/2024, Vietnam Report chính thức công bố Bảng xếp hạng Top 10 Công ty Bán lẻ uy tín năm 2024

Chiến lược ưu tiên của doanh nghiệp bán lẻ

Bắt nhịp với điều kiện thị trường, sự chuyển dịch trong khuynh hướng tiêu dùng, doanh nghiệp bán lẻ cũng đưa ra các chiến lược ưu tiên nhằm tái định vị hoạt động, xây nền móng cho thành công bền vững. Trong đó, chiến lược Đẩy mạnh bán hàng đa kênh (omni-channel) ghi nhận năm thứ hai liên tiếp đứng đầu về tỷ lệ doanh nghiệp bình chọn với 79,2% số doanh nghiệp. Bối cảnh người tiêu dùng ngày càng mong muốn sự linh hoạt trong việc mua sắm khiến các doanh nghiệp bán lẻ nỗ lực tạo ra một trải nghiệm mua sắm liền mạch trên nhiều nền tảng, hướng tới mục tiêu tối ưu hóa các kênh bán hàng, đáp ứng sự mong đợi của khách hàng và gia tăng hiệu quả kinh doanh.

Đáng chú ý, đa dạng hóa sản phẩm và kiểm soát chất lượng đầu vào chứng kiến sự gia tăng mạnh nhất về số doanh nghiệp bình chọn là chiến lược đặt trọng tâm trong năm nay (+22,6% so với kết quả khảo sát năm ngoái). Sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt buộc các doanh nghiệp phải không ngừng đa dạng hóa sản phẩm và tìm kiếm những nhà cung cấp uy tín để đảm bảo chất lượng sản phẩm. Doanh nghiệp cũng cần tăng cường mối liên kết với các thành viên trong chuỗi cung ứng, nhà sản xuất và nhà cung cấp dịch vụ logistics, hướng tới sự bền vững và ổn định. Điều này không chỉ giúp kiểm soát hiệu quả nguồn hàng về số lượng, chất lượng và cơ cấu, mà còn nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng. Đây không chỉ là một chiến lược cạnh tranh nhằm giữ chân người tiêu dùng mà còn là bước đi quan trọng trong việc xây dựng uy tín và khẳng định vị thế của thương hiệu trên thị trường.

Việc các doanh nghiệp đặt trọng tâm vào đa dạng hóa sản phẩm và kiểm soát chất lượng đầu vào trong năm 2024 cũng được thể hiện thông qua khía cạnh truyền thông.Tỷ lệ xuất hiện của chủ đề sản phẩm đã tăng nhẹ so với cùng kỳ và đứng đầu với 17,3% tổng số tin mã hóa, khi doanh nghiệp ngành bán lẻ muốn truyền tải và khẳng định trước công chúng những thông tin về chất lượng và tính đa dạng hóa của sản phẩm, dịch vụ của mình.

Bên cạnh đó, trước sự nhạy cảm của thị trường đối với giá cả, thông tin xoay quanh các điều chỉnh chiến lược về giá để phù hợp hơn với khả năng chi trả của người tiêu dùng, chương trình ưu đãi, khuyến mại của doanh nghiệp cũng được xuất hiện với tần suất cao trên truyền thông. Đây là bước đi quan trọng trong việc xây dựng uy tín và khẳng định vị thế của thương hiệu trên thị trường

Diễm Hương