Doanh nghiệp

Kiến tạo hệ sinh thái thúc đẩy đổi mới sáng tạo ngành dược

Hạnh Lê 25/09/2024 15:57

Bộ Y tế đang quyết liệt hoàn thiện thể chế thúc đẩy đầu tư hệ thống y tế bền vững và kiến tạo hệ sinh thái thuận lợi thúc đẩy đổi mới sáng tạo ngành dược.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đã nhấn mạnh đến một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2024 của ngành tại hội thảo: “Đổi mới sáng tạo - liều thuốc phát triển ngành y dược”.

Việc rà soát, sửa đổi các luật và quy định quan trọng tạo sự đồng bộ không chỉ để các nhà quản lý, doanh nghiệp… căn cứ vào đó để tổ chức thực hiện, quan trọng hơn, định hình hoạt động của ngành y dược trong một thập kỷ tới, góp phần thúc đẩy đầu tư hệ thống y tế bền vững, hiện thực hoá khát vọng đưa Việt Nam trở thành một trong những nước dẫn đầu khu vực về thử nghiệm, nghiên cứu và sản xuất thuốc chất lượng cao.

TT Tuyen
Ông Đỗ Xuân Tuyên - Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh: đổi mới sáng tạo thúc đẩy phát triển bền vững ngành y dược, đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khoẻ nhân dân trong thời kỳ mới

Để đạt được mục tiêu trên cũng phấn đấu đến năm 2045, ngành dược đóng góp trên 20 tỷ USD cho GDP cả nước, cách tiếp cận mới cần chú trọng đổi mới sáng tạo, tiến bộ công nghệ và chuyển đổi số. Đây được xem là những động lực then chốt phát triển ngành dược lên một tầm cao mới.

Tuy nhiên, đi liền với đó là đòi hỏi cần giải quyết tổng hòa rất nhiều nhiệm vụ cụ thể, từ việc tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý, thúc đẩy nghiên cứu, ứng dụng khoa học và chuyển giao công nghệ tiên tiến trong phòng bệnh, phát hiện, chẩn đoán và điều trị bệnh; sản xuất vacxin và sinh phẩm y tế, thiết bị y tế có chất lượng cao đến hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách về y tế trên cơ sở bám sát thực tiễn, phát hiện nhanh các vấn đề phát sinh và kịp thời điều chỉnh quy định của pháp luật có liên quan.

Thực hiện những yêu cầu này cũng là sự chuẩn bị tâm thế để ngành dược đón đầu các cơ hội phát triển trong tương lai cũng như sẵn sàng đón nhận, thu hút đầu tư từ các quốc gia, tập đoàn hiện đại trên thế giới theo đúng định hướng và mục tiêu đã đề ra. Trước mắt, Luật Dược 2016 - một trong 3 luật cốt lõi đóng vai trò quan trọng đã được rà soát, sửa đổi bổ sung để Chính phủ trình Quốc hội vào kỳ họp tháng 10 tới.

Theo Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Dược 2016 định hướng thu hút đầu tư phát triển các hoạt động nghiên cứu phát triển công nghệ, sản xuất hoặc chuyển giao công nghệ để sản xuất dược chất, thuốc mới, thuốc biệt dược gốc, thuốc hiếm, thuốc generic đầu tiên, thuốc công nghệ cao, vacxin và sinh phẩm... của các tập đoàn dược phẩm nước ngoài tại Việt Nam nhằm chủ động, phát triển bền vững sản xuất trong nước; đồng thời thúc đẩy các hoạt động xuất khẩu đến các thị trường tiên tiến.

Bên cạnh đó, đề cập đến thuốc, trước tiên phải có nguyên liệu sản xuất. Với hoá dược, Việt Nam đang nhập khẩu 80% nhưng có tiềm lực lớn về vùng nguyên liệu. Nguồn nhân lực trong ngành sản xuất thuốc cũng đã sẵn sàng. “Theo các quy định sửa đổi, chúng tôi đề xuất những ưu tiên sản xuất thuốc tại Việt Nam, bao gồm việc ưu tiên cấp giấy phát hành, ưu tiên nằm trong danh sách thuốc được ban hành…”, ông Đỗ Xuân Tuyên chia sẻ thêm.

viatris.jpg
Bà Radhika Bhalla - Tổng Giám đốc Viatris Việt Nam và các thị trường Liên minh châu Á của Viatris

Từ góc độ của nhà đầu tư, bà Radhika Bhalla - Tổng Giám đốc Viatris Việt Nam và các thị trường Liên minh châu Á của Viatris cho rằng: Chuyển giao công nghệ sản xuất thuốc trong nước được xác định là ưu tiên hàng đầu nhằm đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân Việt Nam. Tuy nhiên, hoạt động này còn nhiều khó khăn, vướng mắc về thủ tục đăng ký và chính sách đầu tư.

Theo bà Radhika Bhalla cần có các cải cách pháp lý để tạo môi trường đầu tư nước ngoài rõ ràng và hấp dẫn hơn cho ngành công nghiệp dược phẩm. Chẳng hạn như chính sách ưu đãi về thuế, đơn giản hóa quy trình cấp phép cho thuốc chuyển giao công nghệ… Bên cạnh đó, giảm gánh nặng thủ tục hành chính liên quan đến các mô hình chuyển giao công nghệ có thể thu hút nhiều đầu tư vào chuyên môn hơn từ các công ty đa quốc gia vào Việt Nam và về lâu dài sẽ thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp sản xuất dược phẩm trong nước song song với việc duy trì chuỗi cung ứng toàn cầu...

Ngoài hoàn thiện thể chế chính sách và cải thiện môi trường đầu tư cho ngành dược, ông Lê Minh Sang - Chuyên gia y tế cấp cao của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam nhận định, để đổi mới sáng tạo ngành y dược đạt hiệu quả, Việt Nam cần tập trung cho chuyển đổi số.

Theo kinh nghiệm từ một số quốc gia khác đã có thành công trong đổi mới sáng tạo ngành dược, Việt Nam cần tiếp tục phát triển các tiêu chuẩn dữ liệu và khả năng tương tác để hỗ trợ các loại luồng thông tin y tế rộng hơn và sâu hơn; đảm bảo việc áp dụng rộng rãi các tiêu chuẩn của các nhà cung cấp công nghệ thông tin y tế. Cùng với đó, cần tận dụng các nguồn dữ liệu y tế mới nổi để hỗ trợ lập kế hoạch, quản lý, giám sát y tế công cộng. Đặc biệt, cần phải tạo động lực để tích hợp y tế số vào các dịch vụ y tế cốt lõi.

Hạnh Lê