Cần trợ lực để phát triển các doanh nghiệp “sếu đầu đàn”
Theo chuyên gia, cần tăng cường chính sách hỗ trợ để các doanh nghiệp “sếu đầu đàn” phát huy vai trò dẫn dắt, tạo hệ sinh thái cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Thời gian qua, Việt Nam đã có một số doanh nghiệp "sếu đầu đàn" như Vingroup, THACO, Hòa Phát… có khả năng dẫn dắt nền kinh tế. Tuy nhiên, số lượng này vẫn còn hạn chế, chưa đủ để đáp ứng nhu cầu phát triển toàn diện của nền kinh tế.
Thực tế hiện nay, ngành công nghiệp của nước ta hiện đang phụ thuộc lớn vào doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, chiếm 22-23% GDP, trong khi doanh nghiệp trong nước chỉ chiếm 10%...
Đặc biệt, Việt Nam vẫn cơ bản là sản xuất gia công, chưa chạm được nhiều đến tự động hóa, số hóa. Doanh nghiệp công nghiệp, doanh nhân Việt Nam chưa thực sự tạo được sự liên kết công nghiệp giữa trong nước và thế giới; chưa thật sự dẫn dắt được chuỗi công nghiệp của các doanh nghiệp, tập đoàn, thế giới vào Việt Nam. Không những vậy, bước chuyển mình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của các doanh nghiệp còn yếu.
Do đó, các chuyên gia cho rằng, cần thiết phải có các chính sách hỗ trợ để những doanh nghiệp "sếu đầu đàn" này có thể thực sự dẫn dắt tăng trưởng, hình thành hệ sinh thái cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa cùng phát triển, từ đó vươn tầm quốc tế.
Điều này cũng giúp hiện thực hóa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, bao gồm Nghị quyết số 41-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới. Nghị quyết này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng chính sách đột phá, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp dân tộc có quy mô lớn, đóng vai trò then chốt trong các ngành kinh tế trọng điểm và trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Nêu quan điểm về vấn đề này, TS Trần Đình Thiên, Chuyên gia kinh tế nhận định, doanh nhân, doanh nghiệp của Việt Nam có lớn, nhưng chậm, cần có những cách tiếp cận mới, khác thường để có những bước tiến xứng tầm, đúng với thời đại.
Theo TS Trần Đình Thiên, nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng tốt, nhưng cần hơn nữa những chính sách tạo ra các chuỗi công nghiệp của Việt Nam, do người Việt Nam đứng đầu. Đồng thời, cần tạo cơ hội để doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị của các doanh nghiệp FDI.
"Chúng ta hãy học tập Nhật Bản, xây dựng mô hình doanh nghiệp nhiều tầng, có doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp cực lớn, doanh nghiệp vừa, doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp siêu nhỏ... Từ chiến lược này, chúng ta dễ dàng phân chia, định hình chiến lược phát triển để phù hợp với từng tầng doanh nghiệp", TS Trần Đình Thiên nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, ông Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương cho rằng, cần chính sách hỗ trợ để các doanh nghiệp “sếu đầu đàn” có thể dẫn dắt tăng trưởng, tạo dựng hệ sinh thái dẫn dắt các doanh nghiệp nhỏ và vừa, từng bước lớn mạnh, vươn tầm thế giới cũng như thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong phát triển kinh tế.
"Hơn lúc nào hết, Việt Nam cần có những doanh nghiệp trong nước đủ lớn, có năng lực cạnh tranh, vươn tầm quốc tế, có thương hiệu, đóng vai trò nòng cốt, dẫn dắt quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá", ông Phạm Tuấn Anh cho hay.
Theo đó, để xây dựng doanh nghiệp nhà nước dẫn đầu, chúng ta cần thay đổi cách nhìn nhận về doanh nghiệp và sửa đổi quy định liên quan đến cơ quan đại diện chủ sở hữu, phân cấp quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm cho người đại diện. Cần có cơ chế giữ lại nguồn lực như thoái vốn, cổ phần hóa và lợi nhuận sau thuế để tái đầu tư, vì doanh nghiệp nhà nước đang chịu nhiều ràng buộc.
Ngoài ra, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân cũng cần được điều chỉnh để phù hợp với thực tiễn, đặc biệt trong việc cải cách thủ tục hành chính và triển khai chính phủ điện tử, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp không bỏ lỡ cơ hội để phát triển.
Bên cạnh những vấn đề đã nêu, để giảm bớt sự phụ thuộc và tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, các chuyên gia cho rằng, cần tập trung phát triển các doanh nghiệp “đầu đàn” gắn với chiến lược phát triển ngành. Cụ thể, xác định lĩnh vực then chốt có sự hiện diện của đội ngũ doanh nghiệp như công nghiệp nền tảng, công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn, công nghiệp công nghệ cao…