Kinh tế thế giới

Gói kích thích mới có đủ sức vực dậy kinh tế Trung Quốc?

Nam Trần 26/09/2024 11:00

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) vừa cắt giảm lãi suất và đề xuất các khoản vay cho nhà đầu tư chứng khoán trước lo ngại về suy giảm tăng trưởng kinh tế.

pboc.jpg
Thống đốc PBoC Pan Gongsheng (Ảnh: SCMP)

Gói kích thích mới có gì?

Ngày 24/9, PBoC đã công bố một loạt biện pháp trong gói chính sách rộng rãi hiếm có nhằm vực dậy nền kinh tế Trung Quốc đang có dấu hiệu suy thoái cũng như kích hoạt thị trường chứng khoán ảm đạm.

Theo đó, cơ quan này sẽ cắt giảm lãi suất cơ bản và giảm lượng tiền mặt mà các ngân hàng cần giữ dự trữ - một động thái nhằm giải phóng thêm nguồn lực cho việc cho vay. PBoC cũng cho biết sẽ cắt giảm lãi suất trả trên các khoản thế chấp hiện tại và hạ mức đặt cọc cho những ngôi nhà thứ hai.

Tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) sẽ được giảm 0,5 điểm phần trăm, mà theo Thống đốc PBoC Pan Gongsheng, sẽ giúp bơm khoảng 1.000 tỷ NDT (141,7 tỷ USD) thanh khoản dài hạn vào thị trường tài chính. Quan chức này cho biết Trung Quốc cũng sẽ hạ lãi suất các khoản vay thế chấp hiện có và thống nhất tỷ lệ trả trước cho các khoản vay thế chấp. Tùy thuộc vào tình hình thanh khoản thị trường vào cuối năm nay, RRR có thể được giảm thêm 0,25 - 0,5 điểm phần trăm.

Một ngày sau, PBoC cũng cho biết đã giảm lãi suất từ 2,3% xuống 2% đối với các khoản vay trung hạn (MLF) kỳ hạn một năm trị giá 300 tỷ NDT (42,66 tỷ USD) cho một số tổ chức tài chính. Dù vậy, con số này vẫn tương đối nhỏ so với tổng dư nợ các khoản vay MLF của Trung Quốc hiện là 6.878 tỷ NDT.

PBoC cũng tuyên bố sẽ bơm 500 tỷ nhân dân tệ, tương đương khoảng 70 tỷ USD, dưới dạng khoản vay cho các quỹ, nhà môi giới và công ty bảo hiểm để mua cổ phiếu Trung Quốc, như một phần trong nỗ lực vực dậy thị trường chứng khoán ảm đạm của nước này. Ngân hàng cho biết sẽ cung cấp thêm 300 tỷ nhân dân tệ để tài trợ cho các công ty niêm yết mua lại cổ phiếu.

Chỉ số CSI 300, chỉ số chuẩn của thị trường chứng khoán Trung Quốc, đã tăng 4,33% vào thứ Ba sau khi các biện pháp được công bố. Chỉ số Hang Seng của Hồng Kông tăng 4,13%. Lợi suất trái phiếu chính phủ Trung Quốc đã tăng khi các nhà đầu tư đổ xô mua cổ phiếu thay vì trái phiếu.

china-facing-housing-market-disaster.jpg
Các chuyên gia cho rằng Trung Quốc vẫn cần thêm các chính sách tài khóa để vực dậy thị trường bất động sản (Ảnh: Newsweek)

Chưa đủ sức nặng

Động thái mạnh mẽ của Bắc Kinh cho thấy sự lo ngại ngày càng tăng sau một loạt các số liệu kém khả quan về việc làm, chi tiêu và lạm phát. Nhưng các chuyên gia nghi ngờ chúng có thể đủ sức kéo nền kinh tế ra khỏi tình trạng tăng trưởng thấp bởi giá cả giảm, khủng hoảng bất động sản kéo dài và sức mua yếu.

"Động thái của PBoC cho thấy chính phủ cuối cùng cũng đang đối mặt với tình hình ảm đạm mà nền kinh tế đang phải đối mặt," Eswar Prasad, Giáo sư chính sách thương mại tại Đại học Cornell và cựu Trưởng bộ phận Trung Quốc của Quỹ Tiền tệ Quốc tế, cho biết.

Thay vào đó, theo nhiều chuyên gia, Bắc Kinh cần kiểm soát chặt chẽ hơn sự suy thoái trong lĩnh vực bất động sản và có những bước đi mạnh mẽ để thúc đẩy tiêu dùng nếu muốn khơi dậy sự phục hồi bền vững cho nền kinh tế. Mục tiêu tăng trưởng chính thức của chính phủ Trung Quốc là khoảng 5% cho cả năm nay, nhưng Goldman Sachs hay UBS đã cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế trong năm nay của Trung Quốc xuống dưới mục tiêu đó.

Dù sao, gói chính sách của PBoC cũng được cho là đúng thời điểm khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) vào tuần trước đã cắt giảm lãi suất 0,5% nhằm hỗ trợ thị trường lao động thay vì chỉ chống lạm phát. Động thái này đã giảm bớt áp lực cho Trung Quốc và tạo không gian để thúc đẩy nền kinh tế.

"Việc cắt giảm của FED đã mở ra cánh cửa cho nhiều NHTW can thiệp chính sách tiền tệ. Trong đó, PBoC có khả năng sẽ tiếp tục nới lỏng tiền tệ, và nới lỏng thường xuyên hơn," Raymond Yeung, nhà kinh tế trưởng khu vực Trung Quốc tại ANZ, phân tích.

Tuy nhiên, câu hỏi lớn là tác động của gói chính sách mới công bố có giải quyết được những vấn đề nền tảng của Trung Quốc hay không?

Chi phí vay đã ở mức thấp, nhưng dữ liệu tín dụng cho thấy các hộ gia đình và doanh nghiệp không mấy quan tâm đến việc vay nợ. Đó là dẫn chứng cho thấy niềm tin tiêu dùng đang ở mức thấp kỷ lục, phản ánh lo lắng về việc làm trong một nền kinh tế yếu kém.

Barclays ước tính rằng cuộc khủng hoảng bất động sản ở Trung Quốc từ năm 2021 đã làm mất khoảng 18 nghìn tỷ USD tài sản của các hộ gia đình, tương đương khoảng 60.000 USD cho mỗi gia đình. Julian Evans-Pritchard, Trưởng bộ phận kinh tế Trung Quốc tại Capital Economics ở Singapore, cho biết các biện pháp này là một bước đi đúng hướng, “nhưng chưa đủ để tạo ra sự thay đổi trong nền kinh tế.”

Hỗ trợ tài khóa mạnh mẽ hơn là điều mà các chuyên gia cho rằng Trung Quốc nên thực hiện. Thu ngân sách trung ương và chính quyền địa phương đã suy yếu khiến Trung Quốc càng thêm khó khăn để đầu tư vào các dự án hạ tầng. Evans-Pritchard cho rằng chính quyền trung ương ở Bắc Kinh cần vay và chi tiêu nhiều hơn để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đồng thời cho các địa phương nhiều quyền tự do hơn trong việc sử dụng hạn mức vay của họ để hỗ trợ tiêu dùng.

Chi tiêu tiêu dùng sẽ chỉ trở lại tốc độ tăng trưởng trước đại dịch nếu các hộ gia đình nhìn thấy hy vọng sau hơn ba năm lao đao bởi thị trường bất động sản.

Nam Trần